“Ngộ độc” vì mạng xã hội

(PLO) Thói quen chung của nhiều người dùng internet là khi có một thắc mắc gì, lập tức “cầu viện” đến kiến thức từ internet, mạng xã hội. Nhiều người trở nên tin tưởng từ các nguồn thông tin này một cách “vô điều kiện”, không cần sự suy xét.
 “Ngộ độc” vì mạng xã hội

Thời điểm rộ lên thông tin về nạn bắt cóc trẻ em, khi chưa có sự xác nhận từ phía cơ quan chức năng khá nhiều tin tức ảo từ các trang facebook tung ra, nào bắt cóc trẻ em ở Bình Thạnh, xuất hiện bắt cóc tại bến xe miền Tây… khiến các bậc cha mẹ hết sức hoang mang, sợ hãi.

Cạnh thông tin bị bắt cóc, lượng thông tin ảo được tung ra nhiều nhất liên quan đến các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Lợi dung tình hình thực phẩm bẩn tràn lan, nhiều người đã thu hút sự chú ý của dư luận bằng cách tung ra những hình ảnh đáng sợ: trái cây bị chích biến màu, sinh vật bò lổm ngổm trong thực phẩm, gạo có dòi… Những thông tin bịa đặt, hình ảnh cắt ghép khiến nhiều người vội tin là thật, kêu gọi tẩy chay. 

Cạnh đó, một số “tin đồn” về khoa học, sức khoẻ cũng thường xuất hiện và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Cuối năm 2015, một thông tin hết sức vô lý là ăn cơm nguội gây ung thư xuất hiện. Không hiểu vì sao tin này được chia sẻ rất nhanh bởi cộng đồng mạng, khiến cho rất nhiều gia đình hoang mang. Sau đó, một bác sĩ dinh dưỡng đã phải lên tiếng đính chính rằng cơm nguội nếu không hư, thiu thì không ảnh hưởng đến sức khoẻ mới dẹp yên dư luận. Và còn hàng loạt những tin đồn kiểu như ăn trái cây trước/sau bữa ăn dễ gây ngộ độc; ăn sữa chua sai cách gây ung thư… cũng thi thoảng xuất hiện, khiến người dân chẳng biết đâu mà lần.

Một kiểu thông tin khác rất được những kẻ “câu view” ưa chuộng và lan truyền rất nhanh, đó là thông tin sốc về các “sao”. Những “sao” nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Hoài Linh… bị dính tin đồn tai nạn giao thông, hoặc bệnh chết bất đắc kì tử là thường. Cuối năm 2016, nghệ sĩ Hoài Linh còn phải lên tiếng đính chính anh đang rất khoẻ mạnh trước loạt thông tin Hoài Linh bị bệnh nan y qua đời khiến fan hâm mộ của anh hoang mang… Ngoài ra, khi một sự việc vừa xảy ra, lập tức xuất hiện thông tin về sự việc ấy nhưng được chế biến lại, thêm vào các chi tiết rùng rợn, kì quái cũng lắm phen khiến người dân hoảng sợ.

Hầu hết những trang fanpage tung lên các thông tin gây sốc, sai sự thật kia đều là những trang facebook giả, được lập ra để câu view, thu hút thành viên, sau đó đổi tên và bán lại cho những người kinh doanh muốn mua fanpage đã có sẵn lượng tương tác cao. Ngoài ra, trong số này còn có các trang mạng xã hội kinh doanh các mặt hàng khác nhau, có mục tin tức và muốn đăng tin giật gân để thu hút khách hàng.

Chuyện những kẻ kinh doanh thiếu lương tâm muốn tạo thông tin sốc để trục lợi là một lẽ, cạnh đó, không thiếu những người dùng facebook rất thiếu tỉnh táo. Họ chia sẻ bất cứ thông tin nào xuất hiện trên mạng xã hội mà không hề kiểm chứng nguồn từ đâu. Chính lực lượng đông đúc những người tiếp nhận và góp tay lan truyền thiếu trách nhiệm đã làm nên một sự nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận trên mạng xã hội.

Đọc thêm