Ngày 8/3 của những phụ nữ bán sức mưu sinh ở Vinh

(PLO) -  Ngày 8/3 bên cạnh những phụ nữ trên tay cầm những bó hoa, những món quà, những lời khen ngợi và chúc tụng, thì đâu đó trên thành phố Vinh (Nghệ An) vẫn có những phụ nữ vẫn miệt mài bán sức để mưu sinh.
Những thúng xà bần nặng trịch trên đầu những người phụ nữ nhỏ bé
Những thúng xà bần nặng trịch trên đầu những người phụ nữ nhỏ bé

Dưới cơn mưa phùn những ngày đầu tháng 3, tại ngã tư Bãi Than (đoạn đường Trường Chinh cắt đường Nguyễn Trường Tộ) rất nhiều phụ nữ mang theo thúng mủng, đòn gánh, cuốc xẻng… và chiếc cặp lồng bên trong là cơm trắng với muối vừng, hoặc miếng cá kho, vài miếng thịt mỡ, dưa cà… Họ là những người đang đứng chờ người khác đến thuê làm việc để kiếm tiền.

Chờ mãi rồi cũng có một  người “chủ” đến gọi làm công tất cả ùa ra như cái chợ để nhận việc làm, sau khi chọn đủ người và thỏa thuận giá cả, 5 người phụ nữ nhanh chóng lấy xe đạp, với thúng mủng, cuốc xẻng, đòn gánh đã được buộc sẵn lao vội theo người thuê.

Theo chân các chị đến một ngôi nhà đang sửa chữa, công việc được thuê là dọn dẹp vật liệu xây dựng. Nhìn những tấm bê tông to vật vã từ ngôi nhà cũ, những người phụ nữ lao đến bốc lên xe để đưa xà bần đi đổ ngoài bãi rác. Thoạt nhìn, chúng tôi thấy ngậm ngùi bởi đó là công việc lao động tay chân vất vả của đấng mày râu, nhưng các chị vẫn vui vẻ làm việc vì đó là công việc hàng ngày.

Những người phụ nữ ngồi bên lề đường đợi người đến thuê
Những người phụ nữ ngồi bên lề đường đợi người đến thuê

Chị Hoa (trú tại phường Hưng Đông, TP.Vinh) chia sẻ, nhà cách ngã tư Bãi Than khoảng 7km, không có công ăn việc làm, người chồng chị sức yếu nên không làm được những việc lao động vất vả nên nhiều năm nay chị đến đây tìm việc “Việc gì cũng làm, từ lau dọn nhà cửa, khuân vác, miễn sao có người thuê là làm. Thường ngày phải dậy từ 5h sáng lo cơm nước cho con đi học rồi mới đạp xe đi làm, buổi chiều thì xong việc mới về, thường là từ 6h tối, hôm nào làm gắng cho xong thì tầm 7-8h tối…”, chị Hoa nói.

Khi được hỏi về món quà trong ngày của phụ nữ, chị Hoa cười xòa nói: “Chẳng cần gì đâu, miễn là đi làm có người thuê, kiếm được thêm tiền là vui rồi”.  

Tại một công trường đang xây dựng ở phường Hưng Phúc (TP.Vinh) giữa đống cát, sỏi, xi măng, sắt thép ngổn ngang, những người thợ xây và phụ hồ đang miệt mài làm việc, một phụ nữ dáng người bé xíu vừa chuyển đống vật liệu đi thoăn thoát. Chị là Trần Thị Phương (trú tại Hưng Tây, Hưng Nguyên) là trụ cột gia đình, một mình nuôi chồng và ba đứa con. Trước đây, chồng chị là thợ xây, năm 2002 trong một lần đi làm bị điện giật phải cắt bỏ cả 2 cánh tay nên gánh nặng đổ lên đầu chị.

Với nhiều người, đi làm thuê như vậy chỉ là công việc kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn, nhưng chị Phương đây là nghề chính nuôi sống cả gia đình. “Nghề phụ hồ tuy vất vả nhưng cũng có thu nhập cao hơn đi làm nghề khác, một ngày không đi làm là các cháu không có tiền ăn học, chị chỉ mong sao mình không ốm đau đủ sức khỏe để làm kiếm tiền nuôi các cháu”.

Phụ hồ là nghề mà chị Phương gắn bó hơn 3-4 năm nay
Phụ hồ là nghề mà chị Phương gắn bó hơn 3-4 năm nay

Tại ngã ba “tam giác quỷ” gần bến xe Vinh là nơi tập trung nhiều “bóng hồng” đang chờ việc ngay bên cạnh những dãy hoa được bày bán cho ngày 8/3. Hầu hết những người đến đây đều tranh thủ làm thuê kiếm thêm thu nhập, mỗi gia đình đều có một hoàn cảnh khác nhau, họ đều là những hộ nghèo từ các vùng khác tìm đến.

“Hôm nay trời mưa phùn, lại ngày lễ nên ít việc làm hơn, từ sáng đến giờ mới được hơn 30 ngàn đồng. Ngày mô có việc làm nhiều thì cũng kiếm được 100-200 ngàn đồng, ngày ít thì vài chục, có ngày không có việc làm thì về tay không. Không chỉ ngày 8/3 mà nhiều ngày lễ khác những người như tui đây vẫn đi làm, từ khi lấy chồng cũng gần 40 tuổi đầu có biết chi đến quà 8/3 mô” chị Nguyễn Thị Hoa nói.

Giữa phố thị ồn ào, hoa được bày bán để chuẩn bị cho lễ 8/3. Những người phụ nữ như chị Hoa, chị Phương vẫn miệt mài bên công việc thường nhật. Họ đã quên rằng ngày 8/3 - ngày mà tất cả một nửa thế giới đều được tôn vinh. Với họ, quà ngày 8/3 dường như là xa xỉ bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền, nỗi lo mưu sinh luôn đè lên tâm trí...

Đọc thêm