Người già Trung Quốc chật vật bắt kịp ATM

(PLO) - Nền kinh tế không tiền mặt của Trung Quốc đang đe dọa đẩy những người già, và cả tiền của họ, ở lại phía sau.
Hình minh họa
Hình minh họa

Hiện đại – hại điện?

Một tay cầm điện thoại di động, tay còn lại cầm chuỗi hạt bằng gỗ trên tay, ông Zhang Siqi vui vẻ hòa vào dòng những người già đã về hưu đang đứng xếp hàng chờ thanh toán vào giờ cao điểm buổi sáng tại một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở Bắc Kinh. 

Đến lượt mình, ông Zhang nhanh nhẹn mở ứng dụng thanh toán WeChat trên điện thoại và quét mã thanh toán tiền mua trái cây và một gói thuốc lá. Phương thức thanh toán tiên tiến này đang trở nên cực kỳ phổ biến tại Bắc Kinh và các thành phố lớn của Trung Quốc, đến mức các chuyên gia bắt đầu coi thủ đô của Trung Quốc là điển hình của xã hội không có tiền mặt trong tương lai. 

Theo thông tin của tờ Wall Street Journal, trong năm 2017, tổng các giao dịch thanh toán qua điện thoại ở Trung Quốc đã đạt mức 15.000 tỉ USD, vượt xa Mỹ. Tuy nhiên, việc này cũng đang đặt ra những thách thức đáng kể, nhất là với người già.

Ông Zhang, hiện 63 tuổi, có thể sử dụng trang mạng xã hội WeChat và các tính năng thanh toán trên điện thoại di động từ vài năm nay. Thế nhưng, không phải tất cả những công dân lớn tuổi ở Trung Quốc đều có thể làm được như vậy. 

“Nhiều người già cho biết họ thấy khó có thể bắt kịp với công nghệ. Nhiều người đã nghỉ hưu mắt kém đến mức họ gần như không nhìn được màn hình. Một số người khác lại có trí nhớ không tốt nên không thể nhớ được cách sử dụng các ứng dụng thanh toán hiện đại”, ông Zhang cho biết.

Sự bất cập này thể hiện rõ nét ở một đoạn video ghi lại cảnh một cụ già ở miền bắc Trung Quốc đã phải chật vật mãi mới thanh toán được tiền mua một túi nho được đăng tải lên mạng xã hội gần đây. Trong đoạn video này, nhân viên thanh toán tại siêu thị yêu cầu cụ ông phải thanh toán bằng ứng dụng nhưng cụ già khăng khăng không biết sử dụng bất cứ ứng dụng nào.

Cụ già đã tức giận cãi nhau với người thanh toán, buộc người này cuối cùng phải cho ông thanh toán bằng tiền mặt. Rất nhiều người xem đoạn video đã tỏ ra thông cảm với khách hàng già dù việc làm của cụ không được khuyến khích.

Nhiều người cho rằng đoạn video đã cho thấy rõ tình cảnh “bị bỏ lại phía sau” của những người già tại Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang dần chuyển nhanh tới một xã hội thanh toán di động. Vấn đề này càng trở nên phổ biến và cần có những biện pháp để xử lý hơn khi dân số của Trung Quốc đã lên đến 1,3 tỉ người và số người già từ 60 tuổi trở lên ở nước này được dự báo sẽ tăng thêm 100 triệu người trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2030, lên thành hơn 300 triệu người. 

Theo ông Feng Wang, một giáo sư tại trường Đại học Fudan ở Thượng Hải, sự  thay đổi về phương thức thanh toán như vậy sẽ là phép thử đối với khả năng của Chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu dịch vụ đang ngày càng gia tăng ở nước này. 

Với việc ngân hàng trung ương Trung Quốc năm nay đã đẩy mạnh việc từ chối tiền mặt, sự chia rẽ về các phương thức thanh toán nhiều khả năng sẽ trở thành một thách thức với nền kinh tế nước này. 

Bình luận trên tờ Chính sách đối ngoại, chuyên gia về công nghệ Rui Zhong tại Trung tâm Wilson trực thuộc Viện nghiên cứu Kissinger về Trung Quốc và Mỹ cảnh báo rằng: “Các hình thức thanh toán trên thiết bị di động đang đào sâu vào những ranh giới giữa người già và người trẻ, giữa tầng lớp trung lưu ở các vùng đô thị thịnh vượng và những người bị bỏ lại phía sau bởi sự bùng nổ của thời cuộc”. 

Theo ông Rui Zhong, việc thiếu quản lý hiệu quả trong quá trình chuyển đổi từ các hình thức thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán bằng di động của chính quyền các địa phương cũng có thể ngăn những người già và người nghèo gia nhập nền kinh tế tiêu dùng ở thời điểm Chính phủ Trung Quốc đang kích cầu nhiều nhất có thể.

Nhiều biện pháp hỗ trợ

Nhận thức được những bất cập đang đặt ra, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc và một số tổ chức thời gian qua đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ người già thích ứng với thời cuộc. 

Ví dụ, từ năm 2011, ông Jiaxin “Jason” Zhang – người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của trung tâm dịch vụ người tình nguyện See Young, là từ chơi chữ dùng để chỉ những người đã ở tuổi xế chiều ở Trung Quốc – đã hợp tác với một số bên để mở các lớp miễn phí cho người già nhằm giúp họ có thể làm quen với công nghệ.

Đội quân các tình nguyện viên là sinh viên các trường đại học của ông đã tổ chức nhiều buổi chỉ dẫn về những khái niệm công nghệ cơ bản cho người già, hướng dẫn họ sử dụng công nghệ vào các mục đích cá nhân. 

Hình minh họa
Hình minh họa

Tại các lớp học này, những người già được hướng dẫn về nhiều kỹ năng như cách thức liên lạc qua WeChat để giúp họ có thể giữ liên lạc với người thân, mua sắm và thanh toán trực tuyến hoặc đơn giản hơn là tải nhạc, chơi game… Một đích quan trọng khác của những lớp học như vậy là trang bị cho người già những kỹ năng cần thiết để tránh những âm mưu lừa đảo trên mạng. 

“Ban đầu, nhiều người già còn ngại ngùng không tích cực học nhưng sau đó, họ bắt đầu dần thích thú và hào hứng tham gia. Những lớp học như vậy không chỉ giúp họ bắt kịp yêu cầu của cuộc sống mà còn trở nên năng động hơn, giao lưu nhiều hơn”, ông Jason Zhang cho biết. 

Hôm 15/11 vừa qua, giới chức khu dân cư Hujialou ở Bắc Kinh cũng đã khởi động một chương trình mới, cung cấp các khóa học về công nghệ cho người già ở đây. Ngoài công nghệ, các lớp học này còn cung cấp các bài học về các môn như tâm lý học và lịch sử để người già có cơ hội mở mang kiến thức.

Mặc dù vậy nhưng các lớp học như vậy chưa đến được hết với những người già ở Trung Quốc. Điển hình có thể kể đến bà Li Suzhi. Gần đây, bà đã chuyển từ thị trấn Moguqi ở khu vực Nội Mông tới Bắc Kinh.

Mới 45 tuổi nhưng khi mới đến bà cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Bởi, theo bà, việc  thanh toán bằng điện thoại đến nay vẫn chưa phổ biến ở các thị trấn nhỏ của Trung Quốc. Và ở những nơi này cũng không có các lớp học để hướng dẫn người già bắt kịp vưới công nghệ. 

Từng có 10 năm nghiên cứu về khoảng cách giữa khu vực nông thông và thành thị ở Trung Quốc, nhà tâm lý học người Canada Michael Phillips cho biết có khoảng 10% những người mà ông từng gặp chưa bao giờ sử dụng máy tính. 

“Vì vậy, để nền kinh tế phi tiền mặt thâm nhập được tới các vùng nông thôn của Trung Quốc sẽ cần khá nhiều thời gian”, ông Phillips nhận định. Song, ông này cho rằng vấn đề cơ bản với người già ở Trung Quốc không phải là công nghệ mà đó là sự ấm áp và kiên nhẫn. “Tôi hy vọng sẽ có thêm những lớp hướng dẫn người già cách sử dụng công nghệ và những lớp học như vậy sẽ vươn xa hơn tới các khu vực nông thôn”, ông nói.

Tại Anh, kết quả khảo sát của tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ người già ở nước này có tên Anchor cho biết, có khoảng 24% những người già nói rằng họ không còn đi mua sắm kể từ khi việc thanh toán tự động được áp dụng. Theo họ, máy thanh toán tự động là thứ “đáng sợ”, không thân thiện, khiến họ không còn có người để có thể nói chuyện.

Và, khi không có người để có thể tán gẫu cùng, việc mua sắm có thể trở thành một trải nghiệm đau khổ khiến họ không còn muốn làm. 60% những người được hỏi cho biết họ không đi mua sắm nữa vì sợ thiếu chỗ để có thể ngồi nghỉ tại các trung tâm mua sắm hay ở các tuyến phố sầm uất. Kết quả là, ngày càng có nhiều người già cảm thấy thu mình lại, không còn muốn tham gia các hoạt động mua sắm.

Từ kết quả trên, Anchor cảnh báo rằng những máy thanh toán tự động có thể khiến sự cô đơn và cô lập của người già trở nên trầm trọng hơn. “Trước kia, nhiều người biết rõ những người bán hàng, thậm chí còn có thể trở nên thân quen với nhau. Thế nhưng, bạn không nói chuyện với một cỗ máy”, ông Mario Ambrosi, người phát ngôn của Anchor, cho biết.

Tổ chức này cũng cho rằng, với việc số người già đang ngày càng gia tăng nhanh chóng như hiện nay, đến cuối thập kỷ tới, những nhà bán lẻ có thể tổn thất đén 4,5 tỉ bảng Anh (tương đương hơn 5,7 tỉ USD) mỗi năm nếu người già không còn đến các cửa hàng.

Đọc thêm