Ngày càng nhiều phụ nữ chủ động ly hôn

(PLO) - Theo báo cáo “Thực tiễn và số liệu về phụ nữ và nam giới 2010-2015” được công bố sáng nay (16/12), hiện một số cơ quan/tổ chức đang thực hiện xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Trong các hệ thống này, Việt Nam thường được xếp trong khoảng 1/3 các quốc gia đứng đầu.
Công bố báo cáo “Thực tiễn và số liệu về phụ nữ và nam giới 2010-2015”
Công bố báo cáo “Thực tiễn và số liệu về phụ nữ và nam giới 2010-2015”

Sáng nay (16/12), Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan bà  và Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện UN Women đã công bố báo cáo “Thực tiễn và số liệu về phụ nữ và nam giới 2010-2015”.

Vẫn còn quan niệm “phu xướng phụ tùy”

Báo cáo cho thấy, tại các gia đình Việt Nam, nam giới vẫn đóng vai trò thống trị trong mối quan hệ hôn nhân gia đình khi số liệu cho thấy, trong bốn hộ gia đình chỉ có một hộ có chủ hộ là nữ. Vẫn phổ biến khuôn mẫu giới truyền thống trong ra quyết định của hộ gia đình: phụ nữ quyết định việc “nhỏ”, nam giới quyết định việc “lớn”.

Theo nghiên cứu của ISDS, tỷ lệ phụ nữ cao hơn đáng kể so với nam giới trong ra các quyết định liên quan tới chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho thành viên gia đình (19,0% phụ nữ so với 7,5% nam giới).

Trái lại, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn ở những quyết định liên quan tới tài sản, thu nhập lớn của hộ gia đình như quyết định mua bán nhà đất hoặc xây dựng, sửa chữa lớn nhà cửa (34.4% nam giới so với 11.7% phụ nữ); mua sắm đồ dùng đắt tiền (25,7% nam giới so với 15,0% phụ nữ).

Bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ là vấn đề khá phổ biến tại các gia đình Việt Nam. Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2010, cứ 3 phụ nữ Việt Nam thì có một người khai báo từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng gây ra.

Có đến 25,9% nạn nhân từng bị thương do bạo lực thể xác hoặc tình dục từ chồng mình trong cuộc đời, trong đó hơn 11,2% bị thương cần chăm sóc y tế. Chỉ có 12,9% phụ nữ khai báo về bạo lực do người khác (ngoài chồng) gây ra, tuy nhiên thủ phạm chính vẫn là các thành viên trong gia đình như bố, mẹ, anh, em.

Bạo lực gia đình gây ra những tổn thương về thể xác, tinh thần và thiệt hại về kinh tế đối với các nạn nhân; đồng thời gây áp lực lên hệ thống dịch vụ y tế. Hơn một nửa nạn nhân chưa từng tiết lộ các trải nghiệm về bạo lực với bất kỳ ai, nếu có tiết lộ thì phần lớn là nói với các thành viên trong gia đình. Hơn 87% nạn nhân chưa từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan, đoàn thể và tổ chức nào.

Chỉ 13% nam giới quyết định về việc sử dụng biện pháp tránh thai

Phụ nữ có xu hướng chủ động ly hôn ngày càng nhiều hơn. Các lý do ly hôn quan trọng nhất là không chung thủy, bất đồng quan điểm và bạo hành gia đình. Có khoảng 13% nam giới và 34% phụ nữ cho biết họ quyết định về việc sử dụng biện pháp tránh thai.

Số liệu này có vẻ cho thấy phụ nữ có nhiều quyền định hơn trong quyết định sử dụng các biện pháp tránh thai, tuy nhiên thực tế quyền của họ chủ yếu giới hạn trong việc lựa chọn biện pháp tránh thai dành cho nữ giới.

Phụ nữ tuổi càng cao, học vấn càng thấp thì càng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong kế hoạch hoá gia đình. Nam giới càng trẻ, học vấn càng cao càng có xu hướng chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ nhiều hơn trong kế hoạch hoá gia đình.

Ở Việt Nam, sở thích con trai vẫn đang tiếp tục đeo đẳng qua nhiều thế hệ gia đình, dẫn đến tỷ số giới tính khi sinh dù đã đạt mục tiêu đặt ra của Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 “không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015”, nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.

Một số lý do chính trả lời con trai được yêu thích trong các gia đình Việt Nam như “nối dõi tông đường”, “thờ cúng tổ tiên”, “trụ cột kinh tế”... Do các khuôn mẫu giới trong phân công lao động, phụ nữ trong nhiều trường hợp là người đóng vai trò chính trong các công việc chăm sóc không được trả lương.

Tuy nhiên, rà soát các số liệu sẵn có về bạo lực trên cơ sở giới cho thấy các số liệu chủ yếu tập trung về bạo lực gia đình, Việt Nam còn thiếu nhiều số liệu về các dạng bạo lực trên cơ sở giới khác như lạm dục tình dục tại nơi công cộng, và nơi làm việc, bạo lực tình dục… các số liệu về tội phạm, buôn bán người, bạo lực đối với trẻ em (tại gia đình và học đường).

Báo cáo “Thực tiễn và số liệu về phụ nữ và nam giới 2010-2015” là một trong những sản phẩm của dự án nâng cao năng lực triển khai, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện chiến lược và chương trình quốc gia về BĐG” trình bày các số liệu thống kê giới từ các cuộc điều tra nhằm trong giai đoạn 2010-2015 theo sáu chủ đề: dân số, gia đình, giáo dục, y tế, lao động việc làm và lãnh đạo-quản lý.

Báo cáo cung cấp thông tin, số liệu nhằm giúp người đọc xem xét thực trạng về mối quan hệ giới tại Việt Nam, hiểu biết thêm về những bất bình đẳng giới đang tồn tại trong xã hội từ đó hỗ trợ việc phân tích và dự báo tác động của luật pháp, chính sách, chương trình đối với các nhóm phụ nữ và nam giới, đảm bảo họ được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng bình đẳng từ thành quả của quá trình phát triển đất nước.

Đọc thêm