Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là giải quyết mục tiêu công bằng xã hội

(PLVN) - Chính sách tín dụng là 1 trong 54 chính sách trực tiếp cho khu vực miền núi và dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng đó là “Điểm sáng” góp phần lớn thay đổi nhận thức, thay đổi sinh kế, thay đổi cuộc đời đồng bào DTTS.
Gia đình ông Sùng A Khua (dân tộc Mông ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) vay vốn chính sách để nuôi bò, trâu. Từ chăn nuôi, trồng cấy, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình có thu nhập khoảng tới 200 triệu đồng
Gia đình ông Sùng A Khua (dân tộc Mông ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) vay vốn chính sách để nuôi bò, trâu. Từ chăn nuôi, trồng cấy, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình có thu nhập khoảng tới 200 triệu đồng

Không chỉ là tiền mà còn là những tấm lòng 

Phát biểu tại Hội thảo khoa học đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS tại Việt Nam diễn ra ngày 25/9/2019 tại Hà Nội, ông Đỗ Văn Chiến – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc – nhận định, hoạt động hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) góp phần thực hiện công bằng xã hội, giàu tính nhân văn và thật sự là công cụ đắc lực để Đảng và Nhà nước chăm lo cho các đối tượng yếu thế.

Đồng bào DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước nhưng tỷ lệ dư nợ tại NHCSXH chiếm 24,8% tổng dư nợ; có 3,04 triệu hộ DTTS thì đã có 1,4 triệu hộ vay vốn NHCSXH, chiếm 46%; dư nợ bình quân 01 hộ là 34 triệu đồng; tổng dư nợ còn 2342 tỷ đồng. 

“Đó là những con số biết nói ấn tượng, không phải chỉ là những đồng tiền bằng con số mà còn là những tấm lòng nhân ái đồng hành với đồng bào trên con đường xóa đói giảm nghèo tiến tới làm giàu” – ông Chiến nói – “Ở nơi khó khăn, xa xôi cách trở, cả huyện nghèo, cả xã nghèo, cả thôn, cả họ nghèo, thử hỏi nếu NHCSXH không tiếp cận cho vay thì đồng bào lấy ở đâu số tiền trên để lo lắng, bươn chải cho cuộc sống, cho con em học hành chữa bệnh…”.

Ông Chiến cũng nhận định, NHCSXH cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, giải ngân tại xã, rất phù hợp với tâm lý, tập quán của đồng bào. Nếu không có NHCSXH thì chắc “tín dụng đen” ở vùng nông thôn dân tộc thiểu số chưa biết sẽ diễn biến phức tạp đến cỡ nào. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần tăng cường vai trò hoạt động của các đoàn thể và góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh…

Thay đổi nhận thức, thay đổi sinh kế, thay đổi cuộc đời

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương – nhận định, chính sách tín dụng là 1 trong 54 chính sách trực tiếp cho khu vực miền núi và DTTS, nhưng đó là “điểm sáng” góp phần lớn thay đổi nhận thức, thay đổi sinh kế, thay đổi cuộc đời đồng bào DTTS.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS từ mặc cảm, tự ti, nay mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả, giúp đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng DTTS... 

Bà Mai cho biết, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ nghiên cứu tổng hợp các chính sách còn đang phân tán để sắp xếp lại, tăng cường hiệu quả chính sách vào trong Chương trình quốc gia phát triển bền vững cho đồng bào DTTS và khu vực miền núi.

“NHCSXH cần tiếp cận mạnh hơn giảm nghèo đa chiều, vì nhận biết rõ nguyên nhân (thu nhập, sức khỏe, học hành…) thì sẽ giải quyết tốt hơn việc giảm nghèo” – bà Trương Thị Mai nói - “Giải quyết cuộc sống đồng bào DTTS tốt hơn thì giải quyết được mục tiêu công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo. Đó là đóng góp lớn của chính sách tín dụng này”.

Bà Mai đề nghị khi xây dựng chương trình phát triển bền vững cho đồng bào DTTS, cần có chính sách cho nhóm đồng bào khó khăn hơn. Đồng thời, nghiên cứu phân hóa để đáp ứng chính sách đúng đối tượng hơn, phù hợp hơn.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã biểu dương đội ngũ cán bộ NHCSXH – những người cẩn thận, chi li, đi đến với từng hộ gia đình: “Đây chính là đội ngũ củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.

Còn Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến chia sẻ: “Dư nợ mấy ngàn tỷ thôi nhưng của mấy trăm ngàn hộ, món vay nhỏ, cán bộ tín dụng phải hướng dẫn từng li, từng tí. Khác với tín dụng thương mại hàng triệu tỷ, nhưng là món vay lớn của các nhà đầu tư lớn, còn có mối quan hệ “này nọ” chứ NHCSXH cho vay, trao tiền cho người nghèo, người DTTS thì chỉ nhận được một nụ cười mãn nguyện thôi, thế cũng là cả một tấm lòng rồi”.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó: có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162 nghìn lao động; giúp trên 211 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215 nghìn căn nhà ở...

Đọc thêm