Người giao liên của gia đình liệt sĩ

(PLO) -Đến thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội), hỏi người cựu binh già Phạm Song Toàn thì ai cũng biết. Đã gần 80 tuổi, lưng còng, sức yếu lại bị nặng tai nhưng hàng tuần ông Toàn vẫn đều đặn gửi hàng chục lá thư về thông tin phần mộ liệt sĩ đến thân nhân các gia đình của họ.
Dùng hết lương hưu để gửi thư
Việc làm cao quý của cựu chiến binh ấy đã diễn ra nhiều năm nay. Cứ vào buổi trưa hàng tuần, ông không ngủ mà lật đật lấy chiếc đài catset mở chương trình “Nhắn tìm đồng đội” để ghi chép về thông tin địa chỉ của các liệt sĩ chưa được đoàn tụ với gia đình. 
Bị lãng tai nên ông Toàn phải ghé sát tai vào chiếc radio nơi phát ra tiếng nói. Dù đã gắng sức nghe và ghi chép rất nhanh nhưng dường như người cựu chiến binh già vẫn không thể đuổi kịp tiếng nói của phát thanh viên. Thế nên suốt cả chương trình, nhiều khi ông chỉ kịp ghi lại toàn vẹn thông tin của một, hai liệt sĩ.
Mãi đến đầu năm 2014, ông được Hội Cựu chiến binh TP.Hà Nội tặng một chiếc máy ghi âm. Với chiếc máy này, mỗi lần đến chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội” ông chỉ cần mở to và ghi âm lại. Nhờ vậy mà ông có thể chậm rãi ghi lại đầy đủ về thông tin của tất cả các liệt sĩ trong buổi phát sóng hôm ấy.
Sau mỗi lần ghi chép, ông lại cẩn thận nắn nót viết từng chữ gửi đến gia đình liệt sĩ: “Thông tin phần mộ liệt sĩ. Theo dõi thông tin những người con hy sinh vì Tổ quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam tôi đã ghi: Liệt sĩ Nguyễn Văn Bằng, sinh năm 1956, quê ở xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, Nam Định, hy sinh ngày 27/4/1975, quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nếu gia đình chưa biết có điều kiện vào thăm viếng liệt sĩ. Nhận được thư mong hồi âm của gia đình. Điện thoại: 01234672502. Chào thân ái”.
Cựu chiến binh Phạm Song Toàn bên chiếc đài Cát-set để ghi chép thông tin liệt sĩ
Cựu chiến binh Phạm Song Toàn bên chiếc đài Cát-set để ghi chép thông tin  liệt sĩ 
Rồi trên chiếc xe đạp cọc cạch, ông chầm chậm đem những lá thư mang đến Điểm bưu điện văn hóa xã gửi và khấp khởi hy vọng sẽ có thêm một liệt sĩ nào đó được đoàn tụ với gia đình. Dù rằng theo lời ông nói, suốt mấy năm nay ông đã gửi không biết bao nhiêu lá thư, cũng có người nhận được rồi hồi âm lại, cũng có những lá thư gửi đi rồi im lặng mãi, không biết đã đến tay gia đình liệt sĩ đó hay chưa. Rồi ông lại tự an ủi mình: “Chắc gia đình người ta nhận được rồi, đã biết thông tin về phần mộ của cha, chú mình rồi nhưng họ ngại phiền mình thêm nên không hồi âm”.
Lương hưu của người cựu chiến binh già ấy chỉ vỏn vẹn hơn một triệu đồng, nhưng ông không thấy tiếc khi bỏ hết cả số tiền lương hưu ít ỏi của mình để mua sổ ghi chép, phong bì, tem gửi thư. Ngoài 70 tuổi, ông vẫn không ngừng lao động. Ông nhận trông nom nghĩa trang liệt sĩ của địa phương, đi trồng cây bóng mát trên những con đường làng, ông trồng rau, rồi trông chắt. Quỹ thời gian mỗi ngày 12 tiếng với ông dường như không đủ.
30 lần vào miền đất lửa 
Được biết, cựu chiến binh Phạm Song Toàn đi bộ đội từ năm 25 tuổi và đóng quân tại Quảng Trị. Năm 1973 ông phục viên trở về quê hương. Tại địa phương, ông tiếp tục lao động cống hiến khi công tác tại Ban Công an xã, sau đó là Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp…
 Đến tuổi về hưu, năm 1985 ông Toàn bắt đầu hành trình tìm mộ liệt sĩ của mình. Ông bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, sau khi nghỉ hưu thì gia đình liệt sĩ Bùi Thanh Huệ, người đồng đội từng đóng cùng đơn vị với tôi đến hỏi về tung tích của liệt sĩ và nhờ đi tìm giúp phần mộ chí của liệt sĩ. Tôi nhận lời rồi ngay lập tức đạp xe ra Hà Nội hỏi thăm tung tích của liệt sĩ này thì nhận được thông tin liệt sĩ Huệ đã hy sinh và người chôn cất ở đơn vị Sư đoàn 325, quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Có thông tin, tôi vội vàng đạp xe lên Bắc Giang và lại được thông tin liệt sĩ Huệ được an táng tại bến 5, bãi Mít, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Ninh, tỉnh Quảng Trị”.
Đã có địa chỉ về nơi chôn cất của liệt sĩ Huệ nhưng phải đến tháng 7 năm 1995 ông mới có điều kiện vào Quảng Trị. Ông đi nhờ xe khách của một người làng vào thị trấn Vĩnh Ninh, mang theo cả chiếc xe đạp cà tàng của mình để tiện đi lại. Xuống đến thị trấn, do chủ quan không mang theo thức ăn, nước uống nên khi leo được lên tới bãi Mít thì bụng đói meo, miệng khô vì khát.
Đến nơi, phần mộ của liệt sĩ Huệ đã được quy tập đến nơi khác, ông lại mò mẫm dắt xe tìm cách đi xuống. Phần vì đói, phần vì khát ông tưởng như không còn sức để đi tiếp nữa. Ông phải tìm suối để uống nước. Đến chập tối thì ông ra đến làng Mới của đồng bào Vân Kiều. Sau bữa tối là sắn luộc, người cựu chiến binh mệt quá lăn ra ngủ thiếp đi, đến sáng hôm sau mới tỉnh dậy đạp xe về thị trấn. 
Ông vào nghĩa trang trung tâm thị trấn hỏi thăm thì được biết mộ chí của liệt sĩ Huệ đã được quy tập về huyện Đông Hà. Ông lại tất tưởi đón xe khách vào Đông Hà, vì trời nắng lại không được tắm rửa nên quần áo hôi hám, những người khách đi cùng chuyến xe với ông đều tìm cách lánh xa chỗ ông ngồi. Vào đến Đông Hà, phần mộ của liệt sĩ Huệ cũng không có tại đây nên ông đành thất thểu ra về. 
Nay tuổi đã già không thể đi tìm mộ liệt sĩ như trước, nhưng ông vẫn âm thầm nghe radio với hy vọng giúp đưa được phần mộ liệt sĩ về với gia đình. Với việc làm đáng quý, đáng ca ngợi ấy, ông đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND và Hội Cựu chiến binh huyện Thường Tín và nhiều giấy khen vinh dự khác./.
Từ năm 1995 đến năm 2007, ông Phạm Song Toàn đã 30 lần vào Quảng Trị, ghi chép thông tin quê quán liệt sĩ rồi gửi đăng trên Báo Hà Tây (cũ). Tổng cộng, người cựu chiến binh ấy đã đi qua 39 nghĩa trang và ghi chép được gần 3.000 thông tin quê quán liệt sĩ, đã cùng với gia đình đưa hơn 100 liệt sĩ trở về quê nhà và giúp rất nhiều gia đình khác có được thông tin về phần mộ liệt sĩ của cha, chú mình.

Đọc thêm