Người Việt không đọc nổi 1 cuốn sách/năm

Mấy ngày qua,  dư  luận ồn ào từ kết quả thống kê  người Việt không chịu đọc sách mà Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch (VH-TT&DL) công bố trước thềm Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013. Cụ thể, dựa trên báo cáo hàng năm của các thư viện gửi về Bộ VH-TT&DL, trung bình người Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm, trong khi đó ngay tại các thư viện công cộng, tỷ lệ này cũng chỉ đạt 0,38 cuốn.

Mấy ngày qua,  dư  luận ồn ào từ kết quả thống kê  người Việt không chịu đọc sách mà Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch (VH-TT&DL) công bố trước thềm Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013. Cụ thể, dựa trên báo cáo hàng năm của các thư viện gửi về Bộ VH-TT&DL, trung bình người Việt đọc 0,8 cuốn sách/năm, trong khi đó ngay tại các thư viện công cộng, tỷ lệ này cũng chỉ đạt 0,38 cuốn.

Số liệu này là rất thấp, tuy nhiên nó phản ánh đúng thực tế. Trong nhịp sống hiện đại với quá nhiều thiết bị điện tử, quá nhiều phương tiện giải trí nghe nhìn khác nhau thì văn hóa đọc dường như bị quên lãng. Hơn nữa, văn hóa đọc chưa được xây dựng đúng nghĩa cho thói quen của người Việt. Vì thế chuyện ngày nay người Việt không đọc nổi một cuốn sách/năm xem ra cũng không phải… giật mình.

Ông Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng dự án “Sách hóa nông thôn” - năm 2011 khảo sát việc đọc sách của người nông dân cho thấy kết quả là nhận được quá nửa câu trả lời là không. Đối với giới trí thức, sinh viên, học sinh, những người thường xuyên phải đọc sách để bổ sung kiến thức mà tỷ lệ còn thấp thì việc người nông dân cả năm không đọc cuốn sách nào cũng là lẽ đương nhiên.

Cũng trong nhà trường, theo một khảo sát của ĐH Sư  phạm Hà Nội thì 80% giáo viên tiểu học không còn đọc sách thiếu nhi, 72% giáo viên tiểu học và THCS không bao giờ gợi ý cho học sinh của mình nên đọc sách gì. Bởi thế, 87% học sinh hai cấp này nếu có đọc thì chỉ đọc truyện tranh nước ngoài.

Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm nay diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội trong cả ngày 20/4 cùng một số sự kiện về sách tại Thư viện Quốc gia Hà Nội ngày 21/4 nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4). Hoạt động trải dài trong cả Ngày hội Sách và Văn hóa đọc ở Văn Miếu Quốc Tử Giám cuối tuần qua là bán và mua sách tại gian hàng của các nhà xuất bản và công ty sách.

Tuy nhiên, trên sân khấu chính của Ngày hội Sách và Văn hóa đọc còn có cả diễn xiếc, khiến nhiều khán giả ồn ào tán thưởng, nhưng một số lại lắc đầu không đồng tình: diễn xiếc trong Ngày hội Sách để làm gì?. Rồi nữa, đến Ngày hội để chia sẻ về sách, về văn hóa đọc chứ đâu phải xem ca nhạc!.

Một hoạt động thường có  trong các sự kiện về sách là các tọa  đàm, hội thảo về sách, văn hóa đọc, giáo dục. Nhưng trong Ngày hội Sách lại là chủ đề về chương trình giáo dục hiện đại của nhóm Cánh Buồm….

Và xem ra, trong số hàng ngàn người đến với Ngày hội Sách, con số những người đam mê sách có lẽ không nhiều…

Ở gia đình thì do bậc phụ huynh vì bận rộn với những lo toan về cuộc sống nên cũng ít có thói quen đọc sách, họ không là tấm gương để có thể ảnh hưởng và vun đắp cho con mình sự yêu thích sách. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây của ngành Giáo dục chỉ ra rằng: Có 79% phụ huynh không cùng con đọc sách, 86% phụ huynh không hề đọc một tác phẩm văn học thiếu nhi nào, kể cả họ có con trong lứa tuổi thiếu nhi.

Điều đau lòng là người trẻ lao vào văn hóa nghe nhìn, chơi game, truyện tranh… mà không còn biết tới văn hóa đọc với rất nhiều sự tưởng tượng và mỹ cảm. Thế nên, một câu hỏi đang đặt ra hiện nay là mỹ cảm của thế hệ người Việt trẻ hôm nay hình thành từ đâu?.

Từ truyền thông với đâm, chém, cướp, giết, hiếp, “lộ hang”… là thông tin chủ đạo trên báo chí, với K-Pop, với những games show truyền hình ngập tràn quảng cáo với scandal? Vấn đề như vậy thì làm sao? Người ta nói mãi rồi, phê phán mãi rồi, mà phê phán thì rất dễ. Điều khó hơn, và chắc hẳn quan trọng nhiều hơn chỉ có thể là cứu lấy những mỹ cảm của trẻ con. Nhưng ai cứu trẻ con khi mà nhà trường rập khuôn đọc chép như thế, khi mà hệ thống thần tượng như thế?.

Làm sao để không khí đọc sách, say mê sách trở thành niềm đam mê của mỗi đứa trẻ ngay từ trong chính gia đình khi người lớn luôn thấy cái đẹp và những giá trị, khi tâm hồn luôn rung lên những xúc cảm thẩm mỹ, những thương yêu, độ lượng toát ra từ cuộc sống giản dị, từ những trang sách lấp lánh như Những bông hồng vàng của Pautopxki…

Miên Thảo

Đọc thêm