Ngôi làng của những bà mẹ đơn thân Việt Nam lên báo Mỹ

(PLO) - Làng Lòi là tên gọi khác của xóm 6, thôn Đội Cung, xã Viên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngôi làng nổi tiếng vì là nơi trú ngụ của những người phụ nữ đã dám vượt qua mọi rào cản, định kiến gay gắt của xã hội để trở thành những bà mẹ đơn thân sau khi quá lứa lỡ thì vì cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dưới đây là nội dung bài viết về những người phụ nữ trong ngôi làng đặc biệt đăng tải trên tờ Thời báo New York. 
Một buổi sáng ở làng Lòi, khi những người nông dân đội những chiếc nón rơm lặng lẽ băng qua những cánh đồng lúa thì cũng là lúc một nhóm nhỏ những người phụ đang chơi đùa với cháu họ ở gần 1 con suối. Sẽ không thể tìm thấy chồng của những người phụ nữ này ở bất cứ nơi nào, không phải vì họ đã bỏ mạng trong chiến tranh mà vì những người phụ nữ này đã quyết định sinh con mà không có chồng. 
Câu chuyện của những người phụ nữ này bắt đầu trong chiến tranh chống Mỹ. Lúc đó, nhiều người đã đặt cuộc cách mạng lên trước gia đình của mình. Khi hòa bình lập lại hơn 1 thập kỷ sau, những người phụ nữ này mới chợt nhận ra sự thực rõ ràng là họ, cũng giống như nhiều người cùng thế hệ khác, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, những năm tháng trong tuổi kết hôn của mình cho chiến tranh. 
Tại thời điểm đó, phụ nữ Việt Nam thường kết hôn khi khoảng 16 tuổi và những người vẫn còn độc thân ở tuổi 20 thường bị xem là “quá lứa”. Khi những người đàn ông sống sót từ chiến tranh trở về, họ thường thích những cô dâu trẻ trung hơn. Điều này càng làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giới tính vốn đã nghiêm trọng do tỉ lệ nam giới chết trận trong chiến tranh. Theo Điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam vào năm 2009, sau khi thống nhất đất nước vào năm 1979, tỉ lệ dân số trung bình của Việt Nam chỉ khoảng 88 đàn ông trên mỗi 100 phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 44. 
Không giống như những thế hệ phụ nữ Việt Nam trước đó - những người thường cam chịu chấp nhận “số phận”, sống một cuộc sống cô độc khi không lấy được chồng - một nhóm những người phụ nữ tại làng Lòi đã quyết định sẽ tự mình thực hiện quyền làm mẹ của mình. Họ đã trải qua những năm tháng chiến tranh, đã bồi đắp cho mình sức mạnh mới và quyết định sẽ không chết trong cô đơn. 
Từng người từng người một đã nhờ những người đàn ông - mà nhiều người trong số đó về sau họ không bao giờ gặp lại - giúp họ thụ thai một đứa con. Tình trạng này trở nên nổi tiếng với tên gọi “xin con” và nó đồng nghĩa với việc những người phụ nữ này đã phá vỡ truyền thống, đối mặt với sự kỳ thị và phải chịu đựng nhiều gian khổ khi nuôi con một mình. “Đây là việc không thường thấy và rất đáng chú ý”, bà Harriet Phinney, một Phó Giáo sư về Nhân chủng học tại trường Đại học Seattle cho biết. Bà Phinney hiện đang viết một cuốn sách về thực tiễn xin con tại Việt Nam. 
Theo Phó giáo sư Phinney, cố ý thụ thai một đứa con ngoài giá thú là một việc làm chưa từng có trước thời kỳ chiến tranh. Bà Phinney cho rằng, hiện tượng “xin con” là một biểu hiện của sự dũng cảm của những người mẹ, đó cũng là sản phẩm của xã hội thời kỳ hậu chiến tranh, trong đó nhiều người phụ nữ trên khắp Việt Nam đã rơi vào tình trạng độc thân, gồm cả hàng ngàn người phải sống trong cảnh góa bụa và phải nuôi con một mình. 
Một số người phụ nữ ở làng Lòi sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của họ dù họ vẫn luôn giữ kín tên cha của những đứa trẻ do họ sinh ra làm bí mật của riêng mình. Một trong những người phụ nữ đầu tiên ở làng Lòi đi xin con là bà Nguyễn Thị Nhan, hiện đã 58 tuổi. Trong thời kỳ chiến tranh, bà Nhan từng là trung đội trưởng một trung đội nữ thanh niên xung phong và đã được trao huân chương cho sự lãnh đạo quả cảm của mình. 
Bà Nhan và cháu trai
Bà Nhan và cháu trai 
Trước khi xung kích, bà Nhan cũng có chồng và một cô con gái nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, ông chồng đã bỏ rơi bà. Đối mặt với tình cảnh này, bà Nhàn đã phải ôm con rời khỏi nhà chồng và dựng nhà ở mảnh đất rẻ tiền nhất mà bà có thể tìm được. Đó là một mảnh đất ở gần một con suối ven làng Lòi. Một thời gian sau đó, bà đã đi xin đứa con thứ 2 và đã may mắn sinh được một cậu con trai như bà mong muốn.
Vài năm đầu tiên của cuộc sống làm mẹ một mình của bà Nhàn vô cùng khó khăn. Dù bà đã cố gắng hết mình nhưng trong nhà lúc nào cũng thiếu tiền và thực phẩm. Những người dân làng mãi về sau đã dẹp bỏ định kiến của họ sang một bên và chấp nhận lựa chọn của bà. Họ bắt đầu chia sẻ cho mẹ con bà chút đồ ăn ít ỏi còn thừa của mình. Cuối cùng, hơn chục người phụ nữ khác cũng đã “nhập hội” với bà Nhàn. 
Trong số những người này có bà Nguyễn Thị Lựu, năm nay đã 63 tuổi. Bà Lựu đem lòng yêu mến một chiến sỹ nhưng anh đã hy sinh tại chiến trường vào năm 1972. “Khi chiến tranh kết thúc thì tôi đã 26 tuổi. Ở thời điểm đó thì tuổi này đã bị xem là quá già để kết hôn. Tôi không muốn lấy một người đàn ông già cả, xấu xí trong khi lại không có người đàn ông nào còn độc thân đến với tôi”, bà Lựu kể lại. 
Dù không gặp được người đàn ông ưng ý để tiến tới hôn nhân nhưng bà Lựu vẫn muốn trở thành một người mẹ, để ít nhất bà cũng có một đứa con chăm sóc khi tuổi già. Tại Việt Nam có rất ít nhà dưỡng lão và việc chăm sóc cha mẹ già được xem là trách nhiệm thuộc đạo hiếu của con cái. “Tôi sợ sẽ chết một mình. Tôi muốn có ai đó để nương tựa tuổi già. Tôi muốn có một đứa con cho riêng mình”, bà Lựu tiếp tục dòng hồi tưởng.
Ban đầu, quyết định của bà Lựu đã khiến cha mẹ và anh trai của bà tức giận. Nhưng họ đã sớm chấp nhận điều này và dang tay ra che chở cho 2 người con gái của bà. Cha mẹ bà đã gom tất cả tiền bạc để cho bà mảnh đất duy nhất mà họ có thể mua được trong làng Lòi - ngôi làng lúc đó đã được nhiều người xem là cộng đồng của những bà mẹ đơn thân. “Tôi cảm thấy rất dễ chịu khi được ở trong một tập thể với những người phụ nữ có tình cảnh tương tự mình”, bà Lựu cho hay. 
Ngoài làng Lòi, nhiều phụ nữ trên khắp Việt Nam cũng đã có quyết định tương tự như những người phụ nữ ở đây. Việc số bà mẹ đơn thân ngày càng gia tăng, đặc biệt là những người phụ nữ từng tham gia chiến tranh, đã khiến Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cơ quan giám sát các chương trình dành cho phụ nữ của Chính phủ Việt Nam chú ý. “Nhiều người phụ nữ đã hy sinh tất cả mọi thứ mà họ có trong chiến tranh nên việc công nhận những cống hiến của họ là điều rất quan trọng”, bà Trần Thị Ngời - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nói.
Hoàn cảnh của những bà mẹ đơn thân thuộc thế hệ chiến tranh là một yếu tố để chính phủ Việt Nam vào năm 1986 thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó lần đầu tiên công nhận tính hợp pháp của những bà mẹ đơn thân và những đứa trẻ do họ sinh ra. Đây là một chiến thắng cho những người mẹ ở làng Lòi và cho những người khác có hoàn cảnh giống như họ. “Mỗi người phụ nữ có quyền trở thành một người vợ và một người mẹ và nếu người đó không thể tìm được một người chồng thì cô ấy vẫn có quyền có một đứa con cho riêng mình”, bà Ngời nói.
Kể từ đó cho đến nay, Chính phủ Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế đã tiếp tục thúc đẩy quyền bình đẳng cho những người phụ nữ và cải thiện các điều kiện giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho họ. Hiện nay, những bà mẹ đơn thân ở nông thôn vẫn phải đối mặt với khó khăn, kỳ thị và sự xấu hổ nhưng họ đang được hưởng lợi từ những sáng kiến của chính phủ có nguồn gốc từ thế hệ trước. 
Tại làng Lòi hiện chỉ còn lại 4 trong số 17 phụ nữ đầu tiên lập ra cộng đồng này. 3 người đã chết, một số chuyển đến sống cùng con cái ở những ngôi làng khác và một số người đàn ông góa bụa mà họ gặp về sau. Những người còn lại đã sửa sang túp lều của họ thành những ngôi nhà thực sự, với những khu vườn nhỏ quanh nhà. Con cái họ hiện đã trưởng thành và gửi một phần trong khoản tiền công nhỏ nhoi mà họ kiếm được để phụng dưỡng mẹ. 
Không một người nào trong số những phụ nữ này xem họ là những người tiên phong, cũng chẳng ai chú ý nhiều đến tác động của những lựa chọn mà họ đưa ra trong quá khứ đến thế hệ sau. “Tôi không biết liệu mình có phải là nguồn cảm hứng hay không. Tôi chỉ đưa ra quyết định của riêng mình. Tôi muốn trở thành một người mẹ. Không ai có thể thay đổi quyết định của tôi”, một phụ nữ giấu tên ở làng Lòi quả quyết. 

Đọc thêm