Người đàn ông dành cả cuộc đời... chuốt lồng chim

(PLO) - Là người duy nhất được phong danh nghệ nhân, ông Nguyễn Văn Nghệ ở làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đã gắn gần cả cuộc đời xây dựng thương hiệu “lồng chim làng Vác”.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ tỉ mỉ trong thiết kế lồng chim.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ tỉ mỉ trong thiết kế lồng chim.

Căn nhà cấp 4 của ông Nghệ nằm sâu trong ngôi làng cạnh dòng sông Đáy. Trên thềm hè, thường trực cảnh người đàn ông tỉ mỉ mài, chuốt... từng chiếc vành lồng chim.

Nghề do ông cha truyền lại

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ (61 tuổi) là thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống làm lồng chim có tiếng tại làng Vác.

Tiếp xúc với nghề làm lồng chim từ khi ấu thơ, ông Nghệ cho biết “nghề làm lồng chim là một nghề thủ công khó, cần người thợ có bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ và thực sự đam mê với công việc” 

Theo lời ông Nghệ, nguyên liệu làm lồng chim lấy từ tre hoặc nứa, được thu mua từ Phú Thọ, Hòa Bình. Sau khi sơ chế, nguyên liệu được phân loại phù hợp để làm từng bộ phận của lồng chim. Có được nguyên liệu thô, người thợ phải kỳ công thao tác cuốn vòng khung, vót nan, tách khấc, đục lỗ, trạm trổ… đến khi cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. 

“Giá trị của sản phẩm phụ thuộc vào chất liệu sử dụng, cũng như công sức người nghệ nhân bỏ ra. Hiện tại sản phẩm thấp nhất của gia đình có giá 300 nghìn và cao nhất lên tới 10 triệu đồng. Một ngày nghệ nhân có thể làm được 3-4 sản phẩm bình dân, nhưng với sản phẩm đặt mua cao cấp, có khi phải mất đến cả tháng để hoàn thiện”, ông Nghệ chia sẻ. 

Sản phẩm lồng chim đã hoàn thiện và được bán ra thị trường do nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ làm.
Sản phẩm lồng chim đã hoàn thiện và được bán ra thị trường do nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ làm.

Chưa một lần có ý định bỏ nghề…

"Ngày nhỏ chỉ xem bố và các chú làm, đến khi biết động tay vào thanh nứa, cầm dao vót nan, nẹp từng vòng cuốn, trạm những đường nét hoa văn đầu tiên trên chiếc lồng chim…. thì tình yêu nghề không biết đã sâu đậm lúc nào không hay. Chỉ biết rằng trong từng ấy năm, hàng ngày tiếp xúc với nó chưa một lần tôi có ý định sẽ từ bỏ cái nghề của cha ông để làm một công việc có thu nhập cao hơn”, ông Nghệ tâm sự.

Nghề nào cũng gặp phải những khó khăn ban đầu trước khi định hình được danh tiếng, nghề làm lồng chim cũng không ngoại lệ. Ông Nghệ kể, thời khó khăn nhất với những người làm lồng chim làng Vác là thời kì Mỹ đánh phá. Ngày ấy ông cùng bố đạp xe đạp đi khắp ngõ ngách Hà Nội, cả ngày trời mới bán được một vài chiếc.

Khi nhu cầu của xã hội tăng lên, sản phẩm bán chạy hơn, chất lượng sản phẩm cũng được chú trọng cải thiện. Đến nay sản phẩm lồng chim làng Vác đã trở thành một thương hiệu quen thuộc với nhiều người có thú chơi chim trong và ngoài địa bàn. 

Một góc nhỏ trưng bày sản phẩm lồng chim của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ.
Một góc nhỏ trưng bày sản phẩm lồng chim của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ luôn tìm kiếm những niềm vui chứa đựng trong công việc và biến nó thành động lực để không ngừng phấn đấu.

“Với mỗi sản phẩm dù có giá trị cao hay thấp, cá nhân tôi đều dành cả tâm huyết vào trong đó. Niềm vui lớn nhất là khi sản phẩm đến tay khách hàng và họ thực sự ưng ý khi dành những lời khen. Hiện có không ít khách ngoại tỉnh đến đặt hàng thông qua bạn bè giới thiệu”, ông Nghệ hồ hởi chia sẻ. 

Danh tiếng bay xa, thương hiệu lồng chim làng Vác hiện thu hút rất nhiều nhà buôn từ các tỉnh thành đến thu mua. Không ít sản phẩm cao cấp được xuất khẩu ra các nước Đức, Anh, Pháp… 

Là nghệ nhân nổi tiếng của làng nghề lồng chim phố Vác, ông Nghệ cũng thường xuyên được mời tham gia các lễ hội triển lãm làng nghề truyền thống dân tộc. Đây là cơ hội tốt để ông có thể giới thiệu đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước một sản phẩm đặc sắc của địa phương mình. 

Dành trọn tình yêu cho nghề, nghệ nhận Nguyễn Văn Nghệ rất vui khi thấy thương hiệu lồng chim của địa phương tạo dựng được một chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng
Dành trọn tình yêu cho nghề, nghệ nhận Nguyễn Văn Nghệ rất vui khi thấy thương hiệu lồng chim của địa phương tạo dựng được một chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng

Đọc thêm