Người trượt kỳ tuyển dụng viên chức kiện đòi “bồi thường” 190 triệu

(PLO) -Theo nguyên đơn: hàng tháng ngoài tiền lương cơ bản khoảng 2,6 triệu/tháng, ông còn được hưởng các khoản phụ cấp như tiền bán trú, tiền hai buổi, tiền tăng cường tiếng Anh, tiền điện thoại, công tác phí… Tổng tiền lương thực lãnh hàng tháng của ông là khoảng 7 triệu đồng. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Tuy nhiên, đại diện nhà trường lại cho rằng, căn cứ trên hợp đồng: tiền lương của ông Hải là mức lương cơ bản cộng với phụ cấp, chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Vụ kiện hy hữu

Theo bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Tân, ngày 24/8/2013, ông Nguyễn Thanh Hải (SN 1980) được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Bình Tân tuyển dụng và giới thiệu đến phụ trách công việc kế toán của trường THCS Tân Tạo. 

Sau đó, Trường THCS Tân Tạo đã ký hợp đồng làm việc lần đầu với ông Hải thời hạn hợp đồng là 12 tháng (từ 01/9/2013-31/8/2014).

Tháng 5/2015, trường này ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc với ông Hải. 

Đến 21/8/2015, Trường THCS Tân Tạo lại thu hồi quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc với ông Hải, nhưng đến nay vẫn không khôi phục lại chức danh kế toán, thanh toán lương cũng như các khoản phụ cấp khác và bố trí lại việc làm cho ông.

Từ đó, ông Hải kiện Trường THCS Tân Tạo để đòi tiền lương, bảo hiểm xã hội, vị trí làm việc. Ông cho biết, ngoài mức lương khoảng 2,6 triệu, mỗi tháng ông còn được hưởng các khoản phụ cấp:

Điện thoại, công tác phí, tiền ăn trưa, tiền bán trú, tiền hai buổi, tiền tăng cường tiếng Anh, tiền đồng phục, tiền lễ tết các ngày (giỗ tổ, 30/4, 1/5 và 2/9, 20/11, tiền thi đua, tiền tết Âm lịch, tết Dương lịch)… Trong 15 tháng bị nghỉ việc, ông Hải yêu cầu trường phải trả ông tổng cộng 190 triệu đồng.

Tuy nhiên phía Trường THCS Tân Tạo cho rằng: ông Hải vào trường làm việc theo hợp đồng làm việc tạm tuyển, không phải viên chức. Ông Hải đã tự ý bỏ việc vào ngày 27/11/2014 và trượt thi tuyển viên chức, nhà trường đã thông báo cho ông biết việc không trúng tuyển của ông.

Đồng thời, nhà trường đã chi trả đủ 6 tháng lương (từ tháng 12/2014-31/5/2015) với số tiền tổng cộng là 15,8 triệu đồng theo chế độ quy định của phòng Nội Vụ. Căn cứ theo hợp đồng đã ký không thể hiện các khoản chi khác nên nhà trường không đồng ý trả. Đại diện nhà trường cho rằng Trường THCS đã thực hiện xong nghĩa vụ nên không đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của ông Hải. 

Phán quyết của tòa sơ thẩm

HĐXX cấp sơ thẩm nhận định: Ông Hải ký hợp đồng làm việc tại trường với chức danh là kế toán, thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng. Sau khi hợp đồng lần đầu hết hạn vào ngày 01/9/2014, không gia hạn, thì mặc nhiên tiếp tục thực hiện hợp đồng theo những gì đã thỏa thuận. Đồng thời hợp đồng đã ký trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Sau đó, Phòng GD&ĐT quận Bình Tân ban hành thông báo về việc tổ chức tuyển dụng viên chức. Ông Hải được trường đưa đi tham dự kỳ thi trên nhưng không trúng tuyển. Từ đó, Phòng GD&ĐT cũng như Phòng Nội vụ quận Bình Tân đã thống nhất chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Hải kể từ ngày 1/6/2015.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, phía nhà trường không thực hiện việc giao thông báo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận thấy việc giao thông báo chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định (chưa đủ 45 ngày), nhà trường lại ban hành công văn về việc thu hồi quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc đối với ông Hải. 

Tuy nhiên, kể từ khi thu hồi quyết định cũng như thời gian về sau, nhà trường không có một động thái nào đối với ông Hải. Do đó mặc nhiên ông Hải vẫn còn hưởng lương và các chế độ phụ cấp khác theo quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của trường. 

Căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ của trường, HĐXX tuyên: Ngoài số lương cơ bản hàng tháng, Trường THCS Tân Tạo còn phải trả ông Hải số tiền: 300 ngàn tiền công tác phí, 1,4 triệu đồng tiền bán trú  (ông Hải yêu cầu là 2 triệu), 600 ngàn tiền hai buổi/ tháng (theo ông Hải yêu cầu là 1 triệu), tiền lễ tết tiền, đồng phục… Tổng số tiền mà trường phải trả là 71 triệu đồng.

Ngoài ra các khoản tiền khác như: ăn trưa, tiền phụ cấp tiếng Anh… quan điểm của cấp sơ thẩm là không có trong quy chế chi tiêu nội bộ của trường nên không có cơ sở để chấp nhận.

Về việc nguyên đơn yêu cầu trường THCS Tân Tạo nhận trở lại làm việc, tại phiên tòa, đại diện Trường THCS Tân Tạo, đại diện phòng GD&ĐT quận Bình Tân đều bảo lưu ý kiến: do ông Hải không trúng tuyển trong kỳ thi viên chức nên không được nhà trường nhận trở lại làm việc. HĐXX xét thấy lập luận của trường là có căn cứ nên được chấp nhận.

Về việc nguyên đơn yêu cầu Trường THCS Tân Tạo xin lỗi công khai và bồi hoàn danh dự và tổn thất tinh thần 10 tháng lương tối thiểu, cấp sơ thẩm cho rằng ông Hải không trúng tuyển thi viên chức và cũng không chứng minh được mình bị thiệt hại gì về danh dự, nhân phẩm uy tín nên không chấp nhận yêu cầu của ông.

Ông Hải kháng cáo yêu cầu HĐXX cấp Phúc thẩm tuyên buộc Trường THCS Tân Tạo phải nhận ông trở lại làm việc, đồng thời trả đầy đủ số tiền mà ông Hải yêu cầu trong đơn khởi kiện.

Tranh cãi gay gắt về bảng lương

Ngày 2/11/2016, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm đối với vụ án. HĐXX cấp phúc thẩm giải thích cho phía đại diện của trường: Khi hợp đồng có thời hạn của ông Hải và nhà trường hết hạn, nếu hai bên không gia hạn tiếp thì mặc nhiên tiếp tục thực hiện hợp đồng theo những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng và hợp đồng đã ý trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Do đó,nếu ông Hải không hoàn thành nhiệm vụ, kể cả khi không trúng tuyển viên chức thì theo quy định của bộ luật Lao động, trường cũng phải thông báo chấm dứt hợp đồng trước 45 ngày. Nhưng trường ra thông báo chưa đủ số ngày quy định nên việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của trường là trái quy định của pháp luật. Do đó, trường phải trả lương cho ông Hải từ ngày bị cho thôi việc trái luật.

Phiên tòa diễn ra căng thẳng do có sự tranh cãi gay gắt giữa hai bên về khoản tiền lương trên hợp đồng và tiền lương thực lãnh của ông Hải.

Theo nguyên đơn: hàng tháng ngoài tiền lương cơ bản khoảng 2,6 triệu, ông còn được hưởng các khoản phụ cấp như tiền bán trú, tiền hai buổi, tiền tăng cường tiếng Anh, tiền điện thoại, công tác phí… tổng tiền lương thực lãnh hàng tháng của ông là khoảng 7 triệu đồng.

Tuy nhiên đại diện của trường lại cho rằng căn cứ trên hợp đồng: tiền lương của ông Hải là mức lương cơ bản cộng với phụ cấp, vì vậy mức thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, không cao như nguyên đơn trình bày.

Thẩm phán phiên tòa: Ở phiên xử sơ thẩm, trường có cung cấp bản lương của ông Hải cho HĐXX không?

Đại diện trường: Không, trường không cung cấp.

Thẩm phán: Lý do trường không cung cấp?

Đại diện trường lớn tiếng: Theo quy định của luật, nguyên đơn là người khởi kiện, nguyên đơn phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ, trường không có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ.

Thẩm phán nhắc nhở: Để đảm bảo quyền lợi cho các bên, việc cung cấp chứng cứ là nghĩa vụ của hai bên đương sự. Bảng lương nhà trường giữ, người lao động làm sao có để cung cấp. Nếu trường không cung cấp bảng lương, HĐXX sẽ căn cứ vào lời khai của phía nguyên đơn để tuyên án.

Đại diện trường lúc này mới dịu giọng: Nếu tòa yêu cầu thì trường sẽ cung cấp bảng lương.

Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định hoãn phiên tòa chờ Trường THCS Tân Tạo cung cấp thêm chứng cứ.

Theo khoản 2 điều 22 bộ luật Lao động năm 2012 khi hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng khi hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì các hợp đồng lao động có thời hạn sẽ trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc theo mùa vụ sẽ trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng. 

Theo điểm b khoản 2 điều 38 bộ luật này thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Đọc thêm