Ngôi đền 2.200 năm và tích người mẹ nghèo đả hổ ở xứ nhãn

(PLO) - Ngôi đền Đậu An có niên đại 2.200 năm là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ Ngọc Hoàng thượng đế cùng các vị thần tiên. Nơi đây còn nổi tiếng với tích người mẹ nghèo đả hổ khiến Ngọc Hoàng cảm kích.
Cổng tam quan.
Cổng tam quan.

Ngôi đền duy nhất thờ Ngọc Hoàng thượng đế

Đền Đậu An được tọa lạc trên thế đất hình đầu rồng linh thiêng tại thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Phía ngoài có một đền trình bên tay trái chính giữa là gác chuông lớn hai tầng, tiếp đến là khoảng sân rộng với hàng cây cổ thụ rợp bóng.

Đền Đậu An có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 tòa tiền tế, thượng điện và hậu cung. Chất liệu tạo nên ngôi đền được tạc từ những khối đá nguyên khối. Phần lớn nguyên liệu làm đền là từ gỗ lim, nhưng tại cung Đệ nhất và Đệ nhị của tòa thượng điện lại được làm bằng đá, có tấm nặng tới hàng chục tấn được các nghệ nhân và thợ thủ công đương thời chạm khắc long cuốn tinh xảo từ cột trụ, câu đối, hoành phi tới bức tường.

Trải qua bao biến động của lịch sử cùng với thời gian, ngôi đền vẫn đứng vững cho đến tận ngày nay. Ngoài kiểu kiến trúc cổ kính, đền Đậu An còn lưu giữ được nhiều di tích cổ có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ. Nổi bật và đặc sắc nhất phải kể đến tòa tháp Cửu trùng bằng đất nung được xây dựng từ thời Lý- Trần. “Chín tầng tháp cổ tiền đường/ Là nơi thiên đế thường thường giáng linh”.

Tháp cửu trùng.
Tháp cửu trùng.

Tại đền Đậu An còn lưu giữ chiếc khánh đá cổ niên hiệu Vĩnh Trị, chuông đồng niên hiệu Cảnh Hưng và hai tấm bia đá thời Lý, Nguyễn ghi lại niên đại kiến trúc và những người có công tôn tạo, mở rộng trùng tu đền. Ngoài kiến trúc cổ kính, đền Đậu An còn ẩn chứa sự linh thiêng độc đáo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình - Trưởng ban quản lý di tích đền Đậu An, đây là nơi đầu tiên và duy nhất thờ Ngọc Hoàng thượng đế và các thần tiên ở miền Bắc Việt Nam. Theo thần tích còn lưu giữ trong đền, vào năm Thiên định nhị niên (trước công nguyên), nơi đây là vùng đất hoang vu, nhiều con vật dữ trú ngụ. Cư dân thưa thớt, vắng vẻ. Ngọc Hoàng thượng đế cử Ngũ lão Tiên ông và Thiên Tiên- Địa Tiên cùng xuống trần gian hướng dẫn người dân khai khẩn đất hoang, tiêu diệt thú dữ. Những thần tiên dạy dân trồng trọt, hoa màu, đất đai thêm trù phú. Năm 226 trước Công nguyên, người dân nhớ ơn Ngọc Hoàng thượng đế cùng các vị thần tiên đã dựng Thụy Ứng Quán thờ trời (quán điềm lành) bằng tre nứa cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Sau này, Thụy Ứng quán được xây dựng mở rộng và trở thành quần thể di tích mang tên gọi là đền Đậu An. Người dân An Xá vẫn luôn tự hào về ngôi đền cổ và những giá trị văn hóa được lưu truyền từ bao đời.

Đền Đậu An.
Đền Đậu An.

Ai không xem hội thì hư mất đời

Hàng năm, từ mùng 1-12/4 âm lịch, Lễ hội được diễn ra với các nghi lễ truyền thống, làm náo nức lòng người gần xa: “Tỉnh Nam, vui nhất Phủ Giầy/ Vui thì vui thật chẳng tầy Đậu An”. 6-8/4 là chính hội, dân gian có câu thơ: “Lễ hội mùng tám tháng tư/ Ai không xem hội thì hư mất đời”. Có thể nói, Lễ hội đền An Xá có nhiều nét độc đáo không phải làng quê nào cũng có được. 

Dân ở các xã, huyện nô nức về đây trẩy hội. Hơn 200 trai làng được huy động thay nhau rước 8 kiệu: Ngọc Hoàng thượng đế, Ngũ lão Thiên Ông, Thiên Tiên, Địa Tiên đi quanh làng rồi về Đền. Những người rước kiệu không bước bình thường mà bước theo chữ Đinh. Bước theo chữ Đinh khiến người xem ngỡ như những kiệu đang bay lượn trên cao. Những người phụ nữ trong làng đứng hai bên trang phục mớ ba, mớ bẩy đầy màu sắc múa hát dọc đường đi. Ở những lễ hội khác, lễ vật là những cỗ thịt đầy mâm còn lễ vật tế Ngọc Hoàng và các vị thần tiên ở đây là thanh bông hoa quả. Theo giải thích của ông Bình, các vị thần tiên không ăn mặn. Bởi vậy, việc chuẩn bị lễ vật trong lễ hội khá đơn giản, tinh khiết. 

Đền thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các vị Thiên Tiên.
Đền thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các vị Thiên Tiên.

Vui nhất phải kể tới việc người dân diễn lại tích: “Mẹ nghèo chiến thắng hổ dữ”. Tích xưa kể lại, xa xưa, nơi đây hổ báo, thú dữ rất nhiều. Người dân luôn sống trong nơm nớp sợ chúng ăn thịt, phá hoại mùa màng. Một ngày nọ, có một con hổ chúa tới làng. Dân làng khiếp sợ bỏ chạy. Lỗ Quốc đại vương, ba lực sỹ được Ngọc Hoàng sai xuống tiêu diệt hổ dữ. Suốt canh giờ trôi qua mà cuộc chiến không phân thắng bại.

Lúc ấy, có một người mẹ tên là An Thị Liệu quần áo rách rưới gánh hai con trai nhỏ đi ngang qua. Thấy chân tay Lỗ Quốc đại vương, ba lực sĩ loang lổ vết máu do hổ cào, người mẹ liền giấu con vào bụi tre. Người mẹ liền hô lớn: “Con là kẻ khó qua đường/Đàn bà đâu nghĩ con thương làm gì/Thấy dân thống khổ lâm nguy/Vì dân con chẳng tiếc gì tấm thân”. Lấy hết can đảm, quên sự sợ hãi, người mẹ cầm đòn gánh đánh hổ. Sức mạnh người mẹ ở đâu kéo đến đánh tới tấp vào đầu hổ chúa. Dân làng ùa ra cổ vũ lấy đất đá ném hổ. Hổ chúa bị người mẹ nghèo tấn công dữ dội, sau vài tiếng gầm vang đã nằm lăn ra đất. Dân làng hò reo kéo xác hổ về lột da may áo, lấy thịt hổ nướng lên ăn mừng. Họ lấy lá si gắn lên người nhảy múa, hò reo quanh đống lửa. 

Lúc ấy, Ngọc Hoàng thượng đế đóng giả người dân đi vi hành. Ngài chứng kiến cảnh người mẹ dũng cảm đánh nhau với hổ chúa lấy làm cảm kích. Ngài nói với thần dân là mỗi năm, khi làng mở hội, hãy diễn lại tích “mẹ nghèo chiến thắng hổ dữ”. Và khi bà An Thị Liệu phải dựng miếu để thờ (nơi thờ hiện ở miếu Chợ An) để nhớ công lao của người mẹ chân yếu tay mềm. 

Hang đá nơi diễn lại tích đả hổ.
Hang đá nơi diễn lại tích đả hổ.

Mỗi khi diễn tích xưa, dân làng lại chọn lựa kỹ càng người phụ nữ đóng vai người mẹ nghèo. Người đó phải là người phụ nữ đã có chồng con, tính tình hiền hậu nhưng rất can đảm. Ngoài việc chăm sóc chu đáo cho tổ ấm, người phụ nữ ấy phải có công đóng góp tài trí cho làng. Dân làng lấy đá dựng lại hang hổ.

Theo các cụ trong làng và những “diễn viên” đã phải mất mấy tháng trời tập luyện. Từ cách đi đứng đến khẩu khí của các nhân vật trong trò diễn... đều phải chuẩn xác đến từng chi tiết. Đặc biệt là người đóng vai bà mẹ khó và hổ dữ càng phải tập luyện nhiều. Hổ được một người đàn ông trong làng đóng. Người đóng phải có những động tác cách điệu rất nhiều để toát lên được cái thần thái của thú dữ. Tích ấy được diễn trong 1 giờ đồng hồ vào ngày cuối cùng của lễ hội. Sự sướng vui, hò reo của người dân mỗi lần hổ dữ bị người mẹ giáng đòn. Mỗi lần vậy, trẻ con làng lại hô lớn: “Ông lớn, bà lớn đi đâu/ Mẹ con nhà khó đánh nhau với hùm”.

Diễn xong, người dân lại ào tới xin nhà đền vài chiếc lá si dắt vào người mong điều may mắn tới với mình. Lễ hội đền Đậu An kết thúc vào ngày 12, lúc 23 giờ đêm. Dân làng làm lễ triệt đăng, tắt hết đèn nến trong đền và các vùng xung quanh. 

Những thần thoại cổ tích, không gian của làng quê văn hóa Việt Nam với những nếp ứng xử văn hóa ấm áp tình người được tái hiện ở Lễ hội đền Đậu An. Làng trên xóm dưới chộn rộn quần áo mới, sênh sang cờ phướn đón mừng một lễ hội độc đáo của một vùng quê Đồng bằng Bắc bộ.

Tái hiện tích người mẹ nghèo đả hổ.
Tái hiện tích người mẹ nghèo đả hổ.
Làng An Xá không ai dám đặt tên con là Hoàng

Theo Trưởng ban di tích kiêm trưởng thôn làng An Xá, làng này thờ Ngọc Hoàng thượng đế. Từ xa xưa, các cụ đã cấm kị việc đặt tên con là Hoàng. Dân làng thường đặt con chệch là Hoành, Hoằng, Hoàn. Cách đây khoảng hơn 10 năm, có gia đình sinh được cậu con trai đã đặt tên con là Hoàng. Các cụ trong họ biết vậy tức giận yêu cầu gia đình phải đổi tên con, nếu không sẽ từ mặt. Bất chấp “lệnh từ mặt”, gia đình ấy vẫn giữ tên con. Cậu bé Hoàng lên hai tuổi, đang bụ bẫm, lanh lợi bỗng lên cơn co giật, toàn thân cậu bé tím tái. Bố mẹ vội vã tìm thầy, tìm thuốc cho con. Hôm sau, chân cậu bé không còn cử động, mắt lờ đờ, miệng nói những từ vô nghĩa. Các cụ trong họ cho rằng, gia đình ấy đã mạo phạm đặt trùng tên nên bị Ngài quở trách, xử phạt. Chẳng biết đúng sai, dân làng từ đó không ai dám có ý định đặt tên con là Hoàng một lần nào nữa. 

Đọc thêm