Ngôi chùa nổi tiếng cầu an, dâng sao giải hạn đầu năm ở Hà thành

(PLO) - Hơn chục năm nay, sau mỗi dịp Tết, hàng ngàn người tập trung về cùa Phúc Khánh- Hà Nội để cầu an, dâng sao giải hạn. Là một ngôi chùa nhưng tại sao lại có nhiều người tới đây cầu an đầu năm như vậy?
Bên trong chùa Phúc Khánh
Bên trong chùa Phúc Khánh

Cổ tự trải qua nhiều cuộc bể dâu

Chùa Phúc Khánh còn có tên Chùa Sở là 1 ngôi chùa lâu đời ở Hà Nội, tọa lạc gần ngã tư Sở, thuộc quận Đống Đa. Tuy nằm trong khu dân cư đông đúc, chật hẹp nhưng chùa Phúc Khánh được đông đảo bà con và các phật tử tìm đến chiêm bái, cầu an. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1988.

Cổ tự Phúc Khánh được dựng vào thời Hậu Lê. Vào thời Lê, chùa là cơ sở đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Sau đó gặp hỏa hoạn bị hư hỏng hoàn toàn. Có tài liệu cho chùa nằm trong khu vực diễn ra trận đánh Đống Đa năm 1789 nên bị đổ nát, sau được nhà sư Chiếu Liên xây dựng lại với sự hỗ trợ của Đô đốc Trần Văn Lễ (thời Tây Sơn) đã từng ém quân ở chùa. Ông còn cho đúc quả đại hồng chung và pho tượng Cửu Long cúng chùa.

Chùa được trùng tu nhiều lần các năm 1853, 1921, 1932, 1935, 1940, 1993, 1996, 1998. Hòa thượng trụ trì Thích Trung Thứ đã cho kiến thiết ngôi chùa, làm cơ sở đào tạo tăng tài, điểm An cư kiết hạ hàng năm của chư Tăng vào năm 1940.

Dân làng đã góp công góp của xây dựng ngôi chùa ngày nay vào năm 1950. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm và có 20 pho tượng có giá trị nghệ thuật cao. Chùa có 21 tấm bia đá, tấm cổ nhất là năm 1698; 3 đại hồng chung, chuông cổ nhất đúc năm 1796; 14 bộ bao lam (cửa võng) và các đồ thờ khác như bát hương đồng, long ngai, nhang án...)

Chùa Phúc Khánh gồm công trình kiến trúc thờ Phật kiểu truyền thống và cũng giống như các ngôi chùa ở Bắc Bộ, chùa Phúc Khánh có thêm ban thờ Mẫu. Chùa gồm công trình kiến trúc thờ Phật kiểu truyền thống: Tam quan mở 3 cửa vòm giữa là cửa lớn, hai bên nhỏ hơn. Trụ đắp hình con sấu quay đầu vào nhau. Sau Tam quan là sân chùa.

Ngôi chùa nổi tiếng cầu an đầu năm

Gần đây, sau mỗi dịp Tết, hàng ngàn gia đình ở Hà Nội, thập phương đến chùa Phúc Khánh làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn. Dòng người thường phải xếp hàng từ đầu buổi tối, đợi đến khuya để được làm lễ mặc cho mưa rét. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ cũng tìm đến đây để cầu duyên.

Theo những cao niên ở gần chùa Phúc Khánh, ban đầu chỉ là một ngôi chùa làng, thuộc làng Sở. Trước đây chùa cũng chỉ là nơi lễ Phật của người dân làng Sở. Chùa chỉ thu hút được nhiều người từ khắp các địa phương tìm đến trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. 

Điều nhiều người lấy làm lạ đó là giữa Hà Nội có rất nhiều cổ tự, chùa Phúc Khánh lại nằm sâu trong ngõ nhỏ nhưng rất đông người đến cầu an. Theo nhiều người dân ở gần chùa, có thể lịch sử lâu đời của ngôi chùa với nhiều công trình kiến trúc cổ kính cũng chỉ là một phần trong các yếu tố thu hút đông đảo Phật tử tìm đến.

Nhiều ý kiến khác cho rằng lúc đầu mọi người tới đây cầu sao giải hạn, cúng, khấn thì nhận được nhiều phúc đức; đường công danh, sự nghiệp được hanh thông, thuận lợi; con cháu thì đuề huề, sung túc; bản thân thì được an tâm, tĩnh tại. Từ đó “tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều người đến chùa. 

  (còn tiếp)

Đọc thêm