Người hồi sinh con giống bột Trung thu hàng trăm tuổi

(PLO) - Ông Trịnh Bách luôn nhớ tới những món đồ chơi truyền thống mỗi khi trăng tròn tháng 8 đến gần. Nhà nghiên cứu văn hóa cảm thấy buồn, hụt hẫng khi tới phố Hàng Mã tràn ngập đồ chơi Trung Quốc mà ít thấy sự hiện diện đồ chơi truyền thống Việt Nam, đặc biệt là sự biến mất của món đồ chơi nặn bột nếp độc đáo có hàng trăm năm tuổi. Ông luôn đau đáu phải làm sao để hồi sinh món đồ chơi tinh hoa của các cụ để lại.
Những món đồ chơi đất nặn niên đại hàng trăm tuổi được hồi sinh.
Những món đồ chơi đất nặn niên đại hàng trăm tuổi được hồi sinh.

Say mê phục hồi văn hóa cổ

 Sang Mỹ từ năm 1972, ông Trịnh Bách xuất thân từ một gia đình quan lại triều Nguyễn. Trong những năm 1980, ông đã  học  ghita với Andres Segovia, nghệ sỹ ghita cổ điển xuất sắc nhất thế kỷ 20. Đầu những năm 1990, ông và bạn bè đã xuất bản tạp chí VietNow bằng tiếng Anh ở Mỹ để truyền bá về lịch sử và truyền thống văn hoá Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1994, ông về Việt Nam để phục dựng các hiện vật cung đình triều Nguyễn.

Là người yêu văn hóa cổ, đi tìm những di sản đã mất và phục dựng lại, ông Trịnh Bách không chỉ phục dựng các hiện vật, trang phục cung đình triều Nguyễn mà ông còn đau đáu phục hồi những đồ chơi dân gian của trẻ em thời xưa trong dịp Trung thu.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, có ba phẩm vật của Tết Trung Thu được trẻ em ngày xưa chuộng nhất là bánh trung thu, con giống bột và đèn lồng phết giấy để rước cùng các đám múa sư tử. Có lẽ, Việt Nam là đất nước độc nhất có tục lệ nặn con giống bột làm đồ chơi trẻ em cho dịp Tết Trung thu. Tục nặn con giống bột có từ hàng trăm năm trước. Từ đầu thế kỷ 20, Viện Viễn đông Bác Cổ còn lưu giữ ảnh chụp những con giống bột, chú thích là ‘Đồ chơi bằng bột nhuộm màu của Tết Trung thu Hà Nội”.

Trước những năm 1960, mỗi dịp Rằm tháng Tám, là các con giống nặn bằng bột lại được bày bán khắp nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam, như thành phần không thể thiếu cho mâm cỗ Trung thu. Truyền thống này cũng được những người Bắc di cư đem vào miền Nam từ năm 1954 và tồn tại ở đây cho đến khoảng cuối thập niên 1980.

Theo những gì còn được truyền lại, hay còn dấu tích, thì cho đến cuối thế kỷ 20, con giống bột Trung thu của Hà thành được biết đến với 2 dòng với tên gọi: “Con giống Ta - con giống Đồng Xuân” và “Con giống phố Khách”. Con giống Đồng Xuân thường do các bà các cô nặn khi đến Tết Trung thu hay khi nhàn rỗi. Họ thường nặn các con trâu, ngựa, dê, chó, gà và lợn, con cua, con cá vàng, đôi hài, mâm ngũ quả... Màu sắc của “Con giống Đồng Xuân” tuân theo nguyên tắc ngũ hành gồm trắng, tím, xanh lục, đỏ và vàng lấy từ vật liệu thiên nhiên như hoa, lá, nghệ, gấc, nhọ nồi.  Con giống phố Khách cầu kỳ, tinh xảo hơn, còn được gọi là con giống vẩy, vì cách người ta dùng kẹp để tạo ra những đường vân nổi trên sản phẩm. Người ta có hẳn những bộ dụng cụ xúc tích để tạo ra những con giống này. Con giống phố Khách thường có đề tài thần thoại huyền bí, như tứ linh, tam sư, cóc ba chân trên cung trăng, hý nguyệt, cặp sư tử hý cầu, ngũ hổ, hay đầu sư tử… Các con giống bột Hà thành được làm bằng bột hoành tinh trộn bột nếp, sau này bột hoành tinh được thay bằng bột năng.

Ông Trịnh Bách bền bỉ hồi sinh văn hóa cổ.
Ông Trịnh Bách bền bỉ hồi sinh văn hóa cổ.

Hồi sinh món đồ chơi truyền thống

Ở bên Mỹ, ông Trịnh Bách luôn nhớ tới những món đồ chơi truyền thống mỗi khi trăng tròn tháng 8 đến gần. Về Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa cảm thấy buồn, hụt hẫng khi tới phố Hàng Mã tràn ngập đồ chơi Trung Quốc mà ít thấy sự hiện diện đồ chơi truyền thống Việt Nam đặc biệt là sự “biến mất” của món đồ chơi nặn bột nếp độc đáo này.

 “Văn hóa cổ truyền của nước mình rất tinh tế, tôi tự hào điều đó. Tôi thấy tội nghiệp trẻ con ngày nay. Những gì tôi được hưởng ngày xưa nó đẹp quá mà giờ chúng không được hưởng. Trong khi đó thì các nghề truyền thống trong nước cứ mất dần đi trước mắt mình”- ông Trịnh Bách xót xa.

 Phải bằng mọi cách khôi phục đồ chơi truyền thống Trung thu, nghĩ là làm, ông Trịnh Bách đi tìm các nghệ nhân còn sót lại. Chùn chân mỏi gối,  càng đi ông càng cảm thấy buồn vì các nghệ nhân hầu hết đều đã theo tiên tổ, số còn lại thì mắt mờ, chân chậm. Tưởng như vô vọng, may thay, ông Trịnh Bách tìm được một nghệ nhân đó là bà Phạm Nguyệt Ánh, 70 tuổi ở khu Cổng Hậu, Trung Hòa, Hà Nội. Trước kia bà Ánh ở Đồng Xuân. Có lẽ, bà là người nặn con giống bột Đồng Xuân cuối cùng ở Hà thành. Tay nghề bà Ánh rất cao. Bà lại học được một ít nghề của trường phái con giống phố Khách với bộ dụng cụ cổ truyền. Ông còn tìm được một người tài hoa trẻ 8X là Đặng Văn Hậu (Phú Xuyên, Hà Nội), cháu ngoại của cao nhân nặn bột nức tiếng thời xưa là cụ Đặng Xuân Hạ. Ông Trịnh Bách, nghệ nhân Nguyệt Ánh và tài hoa trẻ Văn Hậu cùng hợp nhau miệt mài hồi sinh đồ chơi bằng bột nặn thời xưa. 

Mùa trăng rằm 2017, lần đầu tiên những món đồ chơi đất nặn xưa được “hồi sinh” tại Bảo tàng Dân tộc học, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội. Bao cặp mắt tròn xoe, thích thú của trẻ nhỏ được ngắm nhìn cóc ba chân trên cung trăng, rồng, cá… được nặn tinh tế với đủ sắc màu.

“Đây là thành quả của chúng tôi sau nhiều năm phục hồi món đồ chơi đất nặn xưa. Hiện chúng tôi đang truyền dạy những bí kíp làm món đồ chơi đất nặn này cho các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống. Hy vọng, Trung thu năm sau, những món đồ chơi bột nặn có hàng trăm tuổi này sẽ ngập tràn tại Hà Nội. Với những món đồ chơi bột nặn và lồng đèn Trung thu truyền thống đó, hy vọng trẻ em Hà thành sẽ đón mùa Trung thu một cách cổ truyền, ý nghĩa hơn; và như thế sẽ trân trọng những tinh hoa, đượm hồn dân tộc hơn”- nhà nghiên cứu Trịnh Bách lâng lâng hạnh phúc. 

Ngoài hồi sinh những món đồ chơi đất nặn cổ truyền, ông Trịnh Bách còn phục hồi những chiếc đèn lồng xưa. Những chiếc đèn lồng được ông Bách kỳ công khôi phục mang đủ hình dáng dễ thương của con thỏ, con bướm, con cá... và có thể thắp sáng bằng nến hay bóng đèn điện, khác hẳn những chiếc đèn ông sao xẹp lép đang bán hàng loạt trên thị trường.

Đọc thêm