Nâng cấp đường, 'hạ cấp' đời sống người dân

(PLO) -Một nghịch lý đang diễn ra tại TP.HCM: Việc nâng đường, làm công trình chống ngập ở một số tuyến đường lại không đồng bộ với việc nâng cao nền nhà của người dân, đã biến một số căn nhà thành những cái “hầm” ngột ngạt. Đường cao hơn nhà, sinh hoạt của người dân đảo lộn, gặp nhiều khó khăn.
Đường nâng cao
Đường nâng cao

Nhà hóa thành “hầm”

Đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân) kéo dài 3km đang được thi công dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập. Công trình do Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn. 

Những ngày cuối tháng 6, đi dọc theo tuyến đường Kinh Dương Vương (TP.HCM) có thể dễ dàng quan sát được các vạch sơn màu trắng do cơ quan kẻ lên tường nhà người dân để thể hiện mốc độ cao mới của con đường. 

Nhà biến thành “hầm”
Nhà biến thành “hầm”

Tại các điểm đang thi công, có nơi nhà dân bị sụt xuống so với mặt đường mới 1,4-1,5m. Cửa nhà dân chỉ còn hở khoảng hơn 1m, thấp hơn cả chiều cao người bình thường, việc ra vào nhà phải lom khom “luồn cúi”. Hai bên đường, những căn nhà mặt tiền nay bị chắn ngang cửa ra vào bởi hàng gạch dài, cao hơn 1m.

Một người dân địa phương cho biết: “Trước kia, nhà tôi có cánh cửa cao 2,2m, nhưng từ khi làm đường mới, cửa ra vào chỉ còn cao khoảng 0,8m so với mặt đường, chẳng khác cửa tổ con tò vò. Khi làm đường mới, cả khu hè trước nhà đều bị chắn ngang”.

Trong khi số hộ dân ở đường Bạch Đằng (TP.HCM) đang đau đầu “kêu cứu” vì nhà quá cao, thì ở đường Kinh Dương Vương, người dân đang “khóc dở mếu dở” vì nhà trở thành “hầm” tối tăm. “Lúc trước, nền nhà tôi bằng với mặt đường, đến nay đường được nâng cao, mỗi ngày mưa, nước trên mặt đường cứ tràn vào nhà. Mỗi ngày chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng đủ ngập”, một người chia sẻ.

Theo người dân sống trên đường Kinh Dương Vương, nhà họ đã biến thành “hầm”, khi trời nắng thì nóng hầm hập, trời mưa, nước từ dưới cống, từ góc nhà trào ngược lên bốc mùi khó chịu, tù đọng lại trong nhà không thoát đi đâu được. Trời mưa to chỉ có cách dùng máy bơm nước hút nước ra mới không ngập lâu, nếu không cũng phải mất vài tiếng đồng hồ, nước mới rút dần.

Lo lắng đường mưu sinh

Việc nâng cao các tuyến đường để chống ngập lụt lại có “tác dụng phụ” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân hai bên đường. Do việc nâng cấp đường không đồng bộ với việc nâng cấp nhà dân dẫn đến hậu quả: Hạn chế nước ngập trên đường thì nước lại chảy vào nhà dân, cuộc sống của người dân vì thế bị đảo lộn.

Theo bà Phạm Thị Hoa (60 tuổi, sống ở hẻm 574 Kinh Dương Vương), căn nhà của bà chưa đầy 20m2, gia đình vốn vất vả, phải nhờ vào quán tạp hóa để nuôi cháu ăn học. Thế nhưng từ khi con đường được nâng cao, buôn bán của bà trở nên ế ẩm, cuộc sống lại rơi vào khó khăn hơn. 

Người dân lo lắng về đường mưu sinh.
Người dân lo lắng về đường mưu sinh.

“Tôi ngại ra ngoài lắm, mỗi lần có việc cần ra đường lại phải khom người trèo lên con bật hơn 1m mới ra đến đường. Lúc vào nhà lại phải tìm người đỡ xuống vì bậc quá cao. Mỗi lúc mưa thì nước ở ngoài đường tràn vào làm ngập cả phòng, mỗi ngày mưa là mỗi ngày bị ngập”, bà Hoa than.

Ngôi nhà của ông Trần Văn Bé (58 tuổi, ngụ đường Kinh Dương Vương) chưa đầy 30m2, cũng là nơi ông Bé hành nghề Đông y chữa bệnh, bốc thuốc. Nhưng từ khi đường nâng cao, việc hành nghề của ông trở nên khó khăn, bất tiện.

“Đường thì làm rồi, tiến độ thi công chậm quá, ở trong nhà như cái hầm, xe chạy ngang qua là khói bụi bay hết vào nhà. Nâng đường cao quá, mỗi lần người bệnh vào nhà khám lại phải lom khom, cúi cong lưng mới vào được nhà. Cứ như thế, họ chỉ đến vài lần thấy bất tiện là không dám đến nữa”, ông kể.

Ông Bé cho biết thêm, ông làm nghề Đông y ở con hẻm 547 cũng được 20 năm, khách quen cũng nhiều, nhưng cuộc sống lẫn công việc của ông đều bị thay đổi từ khi mặt đường được nâng lên hơn 1m. Mỗi ngày một vắng khách.

Số khách đến nhà chữa bệnh bằng phương pháp Đông y phần lớn là người già, vậy mà giờ đến chữa bệnh lại phải trèo lên, trèo xuống bậc cao hơn 1m, rồi lại còng lưng chui vào nhà, họ sợ đau khớp và không tới lui gì nữa.

Cũng giống như nhiều hộ gia đình khác ở địa phương, gia đình bà Trần Thị Thanh Quyên sống ở căn nhà 721B Kinh Dương Vương cũng ngao ngán:

"Việc kinh doanh buôn bán gạo của tôi giảm một nửa so với trước đây. Từ khi thành phố có chủ trương nâng con đường này, tôi buôn bán rất ế ẩm. Đường nâng cao khiến nhà tôi thấp hơn mặt đường 1,5m; nắng thì bụi bay mù mịt, mưa nước tràn vào nhà lênh láng”.

Đường cao hơn nhà
Đường cao hơn nhà

Hiện nay, những gia đình có điều kiện kinh tế đang phải thực hiện chính sách “đường cao, nhà cao”, nâng nền nhà cho bằng hoặc cao hơn so với mặt đường. Đối với những gia đình không có đủ kinh phí để nâng nền nhà, một số người không chịu nổi cảnh có nhà mà không có lối vào đành phải bỏ hoang hoặc rao bán nhà với giá rẻ.

Dọc theo tuyến đường Kinh Dương Vương đã có xuất hiện một số điểm rao bán nhà vì không thể chịu nổi cảnh “nhà hầm”. Những người ở lại đành trân mình chịu đựng cuộc sống ngột ngạt. 

Ông Nguyễn Thông, một người dân cho biết: “Mùa mưa bão đang tới, cần phải nâng cấp mặt đường ngay và nâng cả nền nhà, chứ ở vậy thiếu ánh sáng, bức bí lắm, làm sao sống được. Nhưng không phải gia đình nào cũng có tiền xây nhà mới hoặc sửa nhà. Gia đình tôi định bán căn nhà này để tìm một ngôi nhà khác để sinh sống".

Bà Trương Thị Việt (44 tuổi, ngụ đường Kinh Dương Vương) nói như khóc: “Đường được nâng cấp cho hết ngập lụt là một điều vui, nhưng cuộc sống của chúng tôi giờ khổ lắm, nhà tôi thấp hơn đường gần 1,5m, mỗi lần muốn đưa chiếc xe máy ra cũng phải mất gần nửa tiếng mới đưa ra được.

Giờ không nâng nhà lên thì không sống nổi, mùa nắng nóng giống như cái lò thiêu vì cửa vào nhà chỉ cao hơn 1m, muốn làm nhà mới thì phải chạy đôn chạy đáo mượn tiền”. 

Cuộc sống của người dân bị đảo lộn sau ngày nâng đường.
Cuộc sống của người dân bị đảo lộn sau ngày nâng đường.

Hậu quả của việc làm "đường cao hơn nhà" là cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn, hàng loạt cuộc di dời đi nơi khác sinh sống. Buôn bán, kinh doanh của người dân ế ẩm, thu nhập giảm sút, nhiều người thuê mặt bằng buôn bán phải trả lại, kiếm nơi khác kinh doanh.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có bốn quận có nhà dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường. Trong đó, với các dự án đã và sắp triển khai, quận 8 bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 7.000 hộ, mặt đường cao hơn nhà 0,4-1m.

Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM xem xét về chính sách hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng từ những dự án xây dựng hạ tầng như nâng đường, hẻm khiến mặt đường cao hơn nền nhà.

Đọc thêm