Người sưu tầm nét văn hóa làng giữa lòng Hà Nội

(PLO) - Đã từ lâu việc sưu tầm gốm cổ là thú vui của nhiều người, nhưng sưu tầm những chiếc chum vại cũ để gìn giữ lại một chút văn hóa của làng xưa cho con cháu thì có rất ít người tham gia. Nguyễn Vinh Xưởng là một số ít người như thế, ông như là một người con đặc biệt của đất Hà thành ở làng Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội).
Ông Xưởng (phải) và tác giả bài viết
Ông Xưởng (phải) và tác giả bài viết
Ông Xưởng đã có hơn 30 năm làm việc trong xí nghiệp xe điện Hà Nội, năm 2000 thì nghỉ hưu, do yêu thích những sản phẩm gắn liền với sinh hoạt đời thường và hơn nữa ông muốn cho các con cháu mình biết được phần nào về tập tục sinh hoạt của người xưa nên ông Xưởng đã tiếp tục công việc của cha mình để lại, đi sưu tầm những chiếc chum, vại cũ. 
Sau 10 năm sưu tầm đến nay ông Xưởng đã sở hữu tất cả hơn 300 sản phẩm các loại, trong đó chủ yếu là chum, vại, liễn… với nhiều hình dáng, kích thước khác nhau và công dụng của mỗi sản phẩm cũng khác nhau từ chiếc liễn muối cà, liễn đựng cơm, những chiếc cong nhỏ làm tương, rồi đến những chiếc chum lớn mà người xưa dùng để đựng nước mưa hoặc nước ăn... Đặc biệt, trong bộ sưu tập của ông Xưởng có một chiếc liễn nhỏ đã có niên đại tới hơn 300 năm.
Từ khi nghỉ hưu, công việc hàng ngày của ông Xưởng là đạp xe đi khắp nơi để tìm và hỏi mua lại những sản phẩm này. Đó chỉ là những đồ dùng cũ từ ngày xưa mà hầu như ở gia đình nông thôn Việt Nam nào cũng có, nhưng đến giờ thì nó không còn hợp thời nữa nên ông có thể dễ dàng mua được, thậm chí có gia đình còn sẵn sàng cho không để ông mang đi cho đỡ chật nhà. Ngoài việc đi hỏi mua, xin, ông thường xuyên đạp xe trên triền sông ở những làng quê để tìm kiếm, nhặt nhạnh những chiếc chum, vại mà người dân vứt bỏ không sử dụng nữa.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại hết sức cầu kỳ và mất nhiều thời gian. Mỗi khi tìm thấy một sản phẩm nào đó là ông đều nâng niu, rửa sạch, lau khô, bọc cẩn thận để mang về nhà. Có những lần ông lên tận Lào Cai, Yên Bái tìm chum, vại cũ, đã đi vào tận những bản làng của người dân tộc, ở đó họ còn gìn giữ rất nhiều những sản phẩm chum, vại, nhưng theo ông Xưởng kể thì không phải gia đình nào hỏi mua họ cũng bán. Đôi khi, có những chuyến đi của ông không thu được kết quả gì.
Hiện nay, trong gia đình ông Xưởng đã có ba thế hệ đang sinh sống, những đứa cháu nội, ngoại ngay từ khi còn bé đã được ông bà giáo dục cho biết việc phải gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, các con ông cũng hết sức ủng hộ việc làm của cha mẹ và họ đều ý thức được ý nghĩa từ công việc này. 
Chị Huệ, con dâu ông Xưởng tâm sự: “Bố mẹ tôi rất thích hình ảnh của những vật dụng này, nó mang giá trị vật chất ít nhưng giá trị tinh thần lớn vì nó lưu giữ những hình ảnh sinh hoạt thời xưa qua những vật dụng này. Mỗi lần về nhà khi nhìn thấy những vật dụng này, cảm giác rất thanh thản…”.
Nhiều năm qua và cho đến tận bây giờ ông Xưởng vẫn kiên trì với việc nhặt nhạnh và sưu tầm, những vật dụng bỏ đi không còn hợp thời nhưng vào tay ông nó được lau chùi và lưu giữ cẩn thận. Việc làm âm thầm này ông Xưởng chỉ coi đây là một thú vui tuổi già, cái quan trọng là giữ được “nếp nhà” cho con cháu mai sau!

Đọc thêm