Nghệ nhân U80 trẻ trung nhờ say mê tuồng cổ

(PLO) - Vào tuổi U80, đã nghỉ diễn tuồng nhiều năm nay nhưng mỗi khi nhắc đến tuồng là lão nghệ sỹ lại ngùn ngụt lửa đam mê cùng niềm khao khát bất tận được cống hiến cho môn nghệ thuật tuồng cổ. Với những đóng góp cho nghệ thuật tuồng, ông Hỷ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Huy chương Vàng vì sự nghiệp văn hóa quần chúng vào năm 1998.
Ông Lê Tài Hỷ minh họa một cảnh diễn tuồng.
Ông Lê Tài Hỷ minh họa một cảnh diễn tuồng.
Lửa đam mê vẫn cháy
Ở ngưỡng tuổi “cổ lai hy” nhưng ông Lê Tài Hỷ (Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Khi tiếp chuyện chúng tôi, ông Hỷ bảo: “Nghệ thuật tuồng là thứ cao siêu và bác học. Cũng bởi có tuồng mà tôi mới trẻ ra, vì mình lúc nào cũng phải cười”. Theo ông Hỷ, mặc dù tuồng không còn được lưu diễn rộng rãi, không được “trọng vọng” nhưng không vì thế mà làm vơi bớt nhiệt huyết của ông với tuồng. Vừa nói chuyện, ông Hỷ vừa chỉ tay lên tường nhà vào bảo: “Tôi đã “treo râu” từ nhiều năm nay, lâu nay không được dùng râu để đi diễn tuồng, nhớ lắm”. 
Tiếp lời, ông Hỷ bảo: “Việc diễn xướng trong các vở tuồng cổ là rất khó, bởi ngoài hát hò và các động tác múa, diễn viên còn phải đeo lên người khoảng 10kg quần áo, giày dép. Trong khi hóa thân, mỗi một nhân vật lại có cách đi, đứng và lối diễn xướng khác nhau. Nhân vật trong các vở tuồng thường chú trọng vào đôi mắt, lúc hóa trang phải lưu ý vào đôi mắt, lúc diễn phải chú trọng vào ánh mắt để thể hiện được thần thái nhân vật”. 
Ông Hỷ cho rằng bản thân ông có tướng mạo quan văn nên khi nhập vai Thái sư, thường được mọi người đánh giá rất cao về khả năng diễn xuất. Để minh chứng, ông lấy một bộ râu treo trên tường đeo vào rồi diễn lại các bước đi và thần thái của quan võ, quan văn cho phóng viên “mục sở thị”.
Bộ râu “quan văn” và “quan võ” được ông Hỷ treo lên tường nhà.
Bộ râu “quan văn” và “quan võ” được ông Hỷ treo lên tường nhà.
Những năm trước, phong trào văn nghệ quần chúng, trong đó có diễn tuồng, ở Bắc Ninh khá rầm rộ nên ông Hỷ thường tham gia rất nhiều vở diễn như: Đào Tam Xuân loạn trào, Ngọn lửa Hồng Sơn, Châu Sáng qua sông... Tất cả các vở diễn ông đều tham gia vai chính bằng tất cả đam mê, nhiệt huyết và được khán giả hưởng ứng. Đa phần các vở diễn phản ánh cuộc sống của người nông dân xưa hoặc tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, phản ánh cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước. Mặc dù việc diễn tuồng ở địa phương thường chỉ được diễn ra vào mùa xuân, ngay tại sân đình, hoặc trong những dịp hội làng nhưng người diễn viên quần chúng thấy đó thực sự là thánh đường bởi họ cảm thấy được tôn vinh, tỏa sáng trong nghệ thuật. 
Việc ông Hỷ có được niềm đam mê như ngày hôm nay là do gia đình có truyền thống nghệ thuật, hơn nữa ông lại có năng khiếu tuồng từ nhỏ. Lớn lên ông lại được thừa hưởng tài năng từ ông Quang Tốn và bà Bạch Trà. Họ đều là những bậc thầy trong làng tuồng cổ Việt Nam, vì đã sáng lập ra Đoàn Tuồng Trung ương.  
Cũng theo ông Hỷ, tuồng khác biệt với những thể loại diễn xướng khác. Ngay cách lấy hơi, đẩy giọng đã khác nhau một trời một vực rồi, bởi lúc lên cao tuồng thường chói hơn, còn chèo lại êm hơn, chèo gần với dân ca. Cũng bởi vậy mà ngay tại cái nôi của dân ca quan họ Bắc Ninh, các nghệ nhân tuồng như ông vẫn có đất diễn. Theo ông Hỷ, nhiều người rất thích xem hát tuồng vì các vở tuồng thường diễn tích, xem tuồng khán giả thích vở diễn đó nói về ai. Ví dụ như vở Đào Tam Xuân, họ sẽ thích nữ tướng Đào Tam Xuân vì đó là một vị tướng tài giỏi của dân tộc. 
Trong các vở tuồng, ông Hỷ thường hóa thân vào nhân vật Thái sư
Trong các vở tuồng, ông Hỷ thường hóa thân vào nhân vật Thái sư 
Để người mê tuồng không “cô đơn”
Hiện ông Hỷ còn giữ rất nhiều tài liệu nói về tuổng cổ, chủ yếu là sách viết bằng chữ Nho. Thời gian làm Đội trưởng Đội tuồng của làng Phú Mẫn - một tổ chức văn nghệ quần chúng do các nghệ nhân làng Phú Mẫn tự dựng lên, trong nhà ông luôn có một bàn thờ thờ “tổ tuồng” riêng. Hiện những đồ thờ này đã được chuyển xuống nhà ông Bùi Văn Tý (Đội trưởng mới). 
Ông Hỷ tâm sự: “Đồ thờ gồm có hai bảo đao và một bức tượng, tất cả đều được đúc bằng đồng thau. Nghe nói trong tượng có cả vàng nhưng đã bị đánh cắp”. Ông Hỷ tự hào nói rằng chính Phú Mẫn có “tổ tuồng” nên làng ông mới có Đội tuồng. Bởi hiện ngoài các nhà hát tuồng do Nhà nước thành lập, chưa thấy địa phương nào trong cả nước thành lập được đội tuồng và duy trì được hoạt động qua các thời kỳ như ở làng ông. 
Năm 1998 ông Hỷ được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Huy chương Vàng
Năm 1998 ông Hỷ được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Huy chương Vàng  
Khi được hỏi về sự mai một của tuồng, ông Hỷ cho rằng nếu muốn giữ được tuồng thì phải có nhiều người đam mê, bởi các lớp diễn viên tài năng như ông bây giờ cũng đã già cỗi hết rồi, bên cạnh đó lại không có lớp trẻ kế cận. Nhớ lại những năm về trước, ông Hỷ kể: “Cách đây mấy chục năm, phong trào luyện tập tuồng được diễn ra ngay ở nhà tôi, nó chỉ là một khoảng sân nhỏ nhưng rất đông người xem. Đặc biệt là những người làng tôi ai cũng yêu tuồng. Cứ vào những đêm trăng sáng, ở sân đình lại đông nghịt người, tuồng cổ cũng có, cải biên cũng có.  
Vì đam mê tuồng nên ông Hỷ cũng chú trọng việc truyền lửa cho đội ngũ kế cận. Ông rất nhiệt huyết với việc đào tạo, bồi dưỡng tuồng cho thế hệ kế cận, như một cách bảo tồn, lưu giữ văn hóa cổ. Ông luôn truyền dạy, uốn nắn những lớp kế cận, ai có năng khiếu, đam mê sẽ được ông quan tâm rồi chỉ bảo tận tình. Hiện trong làng có một nhóm cháu nhỏ học tuồng. “Sau này các cháu lớn sẽ tiếp tục đóng góp nghệ thuật tuồng cho quê hương đất nước”- ông Hỷ phấn khởi cho biết.
Cũng theo ông Hỷ, Nhà nước cần có chính sách quan tâm đúng mực đến bộ môn nghệ thuật tuồng để loại hình nghệ thuật này không bị mai một. Hiện Nhà nước đã có chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ, ca trù, chèo nhưng chưa thấy bảo tồn tuồng. “Hiện nay Nhà hát Tuồng Trung ương có diễn vở nhưng khán giả không mấy mặn mà, bản thân những người đam mê như tôi đôi khi cũng cảm thấy cô đơn”- nghệ nhân già thoáng buồn tâm sự./.

Đọc thêm