Nghề dệt thổ cẩm đang “sống mòn”?

(PLVN) - Nghề dệt thổ cẩm có từ rất lâu đời ở Việt Nam, là một nét đặc trưng văn hoá của các dân tộc thiểu số. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm được tạo ra chủ yếu nhằm phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng và một phần để trao đổi hàng hoá. Tuy nhiên, hiện nay, nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi đang đối diện với nguy cơ bị mai một. Vấn đề đầu ra cho các sản phẩm này cũng đang là bài toán nan giải.
Nghề dệt thổ cẩm đang dần mai một.
Nghề dệt thổ cẩm đang dần mai một.

“Già hóa” nghệ nhân làm thổ cẩm

Hàng chục năm nay, nhóm phụ nữ 30 người tại xã Tabhing (Nam Giang, Quảng Nam) cố vực dậy làng nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu hàng trăm năm tuổi nhưng đang đối diện với nguy cơ bị mai một. Nếu như trước đây, một tấm vải thổ cẩm (khoảng 1 mét) đổi được một chiếc “nồi bảy” (loại nồi đúc bằng đồng rất có giá trị), thì nay chỉ bán được 200.000 đồng, trong khi tiền chỉ để dệt đã chiếm 40.000 đồng.

Dệt trên 10 ngày mới xong một tấm, tính ra ngày công kiếm được 10.000 - 12.000 đồng. Ngoài thu nhập thấp, đầu ra của các sản phẩm vẫn hết sức hạn chế so với tiềm năng, thế mạnh làng nghề. 

Theo các già làng, dệt thổ cẩm dần tàn lụi vài chục năm nay. Trước đây, cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp nên nghề dệt phát triển. Ngày nay, do thị trường có nhiều sản phẩm thổ cẩm may công nghiệp có giá rẻ hơn nên thổ cẩm của người dân khó có thể cạnh tranh. Hơn nữa, hiện tại, phụ nữ người dân tộc thiểu số thay đổi nhiều về trang phục. Họ ăn mặc gần như người Kinh nên các loại thổ cẩm chỉ còn tồn tại trong các lễ hội. 

Hiện nay nhiều tỉnh đều có HTX dệt thổ cẩm, nhưng qua tìm hiểu thì đều trong tình trạng sống dở chết dở. Chị H'Dăm Niê (HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông xã Ea Kao - Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Thành lập HTX, ngày đầu ai cũng vui mừng nhưng ra hoạt động mới biết cái khó của nó. Hàng thổ cẩm làm ra không ai mua, nhân công ngày càng cao.

Thị hiếu của khách hàng ngày một thay đổi. Nếu trước đây chúng tôi dệt các khổ vải lớn (90x100cm) thì bây giờ tập trung vào các sản phẩm nhỏ lẻ như nệm lót vật dụng, khăn trải bàn… Hàng bán không được phải rao bán trên mạng và tìm mối mua hàng ở TP HCM”.

Chạy vạy ngược xuôi tìm đầu ra cho sản phẩm cũng không ăn thua, đến nay, các xã viên vẫn phải tự xoay xở bằng cách mang sản phẩm đi gửi các cửa hàng trong thành phố tiêu thụ hoặc mang đi bán rong cho khách. Hầu hết các xã viên ở đây đều là những tay dệt lành nghề nhưng không thể sống nổi với khung cửi, đành phải đi làm những việc chăn nuôi, trồng trọt khác để sống.

Chị H'Miriam tâm sự: “Mình là người Ê đê, biết dệt vải từ thuở lên 10 tuổi, mấy chục năm nay gắn bó, nay phải rời xa khung cửi để làm việc khác, tiếc lắm! Gắn kết du lịch với làng nghề truyền thống là một hướng đi đúng đắn của các cấp chính quyền. Nhưng không phải lập ra HTX, làng nghề để rồi buông tay để họ tự bơi giữa dòng và không biết bấu víu vào đâu".

Chị H'Miriam cho biết, tuy HTX giải thể nhưng những phụ nữ trong buôn vẫn âm thầm ngồi bên khung dệt mỗi khi rỗi rãi dệt khăn để dùng cho đỡ nhớ nghề.

Một nỗi lo khác với các làng nghề là việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Phần lớn thanh niên đã kiếm việc khác có thu nhập cao và ổn định hơn, nghề dệt có nguy cơ “chết già" vì không được tiếp sức bởi lớp kế cận.

Tìm cách cứu nghề

“Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II” sẽ được tổ chức với quy mô quốc gia từ ngày 24 – 29/11/2020 với sự tham gia của 15 tỉnh, thành cả nước. Đây là dịp để đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông giao lưu, trao đổi với các đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khác, đặc biệt là giao lưu, học hỏi, trao đổi các kinh nghiệm dệt thổ cẩm để rút ngắn thời gian sản xuất, ứng dụng vào đời sống và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Theo ông Nguyễn Minh Quang - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông, sự kiện bao gồm chuỗi hoạt động chính: lễ hội văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ II-2020 và lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm; thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam; trình diễn “Fashion Show - Thổ cẩm”; khai mạc và bế mạc không gian Văn hóa thổ cẩm Việt Nam…

Các nghệ nhân mong muốn, các mặt hàng thổ cẩm sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ thời trang đến đồ hoạ và cả trang trí nội thất… Và tất nhiên không thể không kể đến vai trò của thổ cẩm như một mặt hàng lưu niệm đậm chất dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong du lịch và kinh tế Việt Nam.

Bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ là đầu tư và giới thiệu sản phẩm truyền thống này ra thế giới, mà còn là tạo điều kiện cho ngành thổ cẩm Việt Nam được giao lưu học hỏi với ngành thổ cẩm của các quốc gia khác, nhằm vươn tới những tiến bộ mới trong kỹ thuật và những tiềm năng mới trong sáng tạo. 

Theo những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm, để cứu được nghề truyền thống này trước nguy cơ mai một, cần phải có chính sách từ các cấp chính quyền. Cụ thể, cần phải xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch, phải coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch, lấy việc phục vụ du khách là chủ yếu.

“Qua lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II, ban tổ chức mong muốn tạo động lực khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa hoa văn các dân tộc, tìm kiếm thị trường cho những loại hình sản phẩm thổ cẩm làm ra như trực tiếp tiếp thị sản phẩm của mình tại các điểm du lịch, thiết lập các địa điểm hay như gian hàng bán lẻ thổ cẩm tại những điểm có đông khách tham quan” - ông Nguyễn Minh Quang cho biết.

Đọc thêm