Người phụ nữ 'khổ trăm bề' vẫn cưu mang bé mồ côi bệnh trọng

(PLO) - Gần 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Hường (ngụ xóm 12, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn đang phải nuôi con mọn. Cô con gái không phải ruột rà, bị bệnh não úng thủy hoàn toàn mất khả năng vận động được bà “đèo bòng” đưa về từ một lần nằm viện.
Mới đây, bà Hường lại vay gần chục triệu đưa con gái nuôi đi phẫu thuật lần hai.
Mới đây, bà Hường lại vay gần chục triệu đưa con gái nuôi đi phẫu thuật lần hai.

“Khổ không nói hết”

Ngồi ôm đứa bé gầy tong teo chỉ còn da bọc xương, bà Hường tâm sự tên con gái nuôi là Trần Thị Phúc Liên, 10 tuổi, nhưng bệnh tật nên cứ nằm một chỗ, ê a như trẻ lên ba. Cả đời vất vả chưa một ngày ngơi tay, nhiều khi tủi phận bà chợt nghĩ “hay là buông xuôi”?.

Song suy nghĩ thoáng qua đó được bà gạt đi rất nhanh để tận tụy chăm sóc cho những người thân khốn khổ bên mình. “Tôi thường tự trấn an, bản thân mình phải chịu nhiều bất hạnh nhưng cuối cùng cũng vượt qua. Vậy nên chút cực nhọc này chẳng sá gì”, bà trải lòng.

Trước khi nhận bé Liên làm con nuôi, cuộc sống của bà Hường đã đủ đường buồn tủi. Người cha sớm qua đời, không lâu sau, mẹ bà cũng đổ bệnh bại liệt, không thể di chuyển được. Cô bé Hường mồ côi nay lại phải lam lũ làm đủ việc để có tiền mua thức ăn, lo thuốc thang cho mẹ, từ giặt quần áo, cuốc đất đổi lấy lon gạo, củ khoai. Tuổi thơ cứ thế trôi qua trong khó nghèo. 

Hi vọng cuộc sống bớt vất vả hơn chỉ bắt đầu khi bà Hường lấy chồng là người cùng làng. Nhưng hạnh phúc quá ngắn ngủi, ngày con trai chưa đầy hai tuổi, chồng bà Hường đã rời bỏ vợ con theo người phụ nữ khác.

Nỗi đau đớn, uất hận khiến người vợ trẻ tuyệt vọng, nhưng vì mẹ già bệnh tật và đứa con thơ ngây, bà Hường nhẫn nhục sống vì người thân. Hàng ngày, một tay người phụ nữ nhỏ bé ấy vừa lo chăm sóc mẹ liệt giường vừa nuôi dạy con khôn lớn. Mẹ của bà mấy chục năm nằm một chỗ dần trở nên trái tính, không hiếm lần gọi con gái đến bên giường, túm tóc, đánh đập vô cớ. Bà Hường lại lặng lẽ khóc.

Cuộc sống của ba con người, ba thế hệ khốn khổ ấy lại có thay đổi lớn, có lẽ nhọc nhằn nhiều hơn, sau một lần bà Hường đi viện. Bà tâm sự, 10 năm trước, khoảng tháng 3/2006, khi phát hiện mình bị u hàm, bà khăn gói một mình đến Bệnh viện Ba Lan tỉnh Nghệ An (này là Bệnh viện Đa khoa tỉnh) phẫu thuật.

Tình cờ đi qua hành lang khoa Sản, bà chứng kiến nhiều người tập trung thương xót cho một sản phụ vừa tử vong trên bàn mổ. Đứa con còn đỏ hỏn nằm khóc giãy bên cạnh. 

“Vì sợ hãi nên không ai dám lại bế đứa trẻ. Còn tôi không hiểu sao hôm đó lại gan đến vậy, cứ lại gần bế đứa bé lên. Đứa trẻ sơ sinh đang khóc ngằn ngặt liền nín thít. Mấy ngày sau tôi vẫn thường lui tới phòng cháu bé đang nằm, tự nhủ lòng sẽ xin nhận về nuôi, nếu ít ngày nữa không ai đón bé”, bà Hường kể.

Người nhà sản phụ muốn cho đứa bé nên nhiều lần đặt ở các vị trí khác nhau trong và ngoài bệnh viện nhưng không ai nhận. Cuối cùng, chỉ có bà Hường đến xin nhận đứa trẻ chưa rụng rốn về chăm sóc.

Để được mẹ già và con trai đồng ý đón thêm thành viên mới, bà Hường phải tìm cách lựa lời. Không khó để gọi điện thuyết phục người con trai đang đi bộ đội xa nhà, nhưng với người mẹ già, bà lại không được đồng ý.

Cụ bà phản đối, sợ con gái vốn nghèo không có khả năng nuôi dưỡng đứa trẻ sơ sinh. Song nhìn gương mặt non nớt của đứa bé mồ côi tội nghiệp, bà lão cuối cùng đã gật đầu. Từ đó, căn nhà nhỏ có thêm một thành viên bé bỏng.

Khát vọng yêu thương

Bảy tháng sau, để hoàn thiện thủ tục nhận con nuôi, bà Hường tìm về quê người mẹ đã khuất của đứa trẻ ở xã Diễn Yên (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Lúc này, bố đứa bé vẫn còn sống nhưng đã già yếu, người phụ nữ vừa qua đời là vợ hai của ông. Thủ tục hoàn thiện, bà Hường đặt tên con nuôi theo họ bố đẻ, chọn cái tên Phúc Liên với hi vọng cô bé sẽ có nhiều phúc phận, khỏe mạnh và xinh đẹp.

Nhưng, cuộc sống của Phúc Liên không được may mắn như cái tên bé được đặt. Bà Hường vốn nhọc nhằn nay càng thêm vất vả. Lên một tuổi, Liên bắt đầu có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Hai bàn tay bé liên tục nắm chặt. Lúc đầu bà Hưởng tưởng con bị giật mình nên co lại như vậy. Càng ngày triệu chứng đó càng xuất hiện nhiều, bà vội đem con đi khám và chết lặng khi nghe bác sỹ thông báo bé bị giãn não thất, não úng thủy. 

Ca phẫu thuật vào thời điểm đó gần 20 triệu đồng, bà Hường chạy vạy vay mượn không đủ đành ôm con về trong nước mắt. Hơn một năm sau, thấy một bên đầu của con to lên bất thường, bà lại đưa con vào viện. Bệnh tình Phúc Liên tiến triển theo chiều hướng xấu. Thương con, bà Hường quyết vay nóng được 25 triệu đồng làm phẫu thuật. 

Ngồi chờ đợi ca phẫu thuật kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, lòng người mẹ như lửa đốt. Sau khi được phẫu thuật đặt ban não thất và ống dẫn lưu ổ bụng, tình trạng cháu bé chỉ khá hơn một chút. Cô bé hoàn toàn mất khả năng vận động, ngôn ngữ, may mắn trí óc vẫn tỉnh táo để cảm nhận được mọi chuyện xung quanh. 

Dù bé Phúc Liên thoát tình trạng hiểm nghèo nhưng phải lồng hai ống dây dài từ đầu xuống bụng để hút dịch trong não. Nhìn bụng gầy của con lồ lộ hai ống dẫn to bằng ngón tay, lòng bà đau xót nhưng bất lực. Mới đây, bà lại vay mượn gần chục triệu đồng để phẫu thuật lần hai cho con. Bà cho hay sẽ cùng con gái nuôi giành giật sự sống đến hơi thở cuối cùng.

Gần 10 năm trôi qua, biết bao cơ cực khi vừa chạy vạy chữa trị cho con nuôi, vừa chăm sóc mẹ già. Có những đêm người con đau quá cứ đập đầu xuống giường, bà Hường lại bế con suốt đêm, xoa đầu cho con bớt đau. Cô bé tội nghiệp mỗi lần bị cơn đau hành hạ vẫn cố gắng gọi ngọng nghịu “ệ ơi” (mẹ ơi) tìm kiếm sự vỗ về. Chỉ cần nghe tiếng con, bà Hường lại lật đật chạy vào ôm con nựng nịu. 

“Cũng một kiếp người, không được hưởng dòng sữa mẹ, không được cha chăm sóc, Phúc Liên chỉ có mỗi mình tôi. Nhiều đêm ôm con một mình trong bệnh viện, tôi chỉ biết khóc. Con bé có tội tình gì đâu mà sao phải khổ thế này.

Nhiều người bảo tôi gửi Phúc Liên vào các trung tâm bảo trợ xã hội cho nhẹ gánh nhưng tôi không làm được. Con khổ từ khi lọt lòng rồi, làm mẹ, sao đành cho con đi được”, bà Hường vừa nói vừa giấu giọt nước mắt nghẹn đắng.

Về hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Hường, ông Hoàng Đức Trì, Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ cho hay, cuộc đời bà Hường “khổ không nói hết”, nhưng tấm lòng của bà ít người có được.

Bản thân đã một mình gánh vác chăm sóc mẹ già bại liệt, cuộc sống thiếu thốn, bà Hường còn hết lòng chữa trị cho con nuôi bệnh nặng. Một đời vất vả, khi tuổi đã cao, con trai đã trưởng thành, đáng lẽ bà Hường bắt đầu có những ngày an nhàn hơn thì lại bận bịu con mọn, lao tâm khổ tứ với người con nuôi bất hạnh.

Đọc thêm