Ngọt mát nước giếng cổ ở Bảo tàng Quang Trung

(PLVN) - Xuân này, đến trẩy hội vui xuân ở Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), hàng nghìn người dân và du khách đều ghé thăm giếng nước đá ong cổ gắn liền với ba anh em nhà Tây Sơn để xách gàu nước rửa mặt rồi uống một ngụm, với mong muốn để nhận được may mắn trong năm mới.
Ngọt mát nước giếng cổ ở Bảo tàng Quang Trung

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, hàng nghìn người dân Bình Định và du khách thập phương lại náo nức du xuân, trẩy hội tại Bảo tàng Quang Trung. Đây là dịp để mỗi người con thế hệ hôm nay sống lại những năm tháng quật khởi của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn.

Cách đây 231 năm, dưới sự chỉ huy kiệt xuất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, hàng vạn binh sĩ áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn thực hiện cuộc hành binh thần tốc ra kinh thành Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 là một trong những chiến công vĩ đại và oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Thế kỷ XVIII, làng Kiên Mỹ (thuộc thị trấn Phú Phong ngày nay) là vùng đất chuyển giao giữa miền xuôi và miền ngược, tức là giữa vùng Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo. Đoạn sông Côn thuộc làng Kiên Mỹ là một địa điểm lý tưởng để tập trung trao đổi các mặt hàng của thương nhân hai miền Tây Sơn thượng - hạ. Việc trao đổi thông qua bến sông này nhiều nhất vẫn là mặt hàng trầu. Trầu đã góp phần làm phồn thịnh chợ Kiên Mỹ và tên gọi bến Trường Trầu vì thế ra đời.

Người dân và du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung
Người dân và du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung 

Ông Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn) vì làm nghề buôn trầu xuôi ngược theo dòng nước, ngày ngày qua lại vùng Tây Sơn hạ đạo nên đã gặp gỡ kết duyên với bà Nguyễn Thị Đồng, sinh ra ba người con là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Ba anh em nhà Tây Sơn đã trải qua thời thiếu niên êm đềm bên dòng sông Côn này. Rồi, khi lớn lên, Nguyễn Nhạc cũng nối nghiệp cha buôn trầu trên khúc sông này.

Từ việc ngày ngày tiếp xúc với các thương nhân buôn trầu gần xa và được nghe những câu chuyện thường nhật của họ về các cuộc đấu tranh nông dân diễn ra khắp nơi nên Nguyễn Nhạc đã bắt đầu hình thành ý chí khởi nghĩa. Và đây là nơi hội ngộ của các sĩ phu yêu nước trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Đến đầu thế kỷ XIX, bến Trường Trầu đã ngưng hoạt động, nhưng đến nay âm hưởng của nó vẫn còn vang vọng đâu đây.

Sau bến Trường Trầu, xưa là nền nhà cũ của song thân ba anh em nhà Tây Sơn. Nơi đây ngày nay đã trở thành Bảo tàng Quang Trung và còn lưu giữ nhiều dấu tích xưa như cây me cổ thụ, giếng đá ong cổ. Đến bây giờ, người dân trong vùng vẫn còn lưu truyền những câu chuyện về tuổi thơ của ba anh em nhà Tây Sơn gắn với giếng nước, cây me này.

Chuyện rằng, từ nhỏ đến lớn, ngày ngày ba anh em nhà Tây Sơn tập võ, luyện công dưới gốc me, đến khi mệt thì sang ngồi quanh giếng nước trò chuyện. Sau khi khởi nghiệp, cũng tại cây me, giếng nước này, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chủ trì bao nhiêu cuộc luận bàn chuyện quốc sự cùng văn thần võ tướng.

Cạnh giếng nước là cây me cổ thụ

Cạnh giếng nước là cây me cổ thụ 

Để thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với nhà Tây Sơn, năm Minh Mạng thứ 3 (1823), người dân làng Kiên Mỹ đã góp công, góp của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn nhưng lấy tên là đình Kiên Mỹ và gọi là thờ thành hoàng nhằm che mắt chính quyền. Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Nghĩa Bình (nay tách thành Bình Định và Quảng Ngãi) đã xây dựng Bảo tàng Quang Trung tại nơi này.

Theo ông Tô Đình Minh (63 tuổi, ở làng Kiên Mỹ, người gắn bó với giếng nước từ thuở bé), ngày xưa cả làng Kiên Mỹ chỉ có mỗi giếng nước trong bảo tàng nên người dân gọi đó là giếng làng. Nước giếng rất trong và mát. Sau này, làng Kiên Mỹ có thêm nhiều giếng mới nhưng nhiều người vẫn thích dùng nước giếng làng. Có những năm nắng hạn, các giếng trong làng Kiên Mỹ đều khô cạn nhưng giếng trong bảo tàng vẫn ăm ắp nước.

Du khách tự tay xách nước ở giếng cổ trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung để rửa mặt
 Du khách tự tay xách nước ở giếng cổ trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung để rửa mặt

Đến Bảo tàng Quang Trung đầu năm mới, hàng trăm lượt người xếp hàng tự tay xách cho mình gàu nước, uống một ngụm rồi rửa mặt, chỉnh trang quần áo tươm tất trước khi vào dâng hương trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt.

Dâng hương xong, trước khi ra về, nhiều người còn lấy nước vào chai đem về nhà, hay để đi đường uống với mong muốn để nhận được may mắn trong năm mới. Họ bảo rằng, uống nước giếng sẽ được may mắn cả năm, uống ngụm nước giếng như hưởng lộc từ tổ tiên nơi “chôn nhau cắt rốn” của ba anh em nhà Tây Sơn để trí được minh, nghĩa được bền, tình được vẹn.

Từ thời Tây Sơn đến nay đã trải qua hàng trăm năm nhưng người dân làng Kiên Mỹ vẫn gìn giữ những di tích và tôn thờ nhà Tây Sơn trong đời sống tín ngưỡng của mình. Trên mảnh đất xưa, bến Trường Trầu, cây me, giếng nước vẫn chan chứa biết bao hoài niệm. Đến nay, người dân vẫn còn lưu truyền các câu ca dao: “Cây me, giếng nước, sân đình/ Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi”, hay câu: “Cây me cũ, bến Trầu xưa/ Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm”.

Đọc thêm