Người nghèo chạnh lòng nhìn"đại gia" chăm chó

(PLO) - Vài năm gần đây, thú chơi chó cảnh ngoại nổi lên như một phong trào. Ngoài số tiền đầu tư cả trăm triệu để mua chó, việc chăm nuôi cũng không hề đơn giản, kèm theo đó là những dịch vụ “ăn theo”.

Một người nuôi chó cảnh bên con Ochaka và Beggie Bỉ.
Một người nuôi chó cảnh bên con Ochaka và Beggie Bỉ. 
Chó đắt tiền thì những phụ kiện kèm theo cũng phải “xứng tầm”, đơn giản như dây xích để dắt chó cũng có giá lên đến tiền triệu. Nhiều dịch vụ làm đẹp cho chó, mèo cũng mọc nên nhan nhản. Đủ các loại hình phục vụ, từ khám sức khỏe định kỳ, siêu âm xét nghiệm, đánh răng, lau mắt, chải lông gỡ rối, cắt tỉa móng chân, massage bấm huyệt… đến các loại quần áo, mũ, giày dép thời trang, thậm chí còn có cả… kính mát cho khỏi chói mắt mỗi khi đưa chó đi dạo phố. Những phụ kiện này giá không hề rẻ, hầu hết đều nhập khẩu từ nước ngoài.
Các phụ kiện, sản phẩm chăm sóc cho chó mèo.
Các phụ kiện, sản phẩm chăm sóc cho chó mèo. 
Khâu tốn tiền thứ hai là thức ăn chuyên dụng. Cám nhập khẩu từ nước ngoài đã có giá 1,5 triệu VND/bao 15kg, rồi thịt bò sống, rau củ quả... tráng miệng. Chỉ tính riêng tiền ăn, mỗi con chó đã ngốn hơn 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ ăn ngon, uống cũng phải chọn nước sạch. 
“Lúc mới mua con Ochaka về, tôi toàn phải mua Lavie về cho chó uống” - chỉ tay về phía con chó “khủng” trị giá hơn một trăm triệu đồng đang dạo chơi trên bãi cỏ công viên Thống Nhất, một người nuôi chó nói. Thấy vẻ ngạc nhiên của khách, anh giải thích thêm: “Không dám cho nó uống nước sôi để nguội vì sợ chó đau bụng, sau này tôi đầu tư 17 triệu mua hẳn máy lọc nước có đèn cực tím khử trùng”. 
Ngoài chuyện đầu tư thức ăn nước uống, còn phải sắm máy sưởi ấm, máy chải lông cho chó. Đi kèm khâu “làm đẹp” này là sữa tắm, dầu gội chuyên dụng. Đối với dòng chó Ngao Tây Tạng, Ochaka có thể hình to cao, cân nặng cả tạ và những dòng chó lông rậm, xù khác, mỗi lọ sữa tắm chuyên dụng giá 300 nghìn đồng chỉ dùng được 2 lần.
Nếu đem chó đi chăm sóc tại các trung tâm làm đẹp, có thể tốn 50 - 700 nghìn đồng mỗi lần, riêng cắt móng cho chó đã có thể tốn 200 nghìn đồng. Tuy nhiên theo những người nhiều kinh nghiệm, chủ chó đem thú cưng đi các cơ sở chăm sóc thường là những người thích vật nuôi, chứ chưa thực sự đam mê.
“Cao cấp” nhất, các “đại gia” có thể đưa thú cưng tới khách sạn chó mèo. Dân chơi chó cảnh thường rỉ tai nhau một địa chỉ trên đường Trương Định. Với hàng chục năm kinh nghiệm về chăm sóc chó mèo, ông chủ này cho xây cả khách sạn 6 tầng với nhiều trang thiết bị hiện đại như thang máy, vô tuyến, điều hòa, máy hút mùi… tất cả cũng chỉ để phục vụ các chú cẩu.
Nghĩa trang cho chó mèo.
Nghĩa trang cho chó mèo. 
Ngoài việc nhận chăm sóc, phối giống, khuôn viên vui chơi cho thú cưng, ở khách sạn này còn xây kèm cả… đài hóa thân cho vật nuôi. Chó hoặc mèo đều có ảnh và “thông tin cá nhân” trên bia mộ, để chủ nhân thỉnh thoảng đến thắp hương, tưởng nhớ những con vật của mình. Khu nghĩa trang này có khoảng 250 phần mộ, chủ nhân của các con vật phải bỏ ra khoản chi phí khoảng 3 triệu đồng để hỏa táng, nếu chôn cất ở đây phải mất 8 triệu đồng, sau ba năm phải nộp phí duy trì từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Đặc biệt, vào ngày Rằm tháng Bảy hàng năm, ông chủ khách sạn còn làm… đại lễ cầu siêu cho các con vật.
Câu chuyện đại gia chăm chó có thể làm chạnh lòng những người nghèo, nhưng như một số người vẫn nói: “Tiền của tôi, tôi làm gì là quyền của tôi”. Âu như thế mới thành cuộc sống muôn màu.

Đọc thêm