Nghe “thám tử” kể chuyện rắc rối gia đình

(PLVN) - Vẫn biết rằng thám tử tư là một nghề chưa được pháp luật cho phép hoạt động ở Việt Nam. Nhưng cuộc sống vẫn luôn có lý lẽ riêng của mình khi xã hội ngày nay nhu cầu thám tử tư ngày càng lớn, đặc biệt là xoay quanh những vấn đề liên quan đến gia đình, quan hệ vợ chồng, con cái... 
“Thám tử” Phan Tiến Dũng
“Thám tử” Phan Tiến Dũng

Kiếm đứa con chống gậy

Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên, ít khi dùng đến từ “thám tử” để nói về nghề nghiệp của mình, nhưng với kinh nghiệm 10 năm làm nghề, “thám tử” (tạm gọi là như vậy) Phan Tiến Dũng – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư dịch vụ và tư vấn Tiến Dũng đã kể những câu chuyện về những cơn “say nắng”, những lần “trượt chân”... của các ông chồng/bà vợ mà anh từng chứng kiến, khiến bất kỳ người nghe nào cũng sẽ... nghĩ suy!

Tìm đến văn phòng thám tử, chị Lê Thị Thủy, một phụ nữ sống ở phố Đội Cấn, Hà Nội rơm rớm nước mắt khi kể câu chuyện nhà mình. Chị Thủy cho biết, bố mẹ chị đã ngoài 60 và đều nghỉ hưu cả. Tuy nhiên thay vì hạnh phúc an hưởng tuổi già với nhau thì hai bố mẹ chị lại rất hay cãi cọ, mâu thuẫn.

Nguyên nhân sâu xa của những lần cãi vã giữa hai bố mẹ, theo chị Thủy đều xuất phát từ câu chuyện mẹ chị không sinh được con trai, bà bị bệnh đã phải cắt dạ con sau khi sinh hai chị em chị Thủy. Bố chị Thủy thường than thở về việc đó và xin vợ cho đi kiếm con ở ngoài, nhưng mẹ chị không đồng ý.

Thời gian gần đây bố chị có thời gian biểu lạ. Tháng nào cũng đi ra khỏi nhà mấy ngày, hỏi thì ông bảo đi thăm bạn bè, đồng đội cũ. Mẹ chị Thủy nghi ngờ nhưng không có căn cứ, nên thành ra hậm hực cãi cọ với chồng. Không muốn bố mẹ có một tuổi già bất hòa, chị Thủy yêu cầu “thám tử” điều tra xem bố mình đi đâu những lần ra khỏi nhà.

Nếu thật sự là ông đi thăm bạn bè thì mẹ chị cần phải biết để khỏi nghi ngờ chồng, còn nếu như linh cảm của mẹ chị là đúng thì cũng có cơ sở để mẹ con chị trò chuyện thẳng thắn với chồng, với bố.  

Chứng cứ “thám tử” thu thập được cho thấy, đúng như mẹ chị Thủy linh cảm, bố chị đã có thêm người phụ nữ khác và cậu con trai 8 tuổi ở tận một huyện xa của tỉnh Thái Bình. Khi chị Thủy cho cả nhà xem đoạn clip quay lại cảnh người phụ nữ và đứa bé ra tận bến xe đón bố chị và đứa bé hớn hở khoe với bố điểm mười thì mẹ chị Thủy òa khóc, còn bố chị ngồi lặng đi.

Lắng nghe hết những lời trách móc của vợ con, ông phân trần sở dĩ làm vậy vì ông suy nghĩ theo nếp cũ, lo hai vợ chồng chết đi không người thờ cúng nên nhất định phải có con trai và ông cũng chỉ “ngoài luồng” với duy nhất mục đích kiếm đứa con chống gậy chứ không lòng bưởi dạ bòng, quan hệ lăng nhăng. Bố chị Thủy xin vợ con tha thứ và cho phép ông có trách nhiệm với con riêng. 

Đau khổ nhưng mẹ chị Thủy vẫn đồng ý với lời đề nghị của chồng với điều kiện phải tiến hành xét nghiệm ADN để khẳng định chắc chắn đó là giọt máu của chồng mình và thám tử cũng chính là người đi cùng bố chị Thủy đến ngôi nhà ở Thái Bình để chứng kiến việc lấy mẫu.

Câu chuyện kết thúc có hậu khi chị Thủy điện thoại thông báo với thám tử rằng, kết quả giám định cho thấy cậu bé 8 tuổi đúng là em cùng cha khác mẹ với chị. Gia đình chị đã họp và thống nhất hàng tháng để bố chị xuống thăm mẹ con cậu bé 3 ngày cũng như trích nửa tháng lương để chu cấp...

Sự tan vỡ không đến từ một phía

Trong hành trình 10 năm làm nghề của mình, thám tử Phan Tiến Dũng chứng kiến rất nhiều những câu chuyện từ các gia đình và mới đây để ghi lại dấu ấn một chặng đường nghề nghiệp cũng như thỏa mãn sở thích viết lách, anh đã cho ra đời ấn phẩm đầu tay “Con giáp thứ 13” với 32 câu chuyện, 32 mảnh ghép cuộc đời cùng những số phận. Nhưng tại sao anh lại chọn kể lại câu chuyện tìm đứa con chống gậy?

Trả lời câu hỏi này, Phan Tiến Dũng cho biết, đã từng có người hỏi anh rằng liệu có đúc kết về lứa tuổi thường xảy ra và nguyên nhân tan vỡ của các gia đình hay không, nhưng theo anh chuyện “ngoài luồng” của các ông chồng/bà vợ chẳng cứ lứa tuổi nào, nghề nghiệp nào mà chủ yếu phụ thuộc vào tính cách, suy nghĩ, rồi hoàn cảnh đưa đẩy... 

“Như ông chồng trong câu chuyện tôi vừa kể, ai nghĩ rằng một người đàn ông khả kính và nghiêm túc như thế lại gần chục năm lừa dối vợ con. Dù rằng câu chuyện kết thúc có hậu, nhưng cũng không thể không nói là nó đã không gây vết thương lòng cho nhiều người trong cuộc...”, theo anh Dũng.

Thực tế cho thấy, sự tan vỡ hạnh phúc gia đình ít khi đến từ một phía, dù ít hay nhiều cả hai người cũng đều có lỗi với sự vẹn toàn của cuộc hôn nhân của mình. Đồng ý với quan điểm này, “thám tử” Phan Tiến Dũng cho biết, trong những vụ việc anh đã làm anh lắng nghe, sẻ chia với rất nhiều lời than thở từ các ông chồng/bà vợ về người đầu gối tay ấp với mình.

Rằng chồng/vợ đi làm về cả ngày mệt mỏi, vừa mở cửa ra đã thấy vợ/chồng mình quát tháo, trợn mắt, trợn mũi, tâm trạng mệt mỏi, bực bội, khó có người nào không khó chịu với thái độ đó. Rằng vợ ngoài công việc cơ quan, ở nhà đủ việc nhà con cái, nhưng chồng cứ như “chồng chúa vợ tôi”, cho mình cái quyền hưởng thụ, quyền đi chơi không chia sẻ. Rằng vợ/chồng cứ đi công tác liên miên, hết đợt công tác lại đi họp lớp, họp bạn bè, gia đình cứ như cái nhà trọ tá túc qua ngày...

“Nhiều, nhiều lắm những lời than thở và qua đó tôi thấy đúng là chẳng có sự tan vỡ hạnh phúc gia đình mà nguyên nhân đến từ một phía. Thám tử theo lẽ thường thì chỉ nhận tiền từ một thân chủ, nhưng với cái tâm làm nghề của mình, rất nhiều khi tôi phải vận dụng hết tài ăn nói để khéo léo khuyên thân chủ của mình (mà hầu hết là đang ở tâm trạng rất thất vọng, tự thương bản thân vì bị lừa dối và muốn sống cho mình chứ không hy sinh vì gia đình nữa) hãy bình tâm suy nghĩ thật kỹ, tránh quá giận mất khôn có hành vi vi phạm pháp luật và đi đến quyết định sáng suốt cho cuộc đời và cuộc hôn nhân của mình, cho bạn đời một cơ hội...”, anh Dũng cho biết.

Tại Việt Nam, ở góc độ pháp luật, thời điểm hiện tại chưa có quy định về điều kiện hoạt động ngành nghề “thám tử”. Nhưng chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “thám tử tư” sẽ hiển thị rất nhiều website của các công ty thám tử, người có nhu cầu tha hồ lựa chọn.
Sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 ra đời, mở cửa cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tự do hơn. Tuy nhiên trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm Luật Đầu tư lại không có hoạt động này.
Chính vì thế có nhiều quan điểm cho rằng, để đảm bảo cho môi trường kinh doanh thật sự sạch và lành mạnh, quy định về điều kiện kinh doanh nghề thám tử tư cần thiết phải ban hành trong tương lai.

Đọc thêm