Nghị lực phi thường của mẹ con chàng sinh viên bị liệt hai chân

(PLO) - Dù bị liệt hai chân, còn hai tay rất yếu nhưng Tú đã không chịu đầu hàng số phận mà luôn cố gắng học thật giỏi để thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo dạy tin học cho trẻ em nghèo. 
Nghị lực phi thường của mẹ con chàng sinh viên bị liệt hai chân
Qua bao gian truân, Nguyễn Chung Tú (SN 1992, ngụ tại phường Tân Hưng, quận7, TP HCM) hiện đã là sinh viên năm 4 khoa Công nghệ Thông tin của trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM. Ngoài ra, Tú luôn có mặt trong các phong trào tình nguyện, giao lưu văn hóa và dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật”. 
Nghị lực vượt khó phi thường của em đã trở thành tấm gương sáng, nguồn động lực cho những người bạn cùng cảnh ngộ vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Gặp Tú, chúng tôi khá ấn tượng bởi một chàng trai gầy gò, xanh mét, hai chân teo tóp nhưng cách nói chuyện khéo léo, dí dỏm đầy thiện cảm của cậu. Vừa khỏi bệnh vài ngày nhưng Tú vẫn thoăn thoắt đôi tay trên bàn phím máy tính ôn bài để chuẩn bị thi cuối học kì. Bên cạnh việc học, Tú còn tham gia hỗ trợ tích cực các buổi giao giao lưu, các chương trình tập huấn kĩ năng mềm giúp các bạn đồng cảnh ngộ hòa nhập cuộc sống. 
Tú là con cả trong một gia đình nghèo ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Không đất canh tác, cha mẹ của cậu phải đi làm thuê vất vả để lo cái ăn, cái mặc. Bố cậu, ông Nguyễn Văn Tâm là thương bệnh binh với tỉ lệ thương tật 51% nên chỉ quanh quẩn mưu sinh bên tiệm hớt tóc nhỏ. Mẹ cậu là bà Chung Thị Do cũng tất bật đi rửa chén, giặt quần áo thuê. 
Cuộc sống đã khốn khó nhưng bao oan trái lại đến với ông bà khi cả hai đứa con đều bị di chứng của chất độc màu da cam từ người cha. Năm 2 tuổi, người Tú có những biểu hiện bất thường, tay chân lúc nào cũng đau nhức, đi lại khó khăn. 
Năm lên 6 tuổi, hai chân của Tú bắt đầu teo dần khiến em bước đi rất khó nhọc. Bà Do đưa con đến bệnh viện để khám, rồi bà như chết lặng khi biết cậu bị di chứng chất độc màu da cam có nguy cơ tàn phế. Không bỏ cuộc, bà chạy chữa nhiều phương thuốc để cứu con mình nhưng đều vô vọng. 
Khi Tú đến tuổi đi học, cha mẹ cậu cũng cố gắng dành tiền để con được đến trường mong cho con trai có bạn bè, phần nào xoa dịu nỗi đau. Với tư chất thông minh, cậu bé học đến đâu nhớ đến đó, viết chữ lại rất đẹp. Sau giờ học ở trường, về nhà Tú lại lấy tập vở ra để tự rèn viết chữ, học làm toán. Nhờ cần cù, cậu học trò tàn tật này học rất giỏi, không thua kém bạn bè bình thường. 
Tú còn nhớ như in, lúc em nhận phần thưởng học sinh xuất sắc lớp 5 cũng là lúc hai chân mất hết cảm giác rồi liệt hẳn, khiến cậu không thể đi đứng được nữa. Từ đó, Tú đến trường trên đôi chân của mẹ. Hằng ngày, bà Do phải cõng con đi bộ đến lớp trên quảng đường xa gần 6 cây số vì Tú không thể tự ngồi xe đạp như trước đây. 
Nỗi đau chưa nguôi thì vài năm sau, người mẹ này phải rơi nước mắt khi em trai Tú là Nguyễn Chung Thảo (SN 2001) lại mắc phải căn bệnh giống anh trai, nhưng may mắn là cậu bé vẫn còn đi đứng được. “Lúc đó, em cảm thấy rất buồn và sợ hãi vì hai chân mình bị liệt sẽ không được đi học, nhưng mẹ đã mang lại cho em tương lai. Nhiều hôm trời nắng gắt, mẹ vẫn đổ mồ hôi cõng em đến lớp. Những lúc ấy em thực sự thấu hiểu thế nào là lòng mẹ bao la. Bởi thế, em không bao giờ tuyệt vọng, phải gắng học giỏi để báo hiếu cha mẹ. Mình phải sống đúng nghĩa chứ không phải đang tồn tại”, Tú tâm sự.
Với niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cậu học trò khuyết tật này luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc từ tiểu học đến phổ thông trung học và luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Không những vậy, Tú còn là học sinh chuyên Toán của trường THPT Chuyên tỉnh Tiền Giang. 
Để đạt được những thành tích như vậy, Tú áp dụng cho mình phương pháp học rất khoa học. Trên lớp, cậu chú ý nghe giảng và ghi chép lại các ý chính hay những công thức quan trọng vào một quyển sổ tay nhỏ. Đồng thời làm thật nhiều bài tập tham khảo, dành thời gian ôn luyện lại riêng các phần kiến thức còn thiếu hay chưa nắm vững. Đối với môn Toán, Lý, Hóa, Sinh học, do có nhiều công thức khó nhớ nên viết chúng ra những tờ giấy nhỏ rồi dán vào giá sách, vách nhà để mỗi khi nhìn đi, nhìn lại nhiều mà thuộc. 
Mùa thi năm 2010, Tú thi đậu vào ngành Công nghệ Thông tin của trường Đại học Khoa học tự nhiên với điểm số 20. Cha mẹ Tú vui mừng ra mặt nhưng kèm theo đó là bao nỗi âu lo về tiền đóng học phí, lo con trai sẽ ra sao khi một thân một mình nơi xứ người. 
May mắn đã mỉm cười với Tú lần nữa khi thầy giáo Bùi Ngọc Thạch (một người khuyết tật, hiện đang công tác tại trường THPT Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã vận động quyên góp các giáo viên một quỹ nhỏ để hỗ trợ em đến giảng đường. Gạt đi những nỗi lo, bà Do lại cùng con trai khăn gói đi nhập học. 
Ngày mới đặt chân lên xứ người, bà lầm lũi cõng con suốt cả ngày đi khắp quận Thủ Đức để tìm nhà trọ. Nơi thì quá mắc, nơi giá vừa phải thì lại không thuận tiện với điều kiện sinh hoạt, đưa Tú đi lại. Thất vọng, bà Do đành phải bấm bụng đưa con về quê nghỉ học gần 1 tháng. Biết hoàn cảnh của Tú, Bác sĩ Bùi Văn Hiệp (ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã liên lạc với hai mẹ con Tú rồi cho họ ở nhờ căn phòng nhỏ tại quận 9 (TP HCM). 
Không những vậy, vị “mạnh thường quân” này còn tặng bà Do một chiếc xe máy để làm phương tiện đưa Tú đến lớp và mưu sinh. Hằng ngày, người mẹ nghèo này âm thầm đưa đón con trai đến trường và tất bật chạy lo tiền ăn uống, học phí cho cậu. Những buổi Tú học trên lầu ba, lầu bốn thì bà Do phải ướt đẫm mồ hôi cõng con leo từng bậc thang lên xuống. Hình ảnh người đàn bà ngày ngày cõng đứa con trai của mình trên lưng đi học khiến mọi người đều vô cùng cảm động. 
Ở nơi “đất khách quê người”, hai mẹ con Tú sống chủ yếu nhờ vào những khoản tiền làm thuê của bà Do. Tranh thủ lúc chờ con học, bà lại tìm cho mình một góc nhỏ ở hành lang sân trường để dán những chiếc hộp quà tặng, hay đan áo len để kiếm tiền mưu sinh. Đón con về, bà lại đi phụ giúp việc nhà và giặt quần áo thuê cho những gia đình quanh khu trọ. Thu nhập khá bấp bênh nên mỗi bữa ăn của họ chỉ đạm bạc dưa cà. Dẫu khó nhọc nhưng trong lòng người mẹ này luôn vững niềm tin chờ ngày con mình thành tài, có việc làm ổn định. 
Bà Do tâm sự: “Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn vất vả nhưng tui sẽ cố gắng hết sức mình để lo cho con trai tui ăn học thành tài, tui sẽ cõng nó, nâng bước nó đến khi nào mình ngã quỵ mới thôi”. Đáp lại tình thương trời biển của mẹ, suốt 4 năm qua, Tú luôn đạt thành tích tốt, nhận nhiều học bổng của trường, san sẻ bớt nỗi lo gánh nặng học phí oằn trên đôi vai mẹ. 
Điều đáng trân trọng là Tú luôn dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội với hi vọng giúp các bạn sinh viên khuyết tật bỏ qua những mặc cảm, tự tin vươn lên trong học tập và cuộc sống. Từ năm 2011, Tú vinh dự được bầu làm chủ nhiệm CLB Niềm Tin, thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Bên cạnh đó, cậu còn là thành viên tích cực trong các chương trình dành cho người khuyết tật ở Hội quán Đời rất đẹp. 
Tú đang tham gia Dự án “Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật” của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD). Tú chia sẻ: “Mình không chỉ sống cho mình mà còn cho cả gia đình, xã hội. Không có đường cùng, chỉ có mình tự đưa mình vào đường cùng. Mình khiếm khuyết, chỉ có sự nỗ lực cố gắng và tri thức mới đưa mình đến gần cánh cửa tương lai”.
Nghị lực sống vượt khó phi thường của mẹ con Tú thật đáng khâm phục, hy vọng rằng trong tương lai, họ có thể thực hiện được những hoài bão của đời mình để sống thật có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Đọc thêm