Ngược ngàn cao nguyên, gặp thổ dân dưới chân núi Lang-Biang

(PLO) -Người ta nói nếu chưa lên đỉnh Lang-Biang (thuộc huyện Lạc Dương) thì coi như chưa đến Đà Lạt. Nhưng thực ra đó mới chỉ đúng một nửa bởi chính ở xã Lát và rải rác ven chân núi mới là nơi mà người Lạch đã xây dựng nên một bản sắc độc đáo, gắn liền với những đồng cỏ, những thung lũng từ hàng trăm năm qua.
Tượng gỗ ở làng Cù Lần
Tượng gỗ ở làng Cù Lần

Đến với làng ca sĩ

Những chàng trai người Lạch ở xã Lát đều giỏi cưỡi ngựa và chăn nuôi đàn ngựa biết “nghe” tiếng người. Chúng sẵn sàng phi nước đại trên thảo nguyên mênh mông cùng với tiếng hô vang của những chàng kỵ mã. Lại có khi dịu dàng quỵ chân để du khách leo lên lưng và đi từng bước một với nhịp điệu của tiếng khèn M’bướt. 

Đặc biệt các chàng trai ở đây không dùng yên cương trong các cuộc thi đua ngựa hàng năm. Họ chẳng khác nào những dũng sĩ dũng mãnh như đại bàng luôn tung cánh. Hầu hết những người làm dịch vụ cho thuê ngựa chụp ảnh, ở khu du lịch Lang-Biang, đều là người xã Lát. Đôi khi nức lòng chiều theo lời yêu cầu của du khách, họ phi một mạch như bay trên đồng cỏ xanh mướt.

Nếu thú vui phi ngựa gắn với những chàng trai thì những sắc màu thổ cẩm lại là gương mặt của thiếu nữ K’ho nơi đây. Theo tục từ xưa theo chế độ mẫu hệ, các cô gái phải biết dệt vải và chăm chỉ làm ăn, chuẩn bị tiền của để cưới chồng. Do vậy các cô gái đều là những người khéo léo, tài hoa bên khung cửi. Nước da ngăm ngăm, mái tóc xoăn và đôi mắt huyền chính là đặc trưng vẻ đẹp của những cô gái K’ho xã Lát.

Nói đến các cô gái, chàng trai ở đây là phải nói đến âm nhạc và những vũ điệu đây mê hoặc trong những ngày lễ hội. Họ đầy bản năng trong niềm say mê ca múa, cuồng nhiệt như mỗi khi phi ngựa trên thảo nguyên. Họ đắm đuối với những giai điệu, thi nhau nhảy múa quanh ngọn lửa. Buôn nào của xã cũng có đội văn nghệ. Vào hội là họ thi nhau ca múa. 

Tình cờ chúng tôi gặp được chị K’Rec ngay tại nhà trong một khu vườn cà phê ở xã Lát. Chị có con gái là diễn viên múa của đội văn nghệ. Chị vui vẻ kể, con chim sơn ca nổi tiếng Bonneur Trinh của xứ sở sương mù Đà Lạt, chính là người con của xã Lát. Bonneur Trinh một thời thường xuyên hát trong những đêm lửa trại. 

Cách đây mươi lăm năm, già làng Plin cử Bonneur Trinh đi dự thi “Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh”. Cô đã đoạt giải nhất bằng chính bài hát của người K’ho do già làng Plin sáng tác. Sau đó liên tiếp đội văn nghệ của xã còn có người đi dự thi chương trình “Sao mai điểm hẹn”. Riêng ca sĩ Krajan Sik, cũng là người con của làng đã từng đoạt HCV trong cuộc thi “Dân ca Toàn quốc” năm 2005. Giờ đây Krajan Sik còn là nhạc sĩ chuyên sáng tác bài hát cho bà con người K’ho quanh vùng.

Trước đó, già làng Plin là nghệ sĩ đơn ca của Đoàn Văn công Lâm Đồng. Già Plin có thời phải bán trâu của gia đình để mua nhạc cụ như kèn, khèn, tiêu, tù và, chiêng, trống… để thành lập đội văn nghệ đầu tiên mang tên “Những người bạn Lang-Biang”. Sau này ông còn có công soạn thảo cuốn sách “Luật tục K’ho của người Lạch”. 

Khi tâm sự, chị K’Rec cho biết hát hay như ca sĩ Bouner Trinh thì người Lạch không thiếu. Chị còn nhấn mạnh tới công sức đào tạo của già làng Plin. Những nghệ sĩ đã được già làng đào tạo đều có trình độ biểu diễn khá chuyên nghiệp. Chính vì thế phong trào ca múa ở xã Lát phát triển như những mùa hoa cà phê nở rộ. Khắp các buôn làng đều lấy tiếng ca điệu múa để giao lưu học hỏi với nhau.  

Ca sĩ Bonneur Trinh dù lập nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh nhưng luôn nhớ về quê hương của mình. Ngày nào chị cũng hát những bài dân ca K’ho. Chị tự hào nói, người Lạch ai cũng biết hát và biểu diễn. Đó là bản năng tự nhiên mà trời đất và núi rừng Lang-Biang ban cho. Riêng về điều này chị K’Rec còn khẳng định, nếu so sánh tỉ lệ ca sĩ biểu diễn hiện có (300 người) so với hơn 5000 dân trong xã, thì có lẽ đứng hàng đầu trong cả nước. Người ta còn gọi xã Lát là “làng ca sĩ” quả không sai.

Trái tim “Cù Lần”

Theo lời chỉ dẫn của chị K’Rec, chúng tôi đi tắt sang thôn suối Cạn để xem những con cù lần. Đây là một bản cũ của người K’ho sống ven con suối lớn thuộc xã Lát. Nói là suối Cạn nhưng khi mùa nước về thì con suối trở thành con sông nhỏ trôi hiền hòa quanh chân núi Lang Biang. Nhưng đẹp nhất vẫn là đồng cỏ của thung lũng có con suối chảy qua. 

Những chuyến xe Jeep đưa du khách chạy quanh thôn trên vách núi và đi dọc suối Cạn bao giờ cũng là thú vui của các bạn trẻ, cùng những ai tò mò muốn xuyên rừng lội suối. Một khúc rẽ đột ngột lao xuống dòng nước, hay bỗng vọt lên một con dốc dựng đứng, người tài xế luôn làm du khách thích thú la hét với cảm giác bất ngờ, đôi khi pha chút kinh hoàng lo sợ. 

Điều thú vị ở làng Cù Lần là câu chuyện cổ tích nói về sự hình thành của ngôi làng kỳ dị này. Đó là tình duyên của chàng Cù Lần với cô gái mình yêu. Nếu câu chuyện tình của Lang và Biang là bi kịch giữa hai tộc người, thì chuyện tình của chàng Cù Lần lại huyền ảo mơ mộng với lâu đài tình ái, được dựng lên để dành cho người yêu. 

Thảo nguyên mênh mông kia chính là nơi lâu đài đã từng mọc lên và hạnh phúc của chàng Cù Lần với cô gái đẹp tựa trăng sao vằng vặc đêm rằm. Vì thế chăng đến nay người làng Cù Lần vẫn hát vang bài ca “Trái tim Cù Lần”. Lời hát chân thực như tấm lòng chàng trai bày tỏ: “Cho anh nói lời yêu. Như đứa nhà quê thật thà. Xin em hãy nhận đi. Xác thân mẹ nuôi khôn lớn. Xin em hãy nhận đi. Trái tim mộng mơ. Trái tim Cù Lần”.    

Thôn Suối Cạn được dân K’ho gọi là làng Cù Lần còn bởi lẽ, nơi đây chính là cánh rừng nguyên sơ có những con Cù Lần sinh sống, với những nét đặc trưng mà không nơi nào có được. Chúng tôi được nghe chị Rơ-ông K’Suyên ở làng kể, thoạt nhìn con cù lần tựa chú gấu trúc nhỏ với bộ lông vàng xậm cùng đôi mắt long lanh và luôn luôn ngơ ngác nhìn mọi người đi qua. 

Đặc biệt các chú cù lần nhát và hay e thẹn. Nếu thấy ai nhìn trừng trừng, hay có động tác dứ dọa là nó lấy hai chân trước che đôi mắt đẹp của mình. Sau đó, nó co dúm thân hình như hành động tự vệ bản năng, nằm im thin thít. Thật hết sức dại dột, bởi khi ấy, ai cũng có thể bế nó lên và thậm chí bỏ vào túi xách mang về. 

Nói rồi chị K’Suyên cười hết sức thích thú. Lúc này hai cô bé Asa và K’Huyền bên quầy cà phê bất ngờ cùng hát cho chúng tôi nghe bài ca của làng rằng: “Xin đem cánh rừng hoa. Đem các đồi xanh tặng em. Dâng em lối nhỏ xinh. Uốn quanh hồ xanh suối vắng…”. Cứ thế câu chuyện tình yêu chẳng bao giờ dứt ở mỗi mái nhà sàn và những chiếc cầu dây đung đưa quanh thung lũng tím ngát một mùa hoa sim. 

Bồi hồi với dáng mẹ ta xưa   

Thật kỳ lạ, khi chúng tôi bước lên nhà Rông và được ngắm những bức tượng gỗ, do chính nghệ nhân của làng Cù Lần điêu khắc. Mỗi bức tượng là một câu chuyện kể của người K’ho. Những nét đẽo gọt ghồ ghề, mộc mạc như chắt ra từ hồn cốt dân tộc đã bao đời dựng xây bản làng quanh chân núi. Họ đã phải chống chọi với những thiên tai và sự sống khắc nghiệt để tồn tại. 

Đó là hình ảnh của những người mẹ tràn đầy sinh lực cùng sức mạnh tiềm tàng bao đời nay. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những cô gái đang ngồi chăm chú bên khung dệt. Họ ngước nhìn chào mọi người bằng những nụ cười. Những nét hoa văn trên tấm thổ cẩm đẹp như đôi mắt của họ vậy. Đó là đôi mắt K’ho sâu thẳm và huyền diệu./.    

Đọc thêm