Nâng tầm lễ hội Minh Thề để lan tỏa tinh thần chống tham nhũng

(PLO) - Ngày 1/3 (tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch), Lễ hội Minh Thề, làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”. Với ý nghĩa sâu xa về phòng chống tham nhũng nhưng lễ hội “độc nhất vô nhị” này vẫn chỉ là “hội làng”.
Nâng tầm lễ hội Minh Thề để lan tỏa tinh thần chống tham nhũng

"Ai dùng của công vào việc riêng, xin thần linh đả tử”

Sáng 27/2, tại khu di tích đền chùa Hòa Liễu, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội gần như đã hoàn tất. Ông Nguyễn Trọng Khải, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên cho biết, năm nay, phần Lễ đón nhận danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia” được UBND huyện Kiến Thụy tổ chức. Phần “Hội” sẽ được các cao niên trong làng Hòa Liễu tổ chức như thường lệ. Vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý này nhưng điều mà tất cả người dân và lãnh đạo địa phương nơi đây mong muốn là làm sao giữ nguyên được bản sắc nhưng phải nhân rộng được sức ảnh hưởng của Lễ hội. 

Ông Phạm Đăng Khoa, một trong những cao niên có công phục dựng lễ hội kể lại, giữa thế kỷ 16, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hoà Liễu ngày nay) và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ Hòa Liễu (Thiên Phúc Tự). Cũng chính Thái hoàng Thái hậu đã cùng dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh Thề với mục đích để răn dạy người dân phải biết dùng của công vào việc công.

Lễ hội Minh thề đã ra đời, được nhân dân làng Hoà Liễu truyền từ đời này qua đời khác, đến khoảng năm 1945. Do chiến tranh, Hội Minh Thề bị mai một, gián đoạn. Đến năm 1993, khi khu di tích đền, chùa Hòa Liễu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, nhân dân địa phương đã bắt tay vào việc phục dựng lễ hội truyền thống. Đến năm 2003, Hội Minh Thề được chính thức khôi phục, được tổ chức trong 3 ngày trên nền cốt của Hội Minh Thề xưa. 

Trong phần “Hội”, nghi lễ quan trọng nhất là nghi lễ cắt tiết gà để uống máu ăn thề. Máu gà trống được hòa vào bình rượu lớn, mỗi người truyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề không tham nhũng. Sau đó, mọi người cùng hô vang lời thề: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về việc riêng, xin thần linh đả tử, làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.

Lễ hội chống tham nhũng chỉ là việc của làng?

Có thể nói, lời thề trong bài Hịch Minh Thề trên chính là lời răn dạy của người xưa về việc lấy chí công làm trọng; người nông dân không phân biệt giàu hay nghèo đẳng cấp xã hội, với khí phách kẻ sĩ giữ tiết tháo, không vì cơ hàn mà xâm phạm của công. Chính vì sự kết hợp hoàn hảo giữa tín ngưỡng với giáo dục nhân cách sâu sắc, lễ hội “Thề không tham nhũng” được biết đến là lễ hội “độc nhất vô nhị” trong cả nước .

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng nên nâng tầm lễ hội Minh Thề thành lễ hội cấp huyện, thành phố để lãnh đạo cùng cấp cùng uống rượu thề không tham nhũng thì sức lan tỏa của lễ hội sẽ rộng lớn hơn, không để lễ hội có ý nghĩa tích cực đối với vấn đề nóng bỏng đương đại là chống tham nhũng chỉ là việc của một làng.

Tuy nhiên về vấn đề này, ông Đặng Bá Cường, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng quan niệm: Về bản chất, đây là lễ hội của làng Hòa Liễu. Nếu lãnh đạo cấp xã, huyện hay thành phố cùng hô vang lời thề thì vô hình chung ta đã “biến tấu” lễ hội đi xa hơn so với nội hàm của nó.

Cũng theo ông Cường, việc nâng cấp lễ hội với càng nhiều các lãnh đạo, chức sắc cùng tham dự và uống rượu thề (nếu có) không phải là “thước đo” hoàn toàn cho việc thề không tham nhũng. Mỗi vị lãnh đạo phải luôn ý thức vai trò, trọng trách của mình và luôn coi mình là “công bộc của dân” thì tham nhũng mới được đẩy lùi. 

Đây cũng chính là quan điểm của ông Trịnh Văn Tú, Trưởng phòng quản lý Di sản, Sở Văn hóa & Thể thao Hải Phòng. Theo ông Tú, cán bộ, công chức làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Vì thế, việc các lãnh đạo thề không tham nhũng trước thần linh không được phù hợp, điều cốt yếu là họ phải tuyên thệ trước Đảng, trước dân.

Theo đại diện của Sở Văn hóa & Thể thao TP Hải Phòng, do lễ hội Minh Thề là di sản văn hóa đặc sắc, riêng có của cộng đồng làng Hòa Liễu nên nếu muốn mở rộng quy mô lễ hội thì cần có Hội thảo về việc nâng tầm tổ chức lễ hội từ cấp xã lên cấp huyện, cấp Thành phố đồng thời phải được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch để đảm bảo đúng quy định pháp luật cũng như tính thiết thực, hợp lý, thống nhất trong xã hội.

Năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng đã phối hợp với UBND huyện Kiến Thụy tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Hội Minh Thề đề nghị UBND TP Hải Phòng trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Hội Minh Thề vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”. Để ghi nhận nét đẹp, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của lễ hội, ngày 08/5/2017, “Hội Minh Thề” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL.

Đọc thêm