Người dân đô thị “khát” vườn hoa, sân chơi

(PLO) - 90% người dân Hà Nội được khảo sát mong muốn có thể đi bộ dễ dàng đến các công viên, nhưng chỉ 1/3 trong số đó có thể làm như vậy. Đó là hậu quả của việc thiếu hụt nghiêm trọng không gian công cộng mà điển hình là vườn hoa, sân chơi ở Hà Nội và các khu đô thị lớn vì phát triển vườn hoa, sân chơi chỉ được xếp hạng cuối trong những mối quan tâm sử dụng đất công ở đô thị.
Nhiều vườn hoa, sân chơi ở Hà Nội bị phá hủy, lấn chiếm cho các mục đích thương mại
Nhiều vườn hoa, sân chơi ở Hà Nội bị phá hủy, lấn chiếm cho các mục đích thương mại
Vườn hoa, sân chơi để bán phở, trông xe 
Với dân số tăng nhanh và áp lực phát triển kinh tế, nhà ở cũng như nhu cầu công cộng, những không gian vườn hoa, sân chơi (VHSC) hiện có ở các khu dân cư như Kim Liên, Trung Tự, Nghĩa Tân, Thành Công… đang bị phá hủy, lấn chiếm cho các mục đích thương mại như bán hàng, đỗ xe, chứa vật liệu xây dựng… của một bộ phận dân cư, tổ chức, cơi nới nhà, xây tường bao. Các VHSC không được duy tu và ít VHSC được xây dựng mới, hoặc chỉ đầu tư theo kiểu chiếu lệ. 
Hiện chỉ có 1,92% diện tích đất tự nhiên ở Hà Nội là VHSC, tương đương mỗi người dân nội thành chỉ có 2,08m2 VHSC. Thống kê cho thấy, tỷ lệ đất VHSC ở quận Hai Bà Trưng là cao nhất cũng chỉ chiếm 12,83% diện tích đất tự nhiên, trong khi ở quận Thanh Xuân, tỷ lệ này là 0%, nghĩa là không có công viên/vườn hoa. 
“Khu tập thể nhà tôi có một sân chơi rộng nhưng dùng làm nơi bán phở của một gia đình. Chúng tôi muốn sân được trả về đúng với chức năng của mình để hàng sáng người lớn có thể tập thể dục và chiều tối trẻ em được vui chơi thoải mái, không phải chúi mũi vào tivi hay trò chơi điện tử nữa” – anh Phạm Ngọc Hải (ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết.
Ông Lưu Đức Hải – Phó Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận thấy VHSC ở đô thị đang bị xung đột trong chức năng sử dụng. Diện tích đất công còn lại của thành phố đang phải có sự cạnh tranh giữa việc sử dụng đất cho các tiện ích công và chính sách bán đấu giá các lô đất công cho tư nhân, giữa việc sử dụng đất các tiện ích công với nhau… 
Theo bà Lã Kim Ngân – Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tình trạng “đất vàng” chỉ được làm nhà máy, chung cư, trung tâm thương mại cũng như các dự án bất động sản được phát triển theo kiểu “xôi đỗ”, không có sự tương thích và liên kết với VHSC nên thường “bỏ quên” VHSC đã khiến VHSC ở đô thị vốn đã thiếu trở nên ngày càng hiếm. Bên cạnh những không gian VHSC ở các khu đô thị như Ecopark, 
Mulberry, Times City, Vinhomes Riverside, Đặng Xá, ở nhiều khu đô thị mới được xây dựng như Mỹ Đình, Trung Hòa – Nhân Chính… chỉ có những không gian để đi lại chứ không có VHSC đúng nghĩa. 
Sự cố xảy ra tại Công viên nước Hồ Tây vào ngày được miễn vé vào cửa tháng 4 vừa qua cho thấy, thiếu VHSC đã khiến chất lượng sống của người dân đô thị bị giảm sút. Bà Nguyễn Nga – Việt kiều Pháp cho rằng tình trạng thiếu VHSC, không gian vui chơi công cộng đã đẩy thanh, thiếu niên vào các quán game online, đua xe, tụ tập, lang thang trên đường phố hoặc bị “nhốt” trong nhà, xa lánh các hoạt động cộng đồng… Người già, người dân không có không gian để thư giãn, gắn kết cộng đồng.
Không chỉ trông chờ Nhà nước
Vì vậy, các chuyên gia và những người tâm huyết với việc bảo vệ và phát triển VHSC khu dân cư mong muốn trong điều kiện đất chật, người đông của đô thị, UBND các cấp cần đánh giá hiện trạng VHSC hiện có và rà soát quỹ đất công, các diện tích đất chuẩn bị được thu hồi từ việc di dời các công trình công cộng khác để có chiến lược, kế hoạch phát triển VHSC. 
Trong đó, ưu tiên sử dụng đất công để xây dựng VHSC khu dân cư, nhất là những diện tích đất công còn lại nằm xen kẽ trong các khu dân cư, tận dụng diện tích đất ngoài trời của các công trình công cộng như sân nhà văn hóa, sân trường học, các đường ngang, đường phụ… để tổ chức thành sân chơi cho trẻ em hoặc các hoạt động cộng đồng khác vào dịp cuối tuần; dẹp bỏ lấn chiếm, sử dụng VHSC sai mục đích. 
Và khi nguồn lực cho việc phát triển VHSC khu dân cư còn hạn chế thì thành phố cần có những cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và quản lý VHSC, đặc biệt là các sáng  kiến xây dựng sân chơi sáng tạo, giá rẻ với sự tham gia của cộng đồng. 
Đây là khuyến nghị không chỉ của tổ chức HealthBridge và Quỹ Châu Á mà còn là ý tưởng được nhiều nhà khoa học tán thành. Nhưng ông Lưu Đức Hải cảnh báo, với tất cả các nỗ lực trên mà “không có cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm thì câu chuyện về thực trạng VHSC hiện nay sẽ diễn ra mãi mãi”. 
“Yếu tố then chốt là các nhà lãnh đạo thành phố nhận thức được tầm quan trọng của không gian công cộng đối với kinh tế và sinh thái đô thị, các nhà làm chính sách phải hiểu biết rõ về không gian công cộng, các nhà quản lý  phải đủ tính chuyên nghiệp và các chuyên gia tư vấn qui hoạch và thiết kế phải có tư duy phát triển hỗn hợp, người dân phải có tinh thần làm chủ. Còn các nhà kinh doanh bất động sản  thì từ lâu đã biết không gian công cộng đem lại giá trị gia tăng đáng kể cho hàng hóa của họ”  - ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Đọc thêm