Nghe nữ dân quân làng Đỏ kể bài hát cuộc đời mình

(PLO) - Nguyên mẫu trong bài hát nổi tiếng “Cô dân quân làng Đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Nhung hiện đã 65 tuổi. Bà tên là Nguyễn Thị Dần (SN 1950, ngụ làng Đỏ, xã Hưng Dũng, TP.Vinh, Nghệ An, nay là phường Hưng Dũng, TP.Vinh), là nữ dân quân duy nhất bắn rơi máy bay Mỹ ở Nghệ An.  
Hình minh họa
Hình minh họa
Nữ dân quân anh hùng
Chiến tranh là lùi xa 40 năm, cô dân quân giờ đã là bà lão mắt mờ, chân chậm, nhưng kí ức về một thời hào hùng bảo vệ quê hương vẫn không phai trong tâm trí.
Vừa lật giở những kỷ vật gắn với một thời khói lửa tuổi thanh xuân, bà vừa kể lại những ngày tháng khốc liệt. Giai đoạn 1966 - 1968, không quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Trước tình hình đó, TP. Vinh quyết định thành lập các trung đội trực chiến chiến đấu cơ động.
Đơn vị bà Dần là một trung đội dân quân du kích gồm 9 nữ, 3 nam của xã Hưng Dũng. Với một khẩu 12 ly 7, H53 và K54, trung đội có nhiệm vụ cùng các đơn vị bảo vệ các trọng điểm như phà Bến Thủy, nhà máy điện, kho xăng, Thành ủy Vinh… 
Năm 1967, bà vừa tròn 17 tuổi đã xung phong vào Trung đội dân quân trực chiến phòng không xã. 
“Thời kì đó máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Các trọng điểm của thành phố như phà Bến Thủy, nhà máy điện… bị dội bom điên cuồng suốt ngày đêm. Có ngày máy bay Mỹ ném bom 14 lần xuống thành phố. Chúng tôi trực chiến gần như không có thời gian ăn cơm hay uống nước”, bà Dần nhớ lại.
Trong trận trực chiến bảo vệ cuộc bầu cử HĐND các cấp ngày 28/4/1968, trận địa bị trúng bom, bà bị thương nặng được đồng đội đưa về trạm xá cấp cứu. Sau một tuần điều trị, bà đã về cùng đơn vị chiến đấu, bất chấp vết thương rỉ máu trên vai.
Ngày 13/6/1968, đơn vị trực chiến Hưng Dũng đã bắn cháy máy bay F4 của giặc Mỹ tại bãi bồi sông Lam, giặc lái nhảy dù chờ đồng bọn đến giải cứu. Ngay lúc đó, hai máy bay A6, F4 bay sát bờ sông Lam, rải bom như vãi trấu xuống để tạo hành lang lửa, tiếp cứu phi công. 
Trung đội bà Dần phối hợp với bộ đội chủ lực bắn yểm trợ cho các du kích bắt sống giặc lái. Bị tấn công dữ dội, hai máy bay Mỹ phải bốc lên cao tháo chạy, phi công bị bắt giữ.
Không lâu sau, ngày 25/7/1968, một sự kiện đã đi vào huyền thoại khi trung đội trực chiến của bà hạ gục tại chỗ chiếc máy bay F4.H của địch. Bà Dần là người trực tiếp siết cò khẩu 12ly7.
Bà Dần nhớ lại: “Hôm ấy trung đội chúng tôi được lệnh xuống bảo vệ Ga Vinh, đang bố trí đội hình thì bỗng nhiên hai chiếc máy bay F4.H bổ nhào dội bom xuống. Mọi người nhanh chóng vào vị trí chiếc đấu. Khi thấy một chiếc máy bay nhào xuống thả bom, tôi liền siết cò. 
Trong tích tắc, máy bay bốc cháy rồi chao đảo, rơi xuống cách đó 1km. Máy bay còn lại tháo chạy. Tôi hạnh phúc đến bất động, chỉ đến khi đồng đội chạy đến ôm chầm reo lên: “Dần ơi, mi bắn trúng rồi, rơi rồi”, tôi mới vỡ òa xúc động”.
Bà Nguyễn Thị Dần bên những kỉ vật chiến tranh.
 Bà Nguyễn Thị Dần bên những kỉ vật chiến tranh.
Cuộc đời đi vào câu hát
Đơn vị bà Dần được ra báo cáo thành tích với Trung ương. Năm 1971, lực lượng dân quân Hưng Dũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Dân quân du kích làng Đỏ anh hùng”. 
Trong số đoàn nhà báo đến gặp bà Dần có nhạc sĩ Nguyên Nhung. Sau cuộc nói chuyện, ông đã sáng tác ca khúc “Cô dân quân làng Đỏ” dựa trên cuộc đời và chiến công của bà. 
Nữ dân quân được mời đi kể chuyện tại các lớp học nhằm giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ. Tháng 7 đến tháng 9/1971, bà được cùng Quân ủy Trung ương đi tham quan các nước XHCN ở Liên Xô. 
Bà cười nhớ lại: “Năm đó tôi mới 21 tuổi, chưa bao giờ ra khỏi tỉnh Nghệ An, nói chi (nói gì-NV) đến chuyện được đi nước ngoài. Khi sang Liên Xô, do đi máy bay không quen nên tôi bị “say”, khi vừa đến nước bạn thì lả đi”.
Trong cuộc gặp cán bộ cấp cao của Liên Xô, một vị lãnh đạo sau khi nghe chiến công của bà đã tỏ lòng khâm phục, cười hỏi: “Tại sao đồng chí du kích không mang theo súng”? 
Tuy bất ngờ nhưng bà vẫn tự tin trả lời: “Thưa đồng chí, đất nước Liên Xô tươi đẹp không có chiến tranh, con người được sống trong cảnh hòa bình nên không cần phải mang vũ khí. Ở đất nước tôi đang phải chiến đấu với giặc ngoại xâm nên lúc nào chúng tôi cũng ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu”. 
Ai cũng cảm động trước câu trả lời chân thành, dũng cảm của nữ dân quân Việt Nam. 
Chiến tranh kết thúc, trải qua nhiều vị trí công tác tại địa phương, bà trở thành đại biểu HĐND trẻ nhất tỉnh Nghệ An khi mới 21 tuổi, đồng thời là đại biểu Đại hội Mặt trận Trung ương khóa 3, sau đó làm Chủ tịch UBND xã rồi phường Hưng Dũng.
Năm 1997, khi bà đang theo học tại trường Chính trị Nghệ An thì chồng bà đột ngột ra đi trong một vụ tai nạn. “Chồng tôi cũng đi bộ đội 10 năm, vợ chồng không mấy khi được ở cạnh nhau. Đến khi đất nước hòa bình, những tưởng gia đình sum họp thì ông ấy lại đột ngột ra đi”, bà Dần kể. 
Hình minh họa
 Hình minh họa
Nén nỗi đau, bà gượng dậy vừa hoàn thành khóa học, vừa kiếm đủ nghề nuôi dạy bốn người con ăn học và chăm sóc mẹ chồng. Hết đi gặt thuê, cấy thuê, lại chăn nuôi lợn, gà…
Nhọc nhằn rồi cũng qua. Hiện các con bà đều trưởng thành, bà đã có 5 cháu nội ngoại. Hạnh phúc của nữ dân quân anh hùng ngày nào, giờ là quây quần bên con cháu. 
Năm 2010, bà bắt đầu được hưởng chế độ thương binh 4/4. 
Niềm mong ước đau đáu của bà Dần sau ngày giải phóng là được gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Nhung để cảm ơn ông về bài hát đã khắc họa chân thực về người nữ dân quân xứ Nghệ. 
Các con bà đã đi dò hỏi tìm địa chỉ nhạc sĩ để đưa mẹ đến thăm, nhưng nhạc sĩ đã qua đời năm 2009. Bà tâm sự, không được gặp lại nhạc sĩ là điều nuối tiếc nhất của bà trong đời./.

Đọc thêm