Người vẽ chân dung Nam Bộ bằng văn

(PLO) -Ngẫm ra, đời làm quan kinh qua khắp mọi nẻo đất Nam Bộ, lại chính là chất liệu sống để những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, đặc biệt là tiểu thuyết của ông đậm đặc ngôn ngữ, tính tình, khí chất Nam Bộ, phản ánh người và đất Nam Bộ một thuở rõ rệt, bình dị. 
Nhà lưu niệm Hồ Biểu Chánh tại quận Gò Vấp
Nhà lưu niệm Hồ Biểu Chánh tại quận Gò Vấp

Với 64 tiểu thuyết để lại cho đời (trong khi tuổi thọ của ông là 74), sức sáng tác của Hồ Biểu Chánh thật dồi dào dù bị bệnh tật hoành hành. Và như nhận định trong Chân dung Hồ Biểu Chánh thật xác đáng, rằng “Hồ Biểu Chánh nổi tiếng nhờ tiểu thuyết. Địa vị ông trên văn đàn trước sau vẫn là địa vị của một nhà tiểu thuyết”.

Văn chương nếp đất

Khi ông mất, Hội Bút Việt có bức trướng viếng ghi “Văn chương nếp đất”, bốn chữ mà khái quát được cái thần thái trong văn chương của ông. Tên tuổi của ông, được Việt Nam văn học sử giản ước tân biên cho hay, đông đảo độc giả biết tới, là khi Phụ nữ tân văn đăng những bài viết của ông.

Tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn được lưu hành ở đất Sài Gòn là từ năm 1912 mang tên Ai làm được. Nhưng trước đó, theo Gò Công xưa và nay, năm 1910, tập thơ U tình lục đã ra đời, còn năm 1909, ông đã dịch xong Tân soạn cổ tích.

Sau này, những tác phẩm như Cha con nghĩa nặng, Con nhà nghèo, Cay đắng mùi đời, Tắt lửa lòng, Trọn nghĩa vẹn tình… gắn liền với tên tuổi của ông. 

Chỉ trong 16 năm (1925-1941) ông viết được 34 tiểu thuyết. Hoặc 1953-1958, ông viết được 24 tiểu thuyết trong 6 năm. Thời gian 1953 cho tới khi tắt hơi 1958, chứng kiến sự quay trở lại của Hồ Biểu Chánh trên địa hạt tiểu thuyết sau thời gian 1942-1952 chuyên tâm làm báo. 

Năm 1952, khi báo Thần chung đăng lại những tiểu thuyết của ông, độc giả nô nức tìm đọc. Nắm bắt được sức hút của cây bút này, báo chí, nhà xuất bản đua nhau tìm xuống Gò Công mua tác phẩm của ông.

Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, năm 1953, ông quay trở lại viết tiểu thuyết trong khi đang bị bệnh đau tim. Báo chí, nhà xuất bản thì hối thúc, giành nhau mua bản quyền tác phẩm, mà sức khỏe của ông thì ngày một yếu, bác sĩ không cho viết, đến nỗi vợ con nhà văn phải năn nỉ các nhà báo, nhà xuất bản đừng đến mua tác phẩm của ông nữa để giữ sức khỏe. Thật hiếm ai có sức hút lớn như thế. 

Tâm sự về quãng thời gian ấy, trong Lời di chúc, Hồ Biểu Chánh cho hay “Vì niêm kỷ đã cao (lúc ấy tác giả đã 73 – người dẫn), lại thêm bình sanh làm việc nhiều, tự nhiên sức khỏe của ta phải suy giảm. Tuy vậy mà trí não của ta vẫn còn sáng, tinh thần ta vẫn còn cao, bởi vậy ta vẫn còn viết tiểu thuyết mạnh mẽ như hồi ba bốn mươi tuổi”. 

Văn nghiệp của Hồ Biểu Chánh, được Thiếu Sơn, một người từng cộng tác với Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt tập chí của Hồ Biểu Chánh nhận xét là “Văn nghiệp đó được cấu tạo nên bằng một con tim biết rung động, bằng cặp mắt biết nhận xét, bằng những tình cảm của con người lương thiện không để cho địa vị và quyền thế lung lạc”.

Còn Nhà văn Việt Nam hiện đại khi viết về ông, thật là những dấu ấn đẹp: “tiểu thuyết của họ Hồ thiên về tả việc và lời văn mạnh mẽ, giản dị, nhiều chỗ như lời nói thường”… “Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh lại là những tiểu thuyết có tính chất bình dân, bình dân cả từ những nhân vật ông chọn đến những lời văn ông viết nữa.

Hạng người ông tả là hạng tiểu công chức, tiểu phú hào hay hạng thuyền thợ, hạng dân quê”. Có lẽ bởi thế mà từ bình dân đến công chức, trí thức Nam Bộ đều mê cái văn rặt Nam Bộ dung dị đời thường của ông. 

Một số tác phẩm của Hồ Biểu Chánh
 Một số tác phẩm của Hồ Biểu Chánh

Tay viết đa tài

Một điều kỳ khôi, mà hẳn ít ai biết, ấy là nhà văn Hồ Biểu Chánh, có em là Hồ Văn Hiến, đã từng viết cho các báo Đuốc nhà Nam, Trung lập, Công luận, Đông Pháp thời báo… với bút hiệu là Viên Hoành, nhưng hẳn là bóng dáng của ông anh át hết cả. 

Nghiệp báo chí của nhà văn đến muộn so với nghiệp văn chương. Năm 1918, tờ Đại Việt tập chí được xuất bản tại Long Xuyên với sự chung tay của Hồ Biểu Chánh, Lê Quang Liêm, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Văn Cư và Lê Quang Nhơn.

Nhưng báo chỉ ra được 13 số vì sau đó Hồ Biểu Chánh về Gia Định làm việc. Ở Đại Việt tập chí, Hồ Biểu Chánh đảm nhiệm mục “Lý tài khoa” mục đích bàn luận những vấn đề thương cổ, nông tang cho quốc dân thông hiểu. 

Ông cũng được xem là người có công sáng lập báo Tribune indigène và Quốc dân diễn đàn. Trong thời gian 1919-1925, Hồ Biểu Chánh cộng tác với Quốc dân diễn đàn, Công luận báo, Đông Pháp thời báo. Năm 1935, dưới tác động của ông, con rể ông ra tờ Tiểu thuyết Nam Kỳ nhưng chỉ được 13 số thì bị đóng cửa. 

Từ 1942-1944, ông xuất bản Nam Kỳ tuần báo, Đại Việt tập chí với sự trợ cấp của Sở Thông tin Tuyên truyền Pháp. Việc để cho người Pháp hậu thuẫn ra báo của Hồ Biểu Chánh dạo ấy, đã gây nên nhiều hiểu lầm cho ông.

Không thể phủ nhận ngoài mục đích văn hóa, hai tờ ấy còn có mục đích chính trị làm lợi cho Pháp. Nên nhà văn Sơn Nam trong tạp chí Văn số 80, ra ngày 5/4/1967, chuyên đề Tưởng niệm Hồ Biểu Chánh có ghi: “Ấy là vào khoảng 1943, lúc ông Hồ Biểu Chánh chủ trương tap chí Đại Việt. Chúng tôi đã thất vọng vì bấy giờ ông làm chính trị”. 

Người đời biết nhiều tới tên tuổi Hồ Biểu Chánh trên địa hạt tiểu thuyết, nhưng tài hoa của ông bách nghệ lắm chứ không bó hẹp vậy. Ông viết được cả hài kịch (Vì nghĩa quên nhà, 1917; Đại nghĩa diệt thân, 1945…), hát bội (Công chúa kén chồng, 1945; Xả sanh thủ nghĩa, 1945…), cải lương (Hai khối tình, 1943; Nguyệt Nga cống Hồ, 1943…) khảo cứu (Gia Định Tổng trấn, 1944; Việt ngữ bổn nguyên, 1948…), dịch thuật (Tân soạn cổ tích; Lửa ngúng thình lình), tùy bút phê bình (Hoài Quốc công Võ Tánh; Vườn xưa ghé mắt…), ký ức (Mấy ngày ở Bến Súc, 1944; Tâm hồn tôi, 1949…), diễn văn (Cái chết của người xưa, 1944; Địa vị của đàn bà Việt Nam, 1948…). 

Một số Đại Việt tập chí năm 1943 do Hồ Văn Trung làm Giám đốc
Một số Đại Việt tập chí năm 1943 do Hồ Văn Trung làm Giám đốc

Công luận phẩm bình

Nói về Hồ Biểu Chánh cùng những tiểu thuyết của ông, trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên cho rằng, sức hấp dẫn trong tiểu thuyết của ông chính là ở cách “thuật truyện chơn chất” và nó phản ánh chân thực xã hội miền Nam bấy giờ “Đọc Hồ Biểu Chánh ngày nay chúng ta thấy một cái thú khác, cái thú được sống lại một thời tuy cách đây không xa mà đã có vẻ xưa lắm”, cũng như những tiểu thuyết của ông đều truyền tải thông điệp giáo huấn “Các truyện bao giờ cũng có tính cách xây dựng, lý tưởng.

Truyện lưu lạc trẻ em đưa đến sum họp đoàn viên. Truyện người lớn báo phục đưa đến ơn trả nợ đền”. Thế nên, Phạm Thế Ngũ sau khi bình xét, gọi ông là “Nhà văn đạo lý”, hẳn có cái lý riêng vậy. 

Riêng về con người ông, ký ức về Hồ Biểu Chánh trong mắt của thi sĩ Đông Hồ, là một ký ức tốt đẹp sau khi ông đã hưu trí “Lần gặp gỡ tiên sinh ở nơi biệt cư vùng Vĩnh Hội, bên kia sông, nhìn cử chỉ đơn giản của tiên sinh, nghe lời nói thong thả của tiên sinh, tôi mới thấy có mỹ cảm với nhà văn lão thành này”. 

Với chính bản thân tiểu thuyết gia, trong hồi ức mang tên Đời của tôi với văn nghệ, ông tâm sự “Tôi vững lòng mà để hai chồng báo chí ấy cho người đời bình nghị về dở hay cũng như quấy phải”.

Mảnh vụn văn học sử cung cấp một thông tin chưa có sự xác minh rõ, rằng: “Trước khi lâm chung, nghe đâu ông có trối lại là mộ bia chỉ khắc bút hiệu Hồ Biểu Chánh chớ không phải Hồ Văn Trung.

Phải chăng cử chỉ đó biểu lộ một niềm hối tiếc?” Nay, mộ chí của ông, quả thật tên Hồ Biểu Chánh hiện rõ, nhưng vẫn chú thêm “tộc danh Hồ Văn Trung”. Người đã nằm sâu ba thước đất, mặc công luận phẩm bình. Đời tư chính trị của ông dẫu có góc khuất, thì bạn đọc bao thế hệ vẫn còn mãi nhớ:

“Cay đắng mùi đời, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, vì nghĩa, vì tình, tỉnh mộng ấy ai làm được;

Cang thường nặng gánh, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, thiệt giả, giả thiệt, dứt tình còn ở theo thời.”

Đôi câu đối của Đông Hồ, Mộng Tuyết đề trên lụa vàng viếng ông, khái quát dăm tiểu thuyết gắn liền với tên tuổi nhà văn, và mãi ghi trong lòng độc giả dấu ấn văn chương dù nhà văn ấy gửi hồn cho thiên thu ngày 4/11/1958 tại Hồ Biểu Chánh an tất viên, thuộc phường 11, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh ngày nay…

Đọc thêm