Nghẹn ngào, tổ ấm của gia đình hai thế hệ tật nguyền

(PLO) -“Có lúc tôi hỏi bả (bà, tiếng địa phương-PV) có thấy khổ không? Bả cứ tỉnh bơ như không, còn bảo đau ốm là chuyện thường tình, nhiều người bệnh tình còn ngặt nghèo hơn mình. Nếu bả không bản lĩnh, cứng cỏi, luôn quên mình là người khuyết tật để sống và đương đầu với mọi khó khăn như một người bình thường thì không biết gia đình tôi sẽ đi về đâu nữa”, ông Liên trải lòng.
Phút vui vầy của vợ chồng ông Phan Kim Liên.
Phút vui vầy của vợ chồng ông Phan Kim Liên.

Nương tựa nhau mà sống

Hơn 30 năm trước, anh nhạc công mù Phan Kim Liên (SN 1950, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đem lòng thương cô gái khuyết tật Đặng Thị Lợi (SN 1956, ở thôn Kiên Long, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn). Tình yêu của đôi trai gái cùng cảnh ngộ không được gia đình hai bên ủng hộ, tạo điều kiện, trái lại còn bị ngăn cản vô cùng quyết liệt. 

Van xin, kiên trì thuyết phục mãi không được, hai con người “liều mạng” ấy đành dứt bỏ gia đình, xây dựng hạnh phúc với nhau chỉ bằng hai bàn tay trắng và một nghị lực, lòng quyết tâm đáng nể. 

“Cái lý của gia đình tôi là hoặc tôi ở vậy hoặc ưng người nào dẫu khiếm khuyết đôi chút nhưng ít nhất phải sáng mắt để nương tựa tấm thân, chứ ưng người mù lòa như ổng về chẳng làm được gì thì cả hai vợ chồng đều khổ. Nhưng lỡ thương rồi, nhìn ổng như vậy tôi càng thương hơn nên sống chết gì tôi cũng theo ổng”, bà Lợi kể. 

Hai người về ở cùng nhau, cả hai bên nội, ngoại đều giận lắm, cố tình bỏ mặc xem hai đứa sống làm sao, mấy cụ chắc mẩm rằng thế nào chúng tôi khổ quá rồi cũng phải giãn ra. “Vậy mà trời thương, lấy nhau từ năm 1985 đến giờ, chúng tôi không cãi vã, bỏ nhau ngày nào. Ngược lại luôn đùm bọc, nương tựa nhau mà sống”, bà Lợi tự hào.

Thế nhưng cuộc sống tự bươn chải mưu sinh cũng thật quá đỗi nhọc nhằn. Cả nhà 5 miệng ăn trông vào 2 sào ruộng và quầy tạp hóa nhỏ. Ông Liên trìu mến, nói về vợ: “Mẹ tụi nhỏ (chỉ bà Liên) chẳng may đôi chân bại liệt, đi lại yếu ớt nhưng ông trời bù cho đức tính siêng năng, đảm đang, thu vén việc nhà và đặc biệt là một tinh thần thép”. 

Dẫu cho cái nghèo khổ bủa vây nhưng bà vẫn giữ lòng lạc quan, không trách hờn gì ai, xây dựng không khí gia đình vui vẻ, thuận hòa để tuổi thơ các con không bị ảnh hưởng và nhất là quyết tâm không để con cái thất học. “Bả thường bảo tôi, đời mình khổ rồi nên phải cố gắng để chăm lo cho các con. Các con khôn lớn nên người là niềm vui lớn nhất cuộc đời bả”, ông Liên nói. 

Lúc con còn nhỏ, để có thêm chút đỉnh phụ vợ, ông Liên đi đờn cho các gánh hát bội không chuyên. Anh Phan Đăng Tự (SN 1986, con trai lớn của vợ chồng ông Liên) học hết 12, thi rớt đại học, đi xuất khẩu lao động ở Malaysia vào năm 2005. Những tưởng đúng hạn 3 năm sau về có tiền giúp bố mẹ đỡ cảnh nghèo khó, ngờ đâu phải vất vưởng ở xứ người. 

“Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của gia đình, lần đầu tiên tôi cảm thấy bất lực, hối hận vì mình đã lấy vợ sinh con, trong khi lại không thể làm trụ cột nổi cho gia đình. Thời điểm đó, nếu không có bả bên cạnh động viên an ủi, có lẽ tôi đã buông xuôi cho số phận”, ông Liên tâm sự.

Số phận lại thêm một lần thử thách nghị lực gia đình này, khi liên tiếp năm 2011, 2012, 2 lần ngã, ông Liên bị gãy xương ở lưng và chân, từ đó đến nay việc đi lại của ông phải nhờ đôi nạng hỗ trợ. “Suốt mấy tháng nằm viện, làm khổ vợ con, tiêu tốn tiền bạc, tôi cứ nghĩ mình đèo bồng chi, giá như hồi trẻ cứ ở vậy một thân một mình cả đời sẽ không làm khổ thêm ai”, ông Liên trải lòng.

Chị Phan Thị Đăng Minh.
Chị Phan Thị Đăng Minh.

“Nó chỉ bảo là lỡ thương rồi”

Năm 2009, anh Tự đề cập chuyện lấy vợ, một cô gái quê tận tỉnh Tiền Giang mà anh gặp khi ở Malaysia, bà Lợi đã chủ động gọi điện cho bố mẹ người yêu của con, kể ngọn ngành cảnh nhà. 

Sau chuyến ra thăm “nhà trai”, căn nhà đơn sơ chưa đầy 50m2 ở thôn Kiên Long, xã Bình Thành, chính “nhà gái” gọi điện nói: “Con gái tôi ưng đâu, chúng tôi gả đó, chị à! Tụi nó thương yêu nhau thì để cho tụi nó đến với nhau, chị đừng ái ngại chuyện gì hết” làm bà Lợi nghẹn nói không nên lời, vì xúc động, vì thương con. 

Rồi, câu chuyện tình yêu bị ngăn cản một lần nữa lặp lại trong gia đình này. Trong số 3 người con của vợ chồng ông Liên, cô con gái giữa Phan Thị Đăng Minh (SN 1989) bị khuyết tật như mẹ. Chuyện tình và cuộc hôn nhân hiện tại của Minh với anh Nguyễn Thái Mẫn (SN 1986, ở thôn Trung Ái, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng đầy trắc trở. 

“Chúng tôi quen nhau đã được 5 năm, trước khi gia đình tôi biết và tỏ ý không ủng hộ, Minh nhiều lần khước từ tình cảm của tôi. Cô ấy sợ tôi bị thiệt thòi, sợ tôi đến một lúc nào đó sẽ xao lòng, nhất là khi gia đình bên tôi thỉnh thoảng lại gọi điện đến cô ấy bảo chớ tin vào lòng son sắt kiểu ba bảy hăm mốt của đàn ông. Những cuộc gọi ấy Minh luôn giấu biệt, âm thầm khóc một mình.Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi đã đăng ký kết hôn và có với nhau đứa con gái đầu lòng bụ bẫm”, anh Mẫn chia sẻ.

Nói về đứa con gái tật nguyền của mình, đôi hốc mắt sâu và già nua của ông Liên ngấn lệ. Người cha mù lòa tội nghiệp bảo: “Nó (chỉ chị Minh-PV) đó, tính nết y như mẹ, rắn rỏi nhất nhà, nhưng cuộc đời nó cũng gặp nhiều trắc trở lắm. Cuộc đời của vợ chồng tôi khổ sao cũng được nhưng nhìn con cái tật nguyền như thế tôi thấy thương và tội nó lắm”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ý thức sự kém may mắn của bản thân, chị Minh từ nhỏ đã sớm cứng cỏi. Thời còn học tiểu học, trường gần nhà, chị Minh đến trường bằng nạng. Lên cấp 2, trường cách nhà mấy cây số, bố thì mù, mẹ cũng phải có nạng chống đỡ mới đi được, ai cũng nghĩ cô gái tật nguyền phải dừng việc học tại đấy.

Vậy mà suốt 3 tháng hè trước khi vào lớp 6, chị Minh đã buộc chiếc xe đạp phải quy thuận theo sự điều khiển của đôi chân teo tóp, yếu ớt. Không biết bao lần chị bị té ngã, trầy da chảy máu để thực hiện điều giản đơn kỳ diệu là tự lái xe đạp đến trường. 

Bằng cách này, chị Minh học hết cấp 2 rồi lên cấp 3, trường xa hơn, rồi từ quê một mình khăn gói vào TP.Quy Nhơn thuê trọ học cao đẳng. Tốt nghiệp ngành kế toán doanh nghiệp, trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn năm 2012, trải qua chuỗi ngày vất vả tìm việc, sau đó chị được nhận vào làm tại Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật Nguyễn Nga (TP.Quy Nhơn). 

Chị Minh ở nhờ tại trung tâm này, còn chồng chị, làm tại một công trường khai thác đá cách nơi vợ ở mấy chục cây số, vài ngày mới chạy xuống thăm vợ. Từng đau khổ vì bị gia đình cấm cản song đến khi làm mẹ, ban đầu bà Lợi cũng không hẳn đồng ý để đứa con gái khiếm khuyết của mình lấy một người con trai khác cảnh ngộ. 

Bà nghĩ rằng, nên vợ chồng với một người chung số phận kém may mắn như mình sẽ đỡ bị so đo. Thương con gái đứt ruột, bà Lợi càng thương con rể vững dạ chung tình. Bà Lợi kể: “Mỗi lần thằng Mẫn chở vợ về thăm nhà, tôi lại chảy nước mắt. Có lần tôi hỏi nó sao dám làm rể nhà tôi. Nó chỉ bảo là lỡ thương rồi”.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Trưởng thôn Kiên Long, cho biết: “Ông Liên mù lòa đôi mắt, vợ thì khuyết tật hai chân, nhưng vợ chồng ông ấy đã tạo lập cuộc sống như bao lứa đôi lành lặn khác.

Cô con gái tên Minh của vợ chồng ông Liên cũng bị tật nguyền như mẹ, nhưng với nghị lực và ý chí của mình, Minh cũng có được mái ấm gia đình hạnh phúc, có người chồng hết mực thương yêu mình. Ở đây, người dân ai cũng quý mến gia đình ông Liên, bởi dù khó khăn nhưng họ dám vượt qua để đắp xây hạnh phúc trên tình yêu chân thành của mình”.

Đọc thêm