Người đàn ông của những nữ công nhân lầm lỡ

(PLO) - Hàng chục năm nay, người đàn ông luống tuổi vẫn hay dạo quanh  các khu trọ, đến từng phòng một tuyên truyền về pháp luật, về sức khỏe sinh sản. Những nữ công nhân trót dại mang thai được ông cưu mang. Ông làm đơn trình báo, hiến kế giảm thiểu tai nạn ngay khúc cua trước nhà. 
Sau khi ông Ba Định kiến nghị, chủ đầu tư đã cho xây lắp tấm barie nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông
Sau khi ông Ba Định kiến nghị, chủ đầu tư đã cho xây lắp tấm barie nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông
Ông Ba Định đỡ đẻ
Ông tên thật là Hồ Văn Định (SN 1950, ngụ phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương), người dân khu vực vẫn gọi với thân mật “ông Ba Định”. Nhiều năm nay, ông được biết đến như một người hào hiệp, hết lòng vì đời sống của công nhân, “bác sĩ” bất đắc dĩ của những người bị tai nạn giao thông, chỗ dựa của những công nhân lầm lỡ, mang thai ngoài ý muốn.  
Ông Ba Định trước đây là y sĩ trạm y tế xã Tân Thới, huyện Lái Thiêu (nay là phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An), sau chuyển về làm trạm trưởng trạm y tế phường Bình Hòa, rồi Trưởng phòng Hành chính Bệnh viện đa khoa Thuận An.  
Ông tâm sự, vào tuổi hưu trí, cuộc sống không phải túng thiếu nhờ những năm tháng cóp nhặt từng đồng lương y sĩ, ông “gỡ rối” trăn trở bấy lâu trong lòng là làm sao giúp được cho người, cho đời, nhất là những công nhân xa quê. 
Nhà ông có mấy phòng trọ. Ông từng chứng kiến những cuộc tình mà người con trai cao chạy xa bay khi hay tin người con gái mang thai. Ông từng xót xa nhìn những đứa trẻ chưa được ra đời đã nằm lại ở một gốc cây, một thùng rác nào đó. Vậy nên ông quyết tâm tuyên truyền cho công nhân ý thức hơn trong cuộc sống tiền hôn nhân, hiểu được lẽ đời.  
Ông kể: “Trước kia, khu vực Thuận An vắng vẻ, nhà cửa thưa thớt. Từ năm 2000 trở đi, khi những khu công nghiệp hình thành, lượng người từ khắp các tỉnh về đây làm công nhân tăng nhanh. Mà công nhân thì thiếu hiểu biết về vấn đề y tế, sức khỏe sinh sản. Những cặp đôi sống chung với nhau như thể bám víu chút tình cảm khi xa nhà”. 
Điều khiến ông Ba Định buồn phiền nhất là nữ công nhân mang bầu ngoài ý muốn. “Mọi sự đổ bể thì người con trai bỏ của chạy lấy người. Một thân một mình làm sao lo được cho cái thai. Thế nên nhiều cô gái phải đi phá bỏ. Hồi đó, nhiều lúc tôi bắt gặp cả những hài nhi nằm ở thùng rác, gốc cây là chuyện thường”, ông kể.
Gặp những nữ công nhân lầm đường lạc lối, rơi vào tình cảnh không biết tỏ cùng ai, ông lân la bắt chuyện. Ông kể: “Như trường hợp của cô Thảo, quê tận ngoài miền Trung. Có bầu, người yêu bỏ đi, ngày nào cô ấy cũng ôm mặt khóc đòi tự tử vì sợ biết chuyện gia đình trách mắng, nhục nhã. Tôi vẫn thường khuyên “cha mẹ nào không thương con. Dù biết là nhục nhưng sao nỡ trách mắng, bỏ rơi con lúc này. Con đừng có dại dột mà khiến cho cha mẹ đau buồn. Mọi chuyện rồi sẽ có cách giải quyết”.
Ông Ba Định phát tờ rơi tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho công nhân
 Ông Ba Định phát tờ rơi tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho công nhân
Cứ thế, hằng ngày, tôi đều khuyên nhủ, động viên, lúc mang cho ít quà bánh. Thấy có người chia sẻ, Thảo không định tự tử nữa. Tôi mới dò được địa chỉ, số điện thoại người thân. Tôi gọi điện báo tin, khuyên gia đình đừng nên trách mắng khiến Thảo phải buồn lòng. Con bé đã bị bỏ rơi một lần, giờ mà bị gia đình hắt hủi nữa thì chỉ có nước chết”.
Rồi ông Ba Định hằng ngày mang gạo, mang thức ăn đến cho Thảo. Khi đứa trẻ còn độ 1 tháng sẽ ra đời, ông gọi điện báo cho người thân Thảo biết, hẹn ở ga tàu hỏa nào đó gần nhà nhất để đón con. Rồi đích thân ông lên tận ga Sài Gòn mua vé tàu, chở Thảo đến nơi, dúi vào túi Thảo một số tiền làm quà rồi mới trở về. Không chỉ mình trường hợp của Thảo, ông Ba Định đã kinh qua nhiều trường hợp tương tự.
Không chỉ giúp nữ công nhân lầm lỡ, ông Ba Định còn được biết đến như một “ông mụ”.  Ông kể: “Khi còn ở trạm y tế, ở bệnh viện hay lúc về hưu, mỗi khi gặp trường hợp đẻ “rơi” ngay phòng trọ, người ta lại chạy đến nhờ tôi. Công việc đỡ đẻ ngày xưa tôi đã từng làm nhiều lần, nhưng khi ở trạm y tế thì thiết bị có, nhân viên có. Đằng này ở ngay chính phòng trọ thiếu đồ nghề khiến đôi lúc tôi cũng run tay. Có trường hợp tôi đến nơi thì đứa trẻ đã sinh ra, có trường hợp phải xoắn tay vào đỡ đẻ ngay tại chỗ chứ cấp bách quá, không kịp đưa đến bệnh viện nữa”.
Ông chỉ đỡ đẻ cho những trường hợp có đầy đủ vợ chồng. Còn những trường hợp lầm lỡ, ông chưa bao giờ dám để họ vượt cạn một mình. Bởi theo ông: “Chuyện sinh đẻ đâu phải chuyện thường. Mới sinh, sức khỏe yếu phải có người chăm sóc. Rồi chăm con nhỏ hàng tháng trời, tiền bạc đâu mà sống. Vì thế, tôi cố gắng khuyên răn những trường hợp “thân cô thế cô” nên trở về nhà”.
Khúc cua ông Ba Định
Nhà ông Ba Định nằm ngay “khúc cua tử thần”. Hàng chục người phóng nhanh, vượt ẩu, không quen đường đã phải bỏ mạng. Chuyện tai nạn giao thông trước nhà ông là chuyện “thường ngày ở huyện”. Vậy nên ông trở thành một bác sĩ bất đắc dĩ, chuyên cấp cứu cho người gặp nạn trước khi đưa đến bệnh viện hoặc trong lúc chờ xe cứu thương.
Ông Ba Định
 Ông Ba Định 
“Khúc cua khủyu tay nhưng người ta thiết kế lại không có độ nghiêng. Vì thế, chỉ cần chạy xe với tốc độ tầm 50km/h là tông ngay vào lề đường. Những người không quen đường, chạy ban đêm thường bị tai nạn. Lúc trước, mỗi đêm có đến vài vụ là thường. Nghe cái “ầm” là tôi lại phải chồm dậy, xách thùng y tế chạy ra xem thế nào”, ông kể.
Tai nạn xảy ra liên tục đến độ cây cối được trồng trên vỉa hè ở khúc cua này không bao giờ lớn nổi. Cứ tươi tốt một chút lại bị xe tông vào nát bét. Ông lại phải chăm sóc cả những cái cây để cản bớt tốc độ. Bao nhiêu năm nay, bất kể ngày đêm, ông đều túc trực cứu người. Sau khi người bị nạn được cấp cứu, băng bó. Ông gọi taxi, gọi xe ôm và gọi cả xe ba gác, miễn là một thứ phương tiện có thể đưa người bị nạn đến được bệnh viện sớm nhất.
Trước đây, khúc cua này không có tên. Hành động của ông khiến công an giao thông, bệnh viện, người dân khu vực vẫn thường gọi “cua ông Ba Định”. Chỉ cần một cuộc điện thoại “có tai nạn ở cua ông Ba Định” là người ta biết ngay ở đâu. Thế rồi, tự nhiên cái tên ông được gắn liền với một địa danh, chỉ có điều đó là một “điểm đen giao thông”.
Thấy khúc cua trước nhà mình xảy ra quá nhiều tai nạn, ông viết đơn phản ánh đến UBND tỉnh, đến chủ tịch tỉnh và nhà đầu tư, đưa đơn đến tận nơi, kiến nghị nhiều giải pháp giảm thiểu tai nạn. Rồi người ta cũng chịu nghe ông, nhà đầu tư cho kỹ sư đến nghiên cứu. 
Nhưng điều ông vẫn luôn thắc mắc tại sao nhà đầu tư không cho làm lại khúc cua này có độ nghiêng. Họ lại cho người làm những tấm lưới sắt barie chắn trên vỉa hè và làm những con lươn giảm tốc. “Tuy nhiên từ ngày có những con lươn giảm tốc và tấm barie, tai nạn đã giảm rõ rệt”, ông chia sẻ.
Người bị nạn, ông cấp cứu, giữ hộ tài sản. Bà bầu có hoàn cảnh khó khăn ông cho lời khuyên, cho tiền, cho thức ăn. Nhưng nếu gọi ông là “bác sĩ”, ông sẽ ái ngại phân trần: “Tôi chỉ là một y sĩ thôi. Chuyên môn không có nhiều. Biết chút ít chuyên môn, chứ hồi còn đi làm, công việc chủ yếu của tôi là hành chính”.
Đến nay, ông đang giữ chức hội trưởng hội chủ nhà trọ, thường đi khắp các nhà trọ mỗi buổi chiều để phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật, về sức khỏe sinh sản, ghé lại trò chuyện, lắng nghe những tâm tư của công nhân, của những người ở trọ. Ông nói: “Làm được điều tốt, trong lòng vui sướng lắm”./.

Đọc thêm