Người “cướp cơm hà bá”, ngủ cạnh xác chết

(PLO) - Sau những năm tháng bươn chải mưu sinh khắp phố thị, vợ chồng họ "dạt" về làng nổi trên bãi sông Hồng. Tại đây họ mưu sinh bằng nghề nhặt rác để rồi "bén duyên" với việc thiện vớt xác chết trôi sông.
Chiếc kè tạm bợ nơi vợ chồng ông Mậu sinh sống.
Chiếc kè tạm bợ nơi vợ chồng ông Mậu sinh sống.
Lạnh gáy ở bờ sông
Chiếc bè nổi tạm bợ nằm chơ vơ bên bờ sông Hồng là nơi cư ngụ của vợ chồng ông Quách Văn Mậu (79 tuổi, ngụ tại làng nổi trên bãi sông Hồng thuộc phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thủy (77 tuổi).
Hơn 30 năm nay ngoài công việc nhặt rác kiếm tiền nuôi sống bản thân, ông Mậu còn làm việc thiện: vớt xác chết trôi sông (cướp cơm hà bá) - một việc mà không ai muốn dính dáng đến. Ông bảo: "Ai nhìn thấy xác chết cũng sợ riêng tôi thì không. Tôi làm việc này vì cái tâm”. 
Theo ông Mậu, không phải ai cũng phát hiện được xác chết. Với ông, chỉ cần dựa vào linh tính và kinh nghiệm là có thể nhận biết được người hay vật. Xác động vật thường trôi nghiêng, ngửa do sóng đánh vì nó không giữ được thăng bằng như ở người. Lúc chết tay người thường dang ra, chân thẳng, đàn bà trôi ngửa còn đàn ông trôi sấp. Nhìn thi thể trôi từ xa, ông Mậu có thể đoán biết được đàn ông hay đàn bà.  
Tiếp lời ông Mậu nói: “Năm ngoái, tôi vớt được hai xác chết cùng một lúc, đặt họ lên lán thuyền chờ người đến nhận. Đêm đó tôi nằm cạnh “họ” mà cảm thấy vẫn bình thường. Thật lòng tôi không cảm thấy sợ mà chỉ thương họ, tội nghiệp cho linh hồn cô đơn vì không có người thân bên cạnh”.
Cũng chính vì ông “cứng bóng vía” vậy nên sau khi vớt được xác, báo chính quyền thì ông Mậu được giao luôn việc trông coi xác chết. Cứ khoảng một, hai ngày, nếu không có ai đến nhận xác là chính quyền, công an sẽ cho tiến hành an táng theo quy định. 
Thời gian đầu, bà Thủy sợ công việc của chồng đến nỗi không ngủ được. Thực tế, trong chiếc thuyền chật hẹp, ọp ẹp của vợ chồng bà thường xuyên diễn ra cảnh người sống, người chết cùng trú ngụ lênh đênh trên sóng nước.
Nghĩ rằng công việc của chồng vì đạo nghĩa nên bà Thủy cũng quen dần, giờ đây bà còn có thể phụ giúp công việc của chồng. 
Ông Mậu chỉ vào chỗ để xác chết, còn mình nằm trong lán.
Ông Mậu chỉ vào chỗ để xác chết, còn mình nằm trong lán. 
Thời gian đầu, thấy ông tự ý dựng lều ở bến bãi, chính quyền và công an cấm, nhưng sau biết mục đích chính của ông là để quàn thi thể vớt được nên  phường Ngọc Thụy đã đồng ý chấp nhận. Từ đó, ngoài chiếc bè nổi lênh đênh thì đôi vợ chồng già có thêm túp lều ven sông để trú mưa, trú nắng.
Ông Mậu giãi bày: “Vẫn biết công việc của mình là thầm lặng, không ai làm được, nhưng mà khổ lắm. Cứ vào mùa tháng 7 lũ nó lên, tôi lại phải kéo bè cho kịp nước sông dâng. Những đêm gió bão, hầu như vợ chồng tôi không tài nào ngủ được, chợp mắt là tỉnh vì cứ 15 phút là nước sông dâng lên hàng mét, sóng đánh liên tục. Nếu mình không nhanh tay, đến lúc nước sông rút, bè nằm lại trên cạn là hỏng”.
Vớt xác vì chữ “tâm”
Ông Mậu tâm sự: “Mình vớt xác là vì cái tâm, bởi nó còn mang ý nghĩa nhân đạo để làm gương cho người đời. Có người bảo tôi là lão “gàn”, thậm chí họ còn cho rằng điên khùng, riêng tôi lại nghĩ khác vì mình làm việc tốt cho xã hội”.
Ngoài vớt xác, ông Mậu còn cứu được rất nhiều trường hợp tắm sông bị chết đuối. Ông hướng mắt ra mặt sông nhả khói thuốc lào rồi trầm ngâm nhớ lại: “Rằm tháng 7 năm ngoái tôi đang ở trên thuyền, chợt nghe tiếng gọi thất thanh - Ối ông Mậu ơi, có người chết đuối!”. Nhanh như cắt, tôi lao xuống dòng sông đang chảy xiết. Trong nháy mắt, tôi đã đưa được nạn nhân vào bờ”.
Theo kinh nghiệm, ông cho nạn nhân nằm thẳng rồi hô hấp nhân tạo, nửa tiếng sau thì cô gái sống lại trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Với ông, đó cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất ở trong đời.
Bà Nguyễn Thị Thủy, vợ ông Mậu.
Bà Nguyễn Thị Thủy, vợ ông Mậu.
Bà Thủy bảo: “Thiếu phụ này mới 25 tuổi, do giận chồng nên đi tự tử, may mắn được ông nhà tôi cứu sống. Sau đó gia đình có đưa mấy triệu nhưng ông Mậu cương quyết không nhận”.
Ngắt lời vợ, ông Mậu nói: “Nếu chưa vớt xác, ai mà giúp đỡ kể cả một nghìn, tôi sống nhớ, chết mang ơn. Tuy nhiên, lúc vớt xác rồi thì tôi không bao giờ lấy tiền, nếu lấy tiền đâm ra mất tâm”.
Hỏi về chuyện bơi lội, ông trầm ngâm kể: “Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, nhà ở cạnh sông nên bố đã dạy bơi cho mấy anh em từ bé. Cuộc sống sông nước gắn liền với tôi như vậy đấy”. Tuy tuổi đã cao nhưng sự dẻo dai thì ít ai sánh bằng, vừa kể ông vừa khoe với chúng tôi: “Nói đến bơi lội thì tôi là thủy thủ rồi, kể cả lặn cũng giỏi. Mới đây có một ông lão ở Lò Đúc bị chết đuối nặng đến 70kg mà tôi vẫn vớt được. Lúc đó tôi phải kẹp xác chết vào một bên hông, sau đó dùng tay và chân để bơi vào bờ”.
Ngừng một lúc để mồi lửa cho điếu thuốc lào, ông Mậu tiếp tục kể: “Trong lúc thấy tôi vớt được xác, bà Thêm đang trồng rau ở bờ sông còn bảo: “Nếu không có ông Mậu thì nhà này phải bỏ ra mấy chục triệu để thuê người tìm xác bố chứ đâu phải chuyện chơi”. Có người họ chỉ mong vớt được xác để nhận tiền công, chứ tôi thì khác”.
Vì thế, ông Mậu luôn được bà con kính trọng, đùm bọc, người biếu thức ăn, người cho rau quả. 
Bà Nguyễn Thị Hồng (52 tuổi, xóm phó của làng nổi trên bãi sông Hồng) cho biết: “Vợ chồng ông Mậu sống bên bờ sông thuộc phường Ngọc Thụy này cũng mấy chục năm rồi. Ông là người chuyên vớt xác từ thiện trên sông. Tuy không có hộ khẩu nhưng ông Mậu sống có tình có nghĩa, làm được nhiều việc tốt cho xã hội nên thỉnh thoảng phường cùng một số cơ quan có đến thăm, tặng quà”./.

Đọc thêm