Năng lực kỳ diệu của cô gái đi học trên lưng bà

(PLO) - Thay vì chờ đợi mọi người hiểu và chia sẻ với người khuyết tật thì Lan Anh lại chủ động lo lắng cho mình và cộng đồng người khuyết tật bằng những chương trình hữu ích. Những đoạn đường chông gai và khó khăn nhất, cô gái đầy nghị lực này đều đã đi qua…
Năng lực kỳ diệu của cô gái đi học trên lưng bà

Căn bệnh xương thủy tinh không cho phép được thoải mái chơi đùa cùng chúng bạn, Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1978, quê Thái Nguyên) tìm niềm vui trong học tập. 

Tìm niềm vui trong sách vở…

Sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo ở Thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, tuổi thơ của Lan Anh là chuỗi ngày buồn và mặc cảm vì bệnh tật không thể chạy nhảy nô đùa vô tư như bè bạn. 6 tuổi chị vẫn không thể đi học vì chuỗi ngày đi viện và trường khó tiếp nhận trẻ khuyết tật. Bởi vậy mãi đến năm lên 9 tuổi Lan Anh mới chính thức được bước vào lớp 1.

Không có tiền sắm cho chị chiếc xe lăn, hàng ngày bà ngoại vượt qua 2km đường bất kể nắng mưa để cõng chị đến lớp. Trong khi các bạn ra sân chạy nhảy trong những giờ ra chơi thì Lan Anh ngồi một chỗ và đọc sách. Lan Anh đọc tất cả những cuốn sách chị có được. Chân trời đầy mơ ước đã mở ra từ những cuốn sách này, hun đúc trong chị một nghị lực, một mong ước hoài bão lớn. Chỉ biết vùi đầu vào học để trốn những giờ chơi, Lan Anh có được một sức học nổi bật ở lớp, ở trường.

Những năm tháng phổ thông rồi đại học lần lượt qua nhanh. Lan Anh tiếp tục con đường học tập bằng việc chinh phục chương trình thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh và tốt nghiệp đại học các trường ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Mới đây, chị vừa tốt nghiệp khóa học đặc biệt về lãnh đạo, quản lý và quản trị do Trường Đại học Yale, Hoa Kỳ giảng dạy, cũng như các khóa học ngắn hạn tại Mỹ, châu Âu và châu Úc về quyền của người khuyết tật, làm sao giúp người khuyết tật sống hòa nhập cộng đồng hơn.

Chị chia sẻ, con đường học tập của chị do may mắn mà đạt được, chị cứ nộp đơn xin theo học, không ngờ được chọn nhưng chúng tôi nghĩ, những gì Lan Anh đã chinh phục được đều là kết quả của một nỗ lực không ngừng nghỉ và sự quả cảm đầy ý chí của cô gái sinh ra đã phải chịu sự thiệt thòi hơn chúng bạn. Có lẽ từ câu chuyện và những trải nghiệm từ chính cuộc đời mình chị đã có những ý nghĩ táo bạo khi quyết tâm xây dựng một trung tâm trợ giúp mọi vấn đề cho người khuyết tật.

Cũng chính từ những trải nghiệm và những kiến thức đã lĩnh hội được khiến chị tìm được một hướng đi hơi ngược cho mình. Bởi trước đây chị nghĩ đơn giản rằng, giúp đỡ người khuyết tật có thể chỉ cần cho họ tiền, cho họ vật dụng hàng ngày hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng họ cả đời là tốt nhất. Nhưng sau khi được tiếp cận với các khóa học, chị hiểu ra rằng, hoá ra không phải, giúp người khuyết tật là tạo cho họ hòa nhập, phát huy khả năng của họ mới là con đường tốt và bền vững nhất.

Vậy làm thế nào để hoà nhập? Làm thế nào để phát triển bền vững? Làm sao phát huy được sức mạnh của họ? Câu hỏi tốn nhiều giấy mực và cả công sức, tiền của không chỉ Chính phủ mà còn cả của các tổ chức vì người khuyết tật trong nước và quốc tế.

Cô gái xương thủy tinh Lan Anh ký kết một dự án của Trung tâm ACDC với USAID
Cô gái xương thủy tinh Lan Anh ký kết một dự án của Trung tâm ACDC với USAID

Trao cho người khuyết tật chìa khóa hòa nhập cộng đồng…

Sau rất nhiều suy nghĩ và quyết tâm, Lan Anh và các đồng nghiệp quyết định thành lập Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (viết tắt là Trung tâm ACDC). Thời điểm mới thành lập, năm 2012, trong khi các trung tâm khác nhận tài trợ rồi xây dựng các dự án cho phù hợp thì chị lại đi một bước ngược, lập đề án rồi mới tìm đến các nhà tài trợ, các mạnh thường quân.

Lan Anh cho biết, khi chính thức bắt tay vào thành lập, chị và các đồng nghiệp đã gặp rất nhiều lời dèm pha vì cho rằng chị “ngựa non háu đá”, rồi vô vàn khó khăn từ cơ sở vật chất đến vốn đầu tư vào Trung tâm...

Lan Anh nhớ lại: Ngày mới thành lập, ACDC phải tận dụng mọi thứ, một chiếc bàn, chiếc quạt cũng phải tha lôi từ nhà đi; trụ sở được đặt trong một phòng nhỏ đi thuê tại khu tập thể cũ; rồi cả thời gian tiền quỹ Trung tâm chỉ còn vài trăm nghìn trong khi kỳ trả lương đã đến gần kề… Lan Anh không thể quên những ngày khó khăn khủng khiếp, tưởng chừng như có thể phải đóng cửa Trung tâm chỉ sau vài tháng thành lập.

“Mỗi ngày đến văn phòng và về nhà là những thời gian nặng nề bởi sự lo lắng ngày càng lớn. Có hôm tôi không kìm được, tâm sự vài câu với chồng xong rồi ngồi khóc tu tu như một đứa trẻ con. Vì lo lắng cho những người đã tin tưởng và đồng cam cộng khổ với mình, nếu phải đóng cửa Trung tâm, nếu không có tiền trả lương, những con người ấy sẽ ra sao. Không ngờ chồng tôi nghe xong thì động viên tôi yên tâm, rồi đâu khắc có đó” - Lan Anh kể lại.

Chị không ngờ rằng, buổi trưa ngày hôm sau, khi từ ngoài về văn phòng, được các nhân viên đưa cho một bọc tiền và bảo chồng chị gửi. Chị giật mình không hiểu chồng lấy tiền ở đâu ra, gọi cho anh thì anh cười và nói: “Tiền tiết kiệm dành cho con đấy, em cứ sử dụng trong lúc khó khăn, sau này có thì trả lại”.

Chị bảo, chị bất ngờ đến rơi nước mắt vì chị đã từng nghĩ rằng, khoản để dành cho con sẽ không bao giờ động đến nhưng chỉ vì lo lắng và muốn chia sẻ với vợ, chồng chị đã không ngại ngần… mượn tiền của con. Đó là thời kỳ khó khăn nhất mà Lan Anh trải qua.

Khó khăn rồi cũng qua. Sau đó những chuyến đi nước ngoài học tập và chia sẻ kinh nghiệm. Rồi sau đó là những dự án đơm hoa kết trái. Trong đó, dự án làm nên tên tuổi của Trung tâm ACDC chính là “Xương rồng vẫn nở hoa”. Đây là dự án dành cho những người phụ nữ khuyết tật đơn thân vươn lên trong cuộc sống. Không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, những cái ôm ấm áp và những lời biết ơn chân thành đã được gửi đến Lan Anh từ những người thụ hưởng dự án này.

Đó chính là động lực để Lan Anh không ngừng nghỉ, nghĩ ra mọi hoạt động, chương trình để kết nối những người khuyết tật với nhau, kết nối người khuyết tật với cộng đồng và cố gắng phá bỏ những rào cản khiến người khuyết tập khó hòa nhập xã hội. Với ý chí và nghị lực của mình, chị đã làm được những điều kỳ diệu không chỉ với cuộc sống của mình mà còn tạo nên điều kỳ diệu cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam. Chị tận dụng mọi cơ hội có thể để giúp đỡ và trao cho họ một chìa khóa tự tin hòa nhập xã hội…

Đọc thêm