Người nghệ nhân già giữ hồn cho tiếng trống

(PLO) - Một buổi sáng trên phố cổ Hà Nội, trong tiết trời dần bước sang thu có những cơn mưa bất chợt xen tia nắng yếu ớt chúng tôi dảo bước qua các con phố cổ hàng Khay, hàng Chỉ, hàng Trống, hàng Nón… để tìm một nghệ nhân già – người dành chọn một đời giữ “hồn” cho tiếng trống. 
Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh
Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh
Một đời trăn trở với nghề
Dừng chân trước cửa hàng trống đàn và nhạc cụ dân tộc số 11b Hàng Nón của nghệ nhân Phạm Chí Tịnh- người làm trống duy nhất còn lại ở phố cổ. Ông tự hào kể cho chúng tôi về nghề làm trống cổ truyền của vùng đất Đọi Tam, Duy Tiên, Hà Nam quê ông. 
Truyền thống làm trống cổ Đọi Tam đã có từ  hơn 1000 năm về trước, từ năm 986 được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làmg Đọi Tam cày ruộng tịch điền khuyến nông. Khi đó trong làng có hai anh em là Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã ngả cây gỗ mít, làm thịt một con trâu lấy da “bưng” thành một chiếc trống. Họ mang trống ra lễ dự đón Vua, tiếng trống gióng lên rền vang như sấm được Vua khen ngợi. Về sau hai ông được vua khen là Trạng Sấm và nghề bắt đầu từ đó. 
Những câu chuyện được truyền tụng về làng trống Đọi Tam chưa hết, có câu chuyện kể rằng trong lần vua Lý Thái Tổ rời đô về Đại La khi đoàn thuyền rồng rẽ từ sông Đáy vào sông Châu để thông ra sông Cái, đến đoạn uốn lượn ở dưới chân núi Đọi thì dân làng Đọi Tam mang trống ra gõ mừng. Vua lấy làm hài lòng bèn cho một số thợ làng Đọi Tam đi theo về kinh đô Thăng Long làm trống. 
Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời mình “Tôi bắt đầu làm trống từ năm 13 , 14 tuổi, ngày mà giặc Pháp chiếm đóng nên phải bỏ dở việc học, cùng cha chạy loạn vào Nghệ An – Hà Tĩnh. Từ Thanh Hóa , Nghệ An cho đến Hà Tĩnh nơi nào tôi cũng đã từng ở, vừa đi vừa phải học làm trống để mưu sinh”.
Cho đến những năm 1954, Hà Nội được giải phóng, ông cùng vợ con từ Hải Phòng trở về Hà Nội. Gia đình ông ở nhờ nhà một ông cụ làm trống trên phố Hàng Hòm. Do không giỏi nghề, trống làm ra không bán được nên chủ nhà đã nhượng lại cửa hàng cho gia đình ông Tịnh. Với nhiều năm bôn ba theo nghiệp làm trống cộng với thương hiệu trống Đọi Tam đã nổi tiếng cả nước, ông nhanh chóng gây dựng được thương hiệu của riêng mình. Hai năm sau, năm 1956 ông chuyển cả gia đình về phố Hàng Nón, sinh sống và lập nghiệp từ đó đến giờ.
Cái dáng hao gầy của người thợ già, ở cái tuổi 83 có những chuyện nhớ, chuyện quên nhưng lúc thăng trầm của nghề làm trống cổ thì ông nhớ rất rõ. Trong những năm 1945 - 1946 ở mỗi thôn đều có đội thiếu nhi cổ động vệ sinh gặt hái mùa màng, lúc đó, loại trống ếch được làm nhiều nhất, hàng làm ra không xuể. Tiếng trống ếch rầm rộ kêu vang trong các buổi mít tinh biểu tình chống Pháp.
Thời gian cứ thế thấm thoát trôi qua, tiếng trống không chỉ xuất hiện trong các cuộc cổ động của đội thiếu nhi, trong các buổi mít tinh biểu tình mà còn xuất hiện trong các đình, chùa, những chiếc trống Cái gỗ được bán rất chạy.
Kể đến đây giọng ông trầm xuống, hướng ánh mắt ra xa tâm sự, “làm trống cũng có khi thăng cũng có khi trầm. Các trống ở chùa, đình bị coi là mê tín bị đốt phá”. Lúc khó khăn như vậy ông cũng không nghĩ sẽ bỏ nghề, ông nói: “Đây là nghề truyền thống của ông cha, tôi quyết tâm theo mãi và cũng theo đuổi cái nghiệp này để mang niềm vui đến cho mọi người.”
Nhưng hơn 10 năm trở lại đây đất nước ngày càng phát triển , tiếng trống lại vang lên trong các đình, chùa các trường học, hay các nơi có giàn trống,  ngoài ra còn phục vụ xuất khẩu cho các bạn hàng Trung Quốc, Campuchia, Hàn Quốc….
Nghệ nhân Tịnh tại cửa hàng trống.
 Nghệ nhân Tịnh tại cửa hàng trống.
Thổi “hồn” vào tiếng trống
Nghệ nhân Phạm Chí Tịnh nói với chúng tôi: “Quốc gia nào cũng có trống, nhưng tiếng trống không nước nào giống nước nào. Đó là nằm ở cái “hồn cốt” của dân tộc, của người làm trống.” 
“Trong tất cả các công đoạn làm trống công đoạn nào cũng quan trọng đòi hỏi người thợ phải rất tỉ mỉ và khéo léo, đặt cái tâm của mình vào sản phẩm. Từ công đoạn đầu tiên là đi chọn gỗ cũng là công đoạn quan trọng nhất, gỗ làm trống phải làm từ gỗ mít có đặc tính nhẹ, xoắn thớ, khi đóng đinh không bị nứt”. ông Tịnh chia sẻ thêm.
Khi người thợ đã chọn được gỗ ưng ý tiếp theo là các công đoạn xẻ, phơi gỗ, làm dăm trống dựng thành khung. Dăm trống phải được  mài thật nhẵn, ghép thật khít sao cho ngay cả mắt thường cũng không nhìn thấy được vết ghép. Da trống được sử dụng là da trâu đây là một công đoạn theo ông nói là “rất gay go” .
Ông  kể cho chúng tôi hành trình đi tìm mặt trống cho chiếc trống kỉ lục cao 3m07 mặt trống rộng 2m07 do ông làm dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây không phải lần đầu tiên ông làm trống to như vậy mà ngay những năm 2000 kỉ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội ông cũng đã từng làm những chiếc trống cực đại. Chiếc trống to nhất được gọi là Trống Sấm với đường kính 2,01m  chiều cao 2,65m, thể tích đến 10m3. Trống được đánh giá là to nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. 
Nhưng công đoạn tìm mặt trống lớn hơn để kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội lần này  rất vất vả, gian nan hơn nhiều. Ông và các người thợ làm trống khác phải tỏa đi khắp các vùng trong các nước để tìm nguyên liệu. 
Sau nhiều tháng tìm kiếm, vượt hàng trăm kilomet cuối cùng ông tìm được ở Thái Bình và Tuyên Quang hai mảnh da ưng ý. Bởi lẽ công đoạn này dù làm trống to hay nhỏ cũng cần người làm phải có kinh nghiệm lâu năm. Mặt trống dày hay mỏng sẽ quyết định đến độ biến âm của trống.
Ông bộc bạch thêm “Tìm được mặt trống rồi còn phải lựa được gỗ tốt để làm thân trống đặc biệt gỗ làm trống phải là gỗ mít vì gỗ mít có đặc tính nhẹ, xoắn thớ nên khi đóng đinh không bị nứt. Ngoài ra gỗ phải ít co dãn và đàn hồi nên giữ được hình dáng nguyên vẹn của chiếc trống. Tiếng trống đánh ra âm thanh không bị vỡ. Đặc biệt, gỗ mít có tuổi đời càng cao thì âm thanh của trống càng đanh, vang và có “hồn””.
Ông cũng chia sẻ thêm cái khác giữa trống của ta và trống của Trung Quốc là đinh của ta làm bằng tre khi đóng vào trống sẽ chắc hơn và không bị rỉ như vậy tuổi thọ của trống sẽ được kéo dài hơn. 
Tiếng trống không thể phai nhạt trong đời sống văn hóa
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với nghệ nhân Phạm Chí Tịnh liên tục bị cắt ngang vì những khách hàng của ông đến nhờ tư vấn mua trống. Một khách hàng là tổ trưởng tổ dân phố ở Hà Nội đang đi tìm mua trống phục vụ cho đêm Trung Thu sắp tới ở tổ dân phố mình chia sẻ: “Bây giờ, để đi tìm mua được cái trống tốt, có âm thanh hay rất khó chủ yếu ở các hàng khác nhập trống Trung Quốc có chất lượng không được tốt. Còn đến với hàng của ông Tịnh thì tuyệt đối yên tâm trống rất bền và có âm thanh hay”.
Thương mại hóa tiếng trống làm đánh mất cái “hồn” của tiếng trống, trong xã hội hiện đại là vấn đề ông Phạm Chí Tịnh trăn trở nhất. Ông khẳng định với chúng tôi “Phải giữ gìn và truyền nghề cho đời sau, đừng bao giờ để nghề bị mai một”  cho dù bây giờ trẻ con không thích chơi những trò dân gian như trống, một số nhà trường xây dựng mới hiện đại không còn sử dụng tiếng trống để làm âm thanh báo hiệu nhưng tiếng trống vẫn còn sống mãi trong đời sống văn hóa Việt Nam.
Ngày xưa các cụ chỉ truyền cho con trai và con dâu không được truyền nghề cho con gái, con rể. Nhưng bây giờ để nghề không bị mai một đi ông còn truyền nghề cho cả con gái và con rể. Ông tự hào chia sẻ trên phố hàng Nón này có đến 6 cửa hàng bán trống là của con, cháu ông. 
Điều khiến chúng tôi trăn trở nhất khi rời cửa hàng của người nghệ nhân già giữ “hồn” cho tiếng trống đó là câu nói của ông “Phải giữ gìn và truyền nghề cho đời sau, đừng bao giờ để mai một nghề”./.

Đọc thêm