Ngày báo chí, mạn đàm chuyện bút danh

(PLO) - Nhà văn, nhà báo từ xưa tới nay  khi đã sử dụng một “bút danh” nào đó thì người viết đã có chủ ý riêng của mình. Có những “bút danh” trở thành “bí danh” nếu không phải là quen thân hoặc người cùng nghề, cùng làng văn, làng báo, làng thơ với nhau thì không thể biết được tên thật của tác giả. 
Riêng chuyện bút danh của nhà báo cũng có rất nhiều chuyện để kể.
Riêng chuyện bút danh của nhà báo cũng có rất nhiều chuyện để kể.

1001 chuyện bút danh

Có những nhà văn, nhà báo dùng bút danh bắt nguồn từ tên người thân hoặc gắn với những kỷ niệm riêng tư, sâu sắc nào đó trong cuộc đời họ. Chẳng hạn nhà thơ Bùi Minh Quốc chọn cái tên khác cho tác phẩm của mình là Dương Hương Ly. Tên nghe rất phụ nữ và thực tế đó chính là sự ghép nối giữa tên vợ và tên con của ông. Nhà văn Dương Thị Xuân Quý vợ của nhà thơ còn có một tên khác là Dương Thị Minh Hương, con gái của Bùi Minh Quốc tên là Ly. Đọc những bài thơ của nhà thơ Dương Hương Ly chúng ta cảm nhận được cả những ước mơ, lý tưởng cháy bỏng và cả những xót xa vì mất mát, ly biệt, do chiến tranh gây ra cho quê hương Nam bộ yêu dấu trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Còn nhà thơ Hà Đức Trọng ở xứ Quảng Nam, nơi có con sông đẹp và thơ mộng nổi tiếng chảy qua - con sông Thu Bồn, đây cũng là bút danh của ông, nhà thơ Thu Bồn. Một loại bút danh độc đáo khác được nhà thơ nổi tiếng ở vùng đất “gió Lào cát trắng” sử dụng mà khi đọc lên ta cứ ngỡ là người đại diện cho đế chế Chiêm Thành đã sụp đổ từ lâu. Đó là nhà thơ Chế Lan Viên. Ngay từ thời trai trẻ Chế Lan Viên đã có những bài thơ khóc than cho số phận của đất nước Chiêm Thành và ông đã lấy bút danh họ “Chế” để tưởng nhớ vị vua Chế Bồng Nga. Ngoài ra nhà thơ Phan Ngọc Hoan (Chế Lan Viên) còn có một số bút danh khác như “Chàng Văn” để làm đối trọng với chữ “Nàng Thơ”, hoặc “Thạch Hãn” để nhớ về một con sông đại diện cho quê hương xứ sở Quảng Trị của nhà thơ. 

Bút danh của nhà thơ Xuân Diệu thì đơn giản hơn, ông tên thật là Ngô Xuân Diệu và bút danh “Xuân Diệu” chỉ là sự rút gọn tên thật của mình. Cũng giống như vậy nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận; hoặc Nguyên Hồng là Nguyễn Nguyên Hồng hoặc Tế Hanh là Trần Tế Hanh... Rất nhiều bút danh của những tác phẩm nổi tiếng khác mà hiện nay vẫn được mọi người xem là “điều bí ẩn” vì chưa thể lý giải được một cách rõ ràng. Tiêu biểu cho những bút danh nói trên là nhà thơ Quang Dũng với nhiều bài thơ tình mộng mơ và hào hoa, đã trở thành nguồn cảm hứng của những chàng lãng tử, giàu tình cảm. Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, nhưng vì sao ông sử dụng bút danh này thì đến nay chúng ta vẫn chưa hiểu. Còn bút danh Thanh Tịnh thì gợi lại cho người đọc một cuộc đời thanh bạch, trong sáng, vô tư của tác giả. 

Thanh Tịnh luôn thể hiện một tấm lòng đằm thắm, tình cảm sâu lắng thủy chung trong những bài thơ viết về Huế. Ông tên thật là Trần Văn Ninh. Trong những bài thơ khá nổi tiếng viết về nỗi buồn chia ly trong “Tống biệt hành”, hoặc “Chiều mưa đường số 5” tác giả Nguyễn Tuấn Trình đã ký bút danh là “Thâm Tâm”. Thơ Thâm Tâm luôn sâu nặng tình cảm da diết nhớ thương quê hương, đất nước, con người. Một nhà thơ khác là Tản Đà, hầu như thơ của ông ai cũng biết, ông tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu. Bút danh “Tản Đà” được ông lý giải là sự phối hợp giữa sông Đà và và núi Tản Viên (núi Ba Vì). Đây là hai vật tượng trưng thiêng liêng cho nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ. 

Còn nhà văn Tô Hoài cũng vậy, ông được sinh ra tại Hà Nội, nơi có con sông Tô Lịch chảy qua. Xưa kia nơi ông trưởng thành và lớn lên chính là địa phận thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Có lẽ đó là lý do hình thanh bút danh “Tô Hoài” của nhà văn Nguyễn Sen. Ở Quy Nhơn - Bình Định, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã nằm xuống vĩnh viễn ở xứ sở Quy Nhơn. Ngày nay ông được an táng ở dốc Mộng Cầm, Ghềnh Ráng - Tiên Sa, trông ra biển xanh lộng gió và những thắng cảnh núi non hùng vĩ đất Quy Thành. Hàn Mặc Tử chỉ là bút danh, còn tên thật của nhà thơ là Nguyễn Trọng Trí. Theo các nhà nghiên cứu về ông thì bút danh Hàn Mặc Tử được ghép giữa các nghĩa của từ Hán Việt: “Hàn” ám chỉ cây bút lông; “Mặc” tức là mực dùng để viết. “Hàn Mặc Tử” có nghĩa là người viết văn, làm thơ hoặc người có duyên nợ với văn chương. Những bút danh được gắn liền với cách chơi chữ của các bậc tiền bối trong làng văn chương đã tạo ra những cuộc tranh luận khá rôm rả cho hậu thế. Chẳng hạn bút danh sử dụng theo phương pháp nói lái tên họ “Thế Lữ” có nghĩa là “Thứ Lễ”; 

Khác biệt nhất so với nhiều bút danh thường lấy bằng cấp, học vị hoặc những tên gọi như đã nêu ở trên, nhà sĩ phu yêu nước Nguyễn Đình Chiểu với bút danh “Đồ Chiểu”  có nghĩa là thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu. Học giả nổi tiếng trong làng văn, làng báo của nước ta mà mọi người đều biết với cái tên Trần Bạch Đằng, thực ra ông tên thật là Trương Gia Thiều. Những bài thơ quen thuộc của ông lại được ký tên với bút danh “Hưởng Triều” hoặc “Nguyễn Hiểu Trường”. Trần Bạch Đằng còn có bút danh khá nổi tiếng gắn liền với bộ tiểu thuyết và kịch bản phim nhiều tập “Ván bài lật ngửa” với tên Nguyễn Trương Thiên Lý do nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín đóng vai chính…

Sự hấp dẫn của bút danh “họ nhà Tú”

Một cách dùng bút danh khác của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo từ lâu đã trở thành một trào lưu, tiêu biểu là việc lấy chữ “Tú”của nhà thơ trào phúng “Tú Xương” dể làm bút danh cho mình. Ai cũng biết nhà thơ có tên thật là Trần Kế Xương, ông từng kể với chúng ta hoàn cảnh gia đình mình qua hai câu thơ tặng vợ nổi tiếng: “… Quanh năm buôn bán ở mom sông; nuôi đủ 5 con với một chồng…” sau nhà thơ Tú Xương đã xuất hiện hàng chục bút danh con cháu của cụ mang danh họ “Tú”. 

Nổi bật trong số đó trước hết là nhà thơ Tú Mỡ, tên thật của ông là Hồ Trọng Hiếu, đây là một thi sĩ trào phúng nổi danh trong làng văn chương cận đại của Việt Nam. “Tú Mỡ” cũng là hàm ý sự tiếp nối, kế thừa tài danh của “Tú Xương” về một mảng thơ hài sâu sắc của nhà thơ tiền bối này. Nếu linh thiêng chắc cụ Tú Xương sẽ rất vui về người thừa kế đã cố tình mạo danh “họ hàng” với mình, rồi còn cả gan “đối” bút danh Tú “Mỡ” với Tú “Xương” như là con cháu cùng dòng họ trào phúng với nhà thơ thiên tài này. 

Đến phiên Tú Mỡ, ông cũng chẳng hẹp hòi gì mà không đồng ý cho hàng loạt con cháu hậu sinh đã “tự tiện” lấy bút danh họ “Tú” khác. Bất kể chuyên hay không chuyên nghiệp. Già hay trẻ, dở hoặc hay nối tiếp ông làm công việc viết văn, làm thơ, làm báo để giúp đời, giúp nước. Lũ con cháu sau này ngày càng sáng tạo ra những bút danh họ Tú như: Tú Gân; Tú Cốt; Tú Thịt; Tú Nạc; Tú Lông; Tú Ba Rọi; … xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang thơ vui, biếm họa, câu lạc bộ trào phúng, cười trên hàng trăm tờ báo và tạp chí của cả nước.

Khai thác thịt xương họ “Tú” mãi cũng có giới hạn, cháu chắt đến sau bí quá đành nghĩ cách khác nhưng nhất quyết không chịu bỏ dòng họ “Tú - danh bất hư truyền” của mình nên đã nghĩ ra những cái tên “vỡ kế hoạch” cho bút danh của mình như: Tú Út; Tú Sót; Tú Thừa; Tú Rớt. Hoặc mượn kiểu phát âm ngoại ngữ như: Tú Lơ Khơ; Tú Rua; Tú Jua. Lại có người ngắt tên mình ra như: Tú Ân (Tuấn); đưa giáp tuổi của mình vào bút danh như: Tú Dần; Tú Hợi. Phân biệt ngôi thứ: Tú Anh; hoặc Anh Tú… có vẻ như họ Tú vẫn còn tiếp tục phát triển không ngừng trên các trang báo in và báo điện tử….

Đọc thêm