Người dân hoang mang vì vết nứt mố cầu Đuống lan rộng

(PLO) -Gần đây, nhiều hộ dân tại tổ dân phố Đuống 2 (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) phải sống trong nỗi thấp thỏm, lo lắng vì nhà cửa lún nứt. Những vết nứt này chạy dài từ mố cầu Đuống và đang có hướng lan rộng vào nhà cửa và một số công trình lân cận. Sự cố này đã xảy ra suốt nhiều tháng, đòi hỏi các ngành chức năng liên quan sớm có biện pháp xử lý để người dân bớt tâm lý hoang mang. 
​Nhiều vết nứt chằng chịt xuất hiện tại mố cầu Đuống. Sự cố sụt nứt còn gây ảnh hưởng đến nhiều nhà dân trong khu vực.
​Nhiều vết nứt chằng chịt xuất hiện tại mố cầu Đuống. Sự cố sụt nứt còn gây ảnh hưởng đến nhiều nhà dân trong khu vực.

Thấp thỏm vì nhà lún nứt

Theo ghi nhận thực tế tại phía hạ lưu cầu Đuống, khu vực bờ sông tính từ điểm tiếp giáp chân cầu xuất hiện nhiều vết nứt với chiều dài cung trượt từ K8+850 đến K8+875. Tại phần mố cầu xuất hiện nhiều vết nứt rộng khoảng 5 – 10cm, ăn sâu vào kết cấu bên trong. Hiện tượng lún nứt còn lan đến phần đất phía trong của bờ kè phía Bắc, gây ra sụt khoảng 20 - 30cm. Ngoài ra, kết cấu đường bộ, đoạn tiếp giáp với khu vực bề mặt cầu hiện bị ảnh hưởng, sụt lún cục bộ. 

Đáng chú ý, hiện tượng sụt nứt đã lan đến các công trình nhà ở của người dân trong khu vực. Một số công trình nhà ở, cách không xa mố cầu Đuống gồm toàn bộ phần tường và sân chính đã nứt toác khoảng 5 – 15cm. Cụ thể, khu vực cổng của gia đình bà Bùi Thị Dậu (Tổ dân phố Đuống 2) vết nứt đã “xé toạc” bức tường, cổng nhà. Riêng phần sân trước của hộ gia đình này, các vết nứt chằng chịt, ăn sâu đã gây vỡ kết cấu sân.  Cũng là một trong số những hộ dân chịu ảnh hưởng với phần sân và cổng xuất hiện nhiều vết rạn nứt, bà Trương Thị Vĩnh (Tổ dân phố Đuống 2) cho biết: “Gia đình tôi sinh sống tại đây chưa bao giờ thấy xuất hiện tình trạng những vết nứt chạy dài và nguy hiểm như thế này. Cả gia đình tôi luôn thường trực tâm lý lo sợ, ăn, ngủ không yên”.

Theo bà Nguyễn Thị Nghị - Tổ Trưởng tổ dân phố Đuống 2, hiện tượng nhà dân bị nứt xảy ra ngày 3/9. Ngay sau khi có hiện tượng này, chính quyền địa phương đã nhanh chóng xuống hiện trường ghi nhận tình trạng của các hộ dân, kịp thời phối hợp với các đơn vị để có các biện pháp xử lý an toàn. Qua thống kê, có hơn mười hộ thuộc diện ảnh hưởng nghiêm trọng, bị lún nứt. Riêng một hộ chịu ảnh hưởng nặng nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Giá với 4 nhân khẩu đã được sơ tán đến nơi an toàn. Với trường hợp này, trước mắt, chính quyền địa phương đã hỗ trợ tạm thời 2 triệu đồng. 

Cần sớm khắc phục

Để làm rõ hơn thông tin, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Cương – Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên. Theo đại diện UBND thị trấn Yên Viên, thời điểm hiện tại, các vết hư hỏng, nứt vỡ lan đến nhà dân đã có dấu hiệu phát triển chậm lại song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Hiện chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến sự cố. Vừa rồi, chúng tôi đã hỗ trợ 2 triệu đồng cho hộ dân phải di dời khẩn cấp. Dự kiến thời gian tới sẽ di dời khoảng 12 hộ ở sát bờ kè sông” – ông Nguyễn Xuân Cương chia sẻ.

Nguyên nhân gây ra tình trạng lún nứt tại khu vực Đuống 2 là do nước trên sông chảy xiết, cuộn xoáy kết hợp với các đợt mưa lớn làm tốc độ dòng chảy tăng mạnh gây xói lở cục bộ. 

Liên quan đến câu chuyện sạt lở ven bờ sông Đuống, theo Tổ trưởng tổ dân phố Đuống 2, năm 2015 hiện tượng này từng xảy ra khiến UBND huyện Gia Lâm ra Công văn số 1074/TB-UBND thu hồi đất để thực hiện dự án “Xử lý cấp bách sạt lở bờ tả sông Đuống khu vực hạ lưu cầu Đuống thuộc địa bàn thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm”.  Theo quyết định này, có khoảng 62 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu thuộc diện thu hồi đất và di dời. Hộ nhiều thì có diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 70m2 như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Bể; hộ Trần Văn Hưng… diện tích ít là trường hợp gia đình hộ Chu Ngọc Chúc với dự kiến thu hồi khoảng 30m2. Đáng nói, dù có quyết định thu hồi và dự kiến di dời từ năm 2015, nhưng đến thời điểm hiện tại công tác này vẫn “án binh bất động”. 

Chia sẻ về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên, công tác di dời các hộ dân chưa triển khai vì còn phụ thuộc vào tiến độ dự án kè sông Đuống của Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. “Vấn đề này phụ thuộc vào dự án kè sông Đuống của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi dự án đó triển khai thì chắc các hộ dân đó sẽ di dời, tái định cư về khu vực khác” - ông Nguyễn Xuân Cương nói. 

Rõ ràng, việc các vết nứt, sụt lún xuất hiện ở khu vực mố cầu Đuống và công trình nhà ở của các hộ dân kế cận đang gây tâm lý hoang mang và bất an trong dư luận. Vấn đề này đòi hỏi các ngành chức năng liên quan sớm có biện pháp khắc phục xử lý. Bên cạnh đó, để xử lý tận “gốc” vấn đề, việc di dời các hộ dân nằm trong vùng sạt lở theo dự án năm 2015 cũng cần tích cực được triển khai. “Tình hình sạt lở đã trở nên cấp bách, chúng tôi chỉ mong dự án sớm đẩy nhanh tiến độ để 62 hộ nằm trong diện giải phóng mặt bằng sớm được di dời đến nơi an toàn. Chỉ có di dời như trường hợp 1 hộ dân vừa rồi người dân mới có thể ăn ở ổn định” - Tổ trưởng Tổ dân phố Đuống 2 bày tỏ nguyện vọng.

Cầu Đuống từng gặp sự cố lún, nứt

Cầu Đuống là tuyến giao thông huyết mạch giúp nối Hà Nội với Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn trên QL1 và Thái Nguyên trên QL3. Cầu có chiều dài 225m với thiết kế dành cho xe có tải trọng tối đa 30 tấn. Trong quá khứ, cầu Đuống cũng từng gặp sự cố lún nứt. Cụ thể, khoảng tháng 5/2009, cầu từng xuất hiện nhiều vết nứt cả trên và dưới mặt cầu, mặt cầu bị lún xuống hơn 10cm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân. Đến giữa tháng 9/2009, sự cố này cơ bản đã được các ngành chức năng khắc phục.

Đọc thêm