Người gác Âm linh tự đã về với các hùng binh Hoàng Sa

(PLO) -Ngày 19/2, hàng nghìn người dân đã có mặt ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) tiễn đưa cụ Võ Hiển Đạt - “ông đồ Hoàng Sa” về nơi yên nghỉ cuối cùng. Trong suốt cuộc đời của mình, cụ Đạt liên tục mày mò, nghiên cứu học chữ Hán, cần mẫn sưu tầm nhiều tư liệu quý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. 
Cả đời cụ Đạt cần mẫn sưu tầm nhiều tư liệu quý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Cả đời cụ Đạt cần mẫn sưu tầm nhiều tư liệu quý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Người phục dựng Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Tin cụ Võ Hiển Đạt, người hơn 60 năm gác miếu thờ Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn rời cõi tạm để về với tổ tiên hôm 16/2 vừa qua làm cho những ai quan tâm đến nghi thức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tồn tại suốt mấy trăm năm nay ở hòn đảo này đều cảm thấy hụt hẫng dù cụ năm nay đã bước sang tuổi 85. 

Theo các bậc cao niên ở Lý Sơn, cụ Đạt như một bến đỗ đầy ắp ký ức về những chuyến hải hành của cha ông ta chinh phục Hoàng Sa từ hơn 300 năm trước. Cũng chỉ là nghe kể lại thôi, nhưng với cụ Đạt, còn hơn cả việc lưu giữ, cụ biết hâm nóng để những ký ức đó luôn tươi mới với hậu thế. 

Như một sự tiếp nối, cụ nội nhà cụ được làng An Vĩnh đảo Lý Sơn trao cho sứ mệnh cai quản Âm Linh tự, tức miếu thờ các binh phu đã ngã xuống trong quá trình bảo vệ chủ quyền lãnh hải tại Hoàng Sa, sang đời người cha rồi đến cụ Đạt đều làm “ông từ” gác ngôi đền quá đỗi thiêng liêng này. Mãi đến năm 2010, khi các bài vị cuối cùng của những binh phu hy sinh tại Hoàng Sa được dời về đình An Vĩnh, cụ Đạt mới kết thúc sứ mệnh của mình.

Nhưng có lẽ điều mà người dân Lý Sơn cũng như tất cả những ai quan tâm đến Hoàng Sa đều tri ân cụ Đạt. Bởi chính cụ đã góp phần phục dựng lại một cách đầy đủ và bài bản toàn bộ Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa mà suốt gần 10 năm qua nhiều người đã chứng kiến. 

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thường được tổ chức vào cuối tháng Tư âm lịch hàng năm, đây là hoạt động tâm linh của người dân huyện đảo Lý Sơn. Lễ hội này không chỉ nhằm tri ân những người lính trong Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nghi lễ truyền thống quan trọng nhất là hoạt động thả thuyền. Những chiếc thuyền được làm theo kiểu thuyền câu của ngư dân, bên trong có hình nhân thủy binh với các vật dụng tùy thân. 

Cũng chính cụ đã trở thành cố vấn đặc biệt để phục dựng lại những hình nhân thế mạng trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, rồi cụ lại “cầm tay chỉ việc” cho những người thợ đóng hai chiếc thuyền câu giống y chang như những chiếc thuyền câu mà các đội binh phu ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền lãnh hải từng dùng năm xưa.

Theo các bậc cao niên nơi đây, để làm những chiếc thuyền phục vụ lễ phải lên trên đỉnh núi Thới Lới lấy đất sét nặn ra những hình nhân thế mạng (tượng trưng cho những người lính) giao cho thanh niên trong làng. Những thanh niên này phải khỏe mạnh, có lối sống đạo đức tốt mới được tham gia.

Cả đời cụ Đạt cần mẫn sưu tầm nhiều tư liệu quý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Cả đời cụ Đạt cần mẫn sưu tầm nhiều tư liệu quý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. 

Người có uy tín hơn nhận nhiệm vụ tìm kiếm các chất liệu để đóng thuyền bao như gỗ, tre cật, dầu rái... Đặc biệt những người trực tiếp tham gia đóng thuyền phải là người cao niên và có uy tín trong các dòng tộc trên đảo.

Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi nhớ lại lúc ông đi điền dã để lấy tư liệu làm luận án tiến sĩ về văn hóa miền biển cách nay 21 năm:

“Tôi chọn đề tài về các lễ hội vùng biển Quảng Ngãi nhưng thanh lọc mãi thì cũng chỉ có Lễ Tống ôn ở Lý Sơn mới hợp với đề tài mình cần. Tìm hiểu kỹ lễ này, hóa ra là một phần của nghi lễ tiễn các binh phu ra Hoàng Sa thuở trước. Tống ôn thực chất là tống những xui rủi ra khỏi nhà mình nhân đầu năm mới”.

“Lính ra Hoàng Sa thì dân làng làm lễ đưa tiễn, sẵn đó xua đuổi luôn những rủi ro cho họ trong quá trình ra Hoàng Sa đồn trú 6 tháng. Tìm gặp các bô lão trên đảo Lý Sơn thì người nhớ, kẻ quên lễ này. May quá tôi gặp cụ Đạt, như thể cụ đợi tôi từ tiền kiếp để trao truyền toàn bộ các bước của lễ hội này vậy. Đó là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa”, ông Vũ cho biết.

Cả đời gìn giữ di tích Hải đội Hoàng Sa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cụ Đạt cũng là một trong hai cụ già ở Lý Sơn tiếp xúc sớm với “Tờ lệnh” mà vua Minh Mạng điều binh phu ra Hoàng Sa từ năm 1835 đã được dòng họ Đặng ở Lý Sơn lưu giữ mấy trăm năm qua.

Theo di chỉ từ đầu triều Nguyễn, hàng năm triều đình ra lệnh cho huyện đảo Lý Sơn phải rút 70 tráng dân xung vào Hải đội Hoàng Sa được cấp mỗi người 6 tháng lương và 1 chiếc chiếu, 3 sợi mây, 7 nệp tre, 1 thẻ tre để ghi danh tính. Mỗi khi chết thì bó lại và thả xuống biển may ra trôi dạt vào bờ có người vớt chôn cho biết tên họ.

Hải đội Hoàng Sa này dùng thuyền buồm để tuần tra canh gác vùng biển, đồng thời tìm bắt hải sản, thu gom sản vật đem về nộp cho triều đình, cứ tháng 2 đi cuối tháng 8 âm lịch trở về. Chèo khoảng 3 ngày, 3 đêm thì đến quần đảo Hoàng Sa nếu biển lặng và thuận gió.

Sáu tháng trên biển phải đối phó với trăm nghìn nguy hiểm, có thể mất mạng bất kỳ lúc nào. Nhưng có những lúc đi không thấy trở về, từ đó có câu ca dao lưu truyền: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Ông Võ Văn Út (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) cho biết, từ lâu người dân trên đảo kính mến cụ Đạt như người thầy, người cha. Ông có công rất lớn trong việc tu sửa, khôi phục, gìn giữ di tích của Hải đội Hoàng Sa trên đất đảo suốt nhiều năm qua.

“Tôi còn nhớ như in bài văn tế Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm trước của cụ Đạt. Cụ viết: “Hỡi ơi, đất nước Việt Nam trải bao phen lao khổ. Nghĩ đến kẻ điêu linh từ thuở nọ. Chi hay sinh kề ký tử hề quy, ra đi có mấy người trở lại… Xả thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng, ngang dọc chí nam nhi. Phong ba dồn dập, tuyết sương chẳng quản, mưa nắng chẳng sờn, Hoàng Sa lãnh hải biển cả mênh mông”.

Rồi mới đây, bất chấp tuổi già, cụ Đạt đã đi khắp đảo Lý Sơn để thống kê số miếu cũ, nơi lưu lại dấu vết của tiền nhân trong quá trình khai phá đảo Lý Sơn. Công việc đang dang dở thì cụ lại quy tiên”, ông Út bùi ngùi cho biết. 

Cụ Đạt đã góp phần phục dựng lại một cách đầy đủ và bài bản toàn bộ Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Cụ Đạt đã góp phần phục dựng lại một cách đầy đủ và bài bản toàn bộ Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Theo ông Nguyễn Đăng Vũ, cụ Đạt là người sống rất mực thước, luôn sẵn sàng đem công sức của mình cống hiến cho huyện đảo Lý Sơn. Lúc nào ông cũng luôn tự hoàn thiện mình, ai góp ý kiến gì cũng sẵn sàng lắng nghe, sửa lại những điều thấy chưa hợp lý; luôn tự học, tự nghiên cứu tài liệu, sách vở mỗi ngày, nhất là trong kho sách, tài liệu chữ Hán, Nôm.

“Công lao lớn nhất của cụ Đạt là trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, nhất là khi di sản văn hóa cổ truyền được khuyến khích trùng tu, tôn tạo, phục hồi, trao truyền. Hầu hết di tích ở đảo Lý Sơn đều có bàn tay của cụ góp vào như viết các hoành phi, liễn đối bằng Hán Nôm, vẽ các hoa văn, họa tiết; phục hồi các bài văn tế cổ, viết các bài văn tế mới các đình làng…

Năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận nghệ nhân văn hóa dân gian ghi nhận cụ Đạt đã dành trọn đời mình vì tình yêu biển đảo, góp phần to lớn bảo tồn di tích Hải đội Hoàng Sa”, ông Vũ cho biết.

Đọc thêm