Ngại mang tội với người vùng cao

Đường lên núi khó khăn, tắc nghẽn, thậm chí có cảnh sát đã hy sinh vì tuyết nhưng nhiều cư dân mạng vẫn háo hức với hành trình ngắm tuyết, thích thú muốn thấy tuyết. Liệu có tội lỗi không khi có ý kiến cho rằng "tuyết càng rơi, người vùng cao càng khổ"?.
Một hình ảnh trong đợt mưa tuyết vừa qua ở Sapa khiến du khách chạnh lòng. Ảnh từ Internet.
Một hình ảnh trong đợt mưa tuyết vừa qua ở Sapa khiến du khách chạnh lòng. Ảnh từ Internet.

Chủ đề về tuyết vùng cao làm "nóng" thế giới mạng những ngày ngày lạnh kỷ lục vừa qua. Người người đổ xô đi ngắm tuyết, Sapa cháy phòng khách sạn… Những hình ảnh tuyệt đẹp về tuyết được chia sẻ hàng giờ, hàng phút ngập tràn trên facebook, kéo theo những comment đồng điệu, tạo thêm động lực cho những người muốn ngắm tuyết lên đường và khiến những người không thể đi ngắm tuyết suýt xoa nuối tiếc… Họ ngợi ca vẻ đẹp của tuyết, mong tuyết rơi để được chiêm ngưỡng tận mắt.

Tuy nhiên, bên cạnh cảnh ngoạn mục kỳ thú của tự nhiên là cảnh mưa gió lầy lội, đường sá trơn trượt đi lại khó khăn nguy hiểm, giao thông ùn tắc. Và hơn hết là hình ảnh người dân vùng cao khốn đốn chống chọi với cái rét lo mất Tết, trẻ em thiếu quần thiếu áo co ro trên đường, trâu bò đổ gục, hoa màu héo hon trong tuyết...  Một CSGT đang làm nhiệm vụ tại khu vực đèo Pha Đin đã bị chiếc xe tải trơn trượt do băng tuyết chèn tử vong.

Không ít người tỏ ra day dứt cho rằng mình vô tâm tận hưởng niềm vui trong khi đồng bào miền núi đang đau khổ. Những người khác trách dân phượt vô cảm… "Thực sự là có tuyết cũng chả thấy vui vẻ tí nào. Đường thì khó đi, trơn trượt, tai nạn. Khổ thân bà con rồi trâu bò, lợn gà... Không một bóng người nào... Có tuyết cũng chả thấy vui tí nào", một bạn trẻ bộc bạch trong clip quay tại “hiện trường” ở Sapa, đăng lên YouTube với vẻ mặt ngao ngán.

Chủ một trang cá nhân trên facebook hôm qua cho biết có bạn viết thư nói: "Chị ơi em muốn được đi ngắm tuyết trên miền núi, nhưng em thích như vậy có phải là điều gì tội lỗi không chị? Khi mà trời càng lạnh thì người dân miền núi càng khổ...".

Tuy nhiên, chủ trang facebook thường xuyên nhận được nhiều like này cho rằng: “Chả phải ta mà đến tây sống trời tuyết rồi cũng háo hức chuyện tuyết rơi. Tớ cũng chưa bao giờ thấy cái chuyện một người thích tuyết, hay là một hiện tượng thiên nhiên nào đấy, dù là hiện tượng tốt hay xấu, là một điều gì tội lỗi hết. Có lẽ cái sự thích thú này là bản năng tự nhiên của mỗi con người, đặc biệt nếu bạn chưa thấy chúng bao giờ, và chúng làm cho bạn háo hức, bạn vui, thì có là điều gì tội lỗi?

Đúng là thời tiết đang thay đổi, đang ngày càng khắc nghiệt, nhưng đó không phải lỗi của mỗi cá nhân nào hết, đó là lỗi của tất cả nhân loại, của loài người vì đã làm thay đổi trái đất này. Nhưng nếu nó là lỗi riêng của mỗi người, chỉ vì họ cảm thấy thích thú với điều họ chưa thấy bao giờ, chỉ vì họ thích mà người khác đang không thích hoặc đang gặp thiệt hại từ hiện tượng đó, thì đó là điều vô lý…

…Tớ thì nghĩ thế này, nếu họ không thích, họ không tới để du lịch, để ngắm tuyết, thì người dân rét vẫn rét, trâu bò chết vẫn chết. Nhưng ngược lại việc đi du lịch của họ có thể giúp ích về một phần kinh tế dịch vụ cho người dân nơi đây hay không? (là tớ nghĩ một vài người dân có thể kinh doanh được gì từ hoạt động du lịch này). Còn những người nào chỉ trích, thương cảm, thì họ cứ thương cảm thôi, và nếu họ nghĩ là nên làm thế nào thế nọ để giúp đỡ cho người dân, thì họ cũng có tay có chân, có thể tự làm được cơ mà, đúng không?

Nhiều người thích tuyết, thích đi chơi, thích du lịch, không có nghĩa là họ không thấy thương cảm cho người khác, không muốn làm điều tốt. Tớ thì luôn nghĩ vậy.

Làm việc từ thiện, việc tốt, đó là tâm của mỗi người, là sự tự nguyện của mỗi người. Họ có đi ngắm tuyết hay không, lúc này hay lúc khác, thì họ cũng sẽ vẫn luôn làm người tốt và làm việc tốt. Còn họ đã là người vô tâm, thì họ đi đâu, làm gì, thì họ cũng luôn vô tâm. Hơn nữa, để yêu thương thông cảm lẫn nhau sẽ không bao giờ thành công bằng việc đòi can thiệp vào cảm xúc và tấm lòng của người khác…

…Có một số bạn thắc mắc về một hiện tượng "đau lòng" đó là vì sao trời rét thế mà những em bé miền núi suốt ngày cởi truồng. Tớ cũng từng thắc mắc thế, đã từng đi xin rất nhiều quần để cầm lên cho họ mặc, nhưng họ cũng ném đi hết. Sau này thì tớ hiểu là bởi vì những đứa trẻ con hay tè ra quần, mặc rồi nó cũng tè ra, bọn nó không có bỉm như trẻ con thành phố để một ngày thay chục bận. Rất nhiều người đã không hiểu và cố gắng đem thật nhiều quần lên mà bọn nó trông vẫn đáng thương như vậy, rồi họ lại quay ra chỉ trích nhau, nghi ngờ lòng tốt hay đổ lỗi cho sự vô tâm của "người miền xuôi".

Vậy nên, nếu các bạn có tấm lòng, nghe thì có vẻ sang chảnh... nhưng các bạn có thể mua thật nhiều bỉm trẻ con lên để đóng góp giúp đỡ, không cần phải đủ để mặc quanh năm, nhưng chí ít chắc cũng giúp được một vài ngày rét nhất như vậy.

Còn nếu bạn chưa đủ điều kiện, thời gian, chỉ đủ để muốn hưởng thụ một thú vui, sở thích mà thiên nhiên mang tới, miễn bạn không gây hại tới ai, tớ nghĩ rằng, bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi nhé!”.

Chủ một trang cá nhân khác tự nhận đang sinh sống ở Sapa tỏ ra đồng tình với quan điểm trên. Chị này chia sẻ: “Em sinh sống ở Sapa. Cái cảnh bước chân ra khỏi nhà là nhìn thấy các em bé dân tộc quần áo mong manh giữa trời đông là chuyện quá bt rồi. Thương thì thương đấy, quần áo có bao nhiêu gom góp đem cho họ cả rồi nhưng thực trạng vẫn chẳng thay đổi. 1 phần là do cha mẹ các em, thấy có nhiều ng thương rồi quan tâm đến nên nhiều khi họ cố tình để con mình ăn mặc như vậy => khách du lịch thương => mua hàng và cho tiền => họ dùng tiền ấy mua rượu mua thịt ăn uống => lại tiếp tục lợi dụng con mình và tiếp tục để con mình như vậy... Có cho họ bao nhiêu thì cũng vẫn vậy... Là do ý thức của họ thôi...

Còn cá nhân em, em thích tuyết vô cùng. Thấy tuyết rơi là lòng rộn ràng lắm. Đó giống như món quà của thiên nhiên ban tặng cho chúng ta vậy đó...”.

Sáng nay, 26/1, một trang thông tin điện tử còn có bài viết kèm nhiều hình ảnh cho biết, "người Sa Pa không nghèo và cũng chẳng chết rét vì tuyết rơi". Thậm chí họ mong tuyết rơi dầy hơn để "hút" khách du lịch. Mùa đông, trẻ con Sa Pa vẫn cởi truồng, đi chân đất, chẳng phải không đủ tiền mua quần áo, chẳng phải “diễn” để câu tiền từ thiện, đơn giản chỉ bời "người ở đây nó thế"...

Còn bạn nghĩ thế nào?.

Đọc thêm