Ngượng chín mặt chuyện trẻ em đánh nhau vì lì xì

Vừa thấy khách vào nhà, thằng nhóc 3 tuổi đã ríu rít: “Mừn tuội, mừn tuội (mừng tuổi, mừng tuổi)…”. Ở một gia đình khác, bé gái 4 tuổi chỉ tay vào khách rồi mách mẹ: “Chú ấy vẫn chưa mừng tuổi con”. Không ít tình huống lì xì ngày tết khiến người lớn “dở cười dở khóc”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Mùng 3 tết năm nào cũng thế, nhà anh Hiếu (đường Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội) lại là địa điểm để tụ tập bạn bè. Nhưng năm nay anh được phen ngượng chín mặt với các bạn. Số là vừa mở cổng đón bạn vào, thằng nhóc 3 tuổi con anh cũng từ trong nhà chạy ra ôm chân bố ríu rít: “Mừn tuội, mừn tuội (mừng tuổi, mừng tuổi)…”.
Chưa hết, lúc khách ăn uống xong xuôi ngồi ghế uống nước, thằng nhóc cứ lượn “một vòng trái đất” và nhìn lom lom vào một người khách. Bám vai mẹ, nó thủ thỉ đủ để mọi người nghe thấy: “Chú kia vẫn chưa mừng tuổi con”. 
“Miệng mách tội trong khi tay chỉ thẳng vào cậu bạn mình. Cả hai vợ chồng được phen ngượng chín mặt”. Anh Hiếu nói như phân trần: “Trẻ con lại ngày tết, mình không thể đánh mắng nó. Chỉ sợ mọi người hiểu lầm, lại nghĩ rằng mình xúi con”.
Theo anh kể, chính anh tết năm trước cũng lâm vào tình cảnh giống như người bạn hôm nay của mình. Một lần đến nhà bạn chơi, do gặp nhiều trẻ con nên anh lì xì hết cả số tiền chuẩn bị sẵn để mừng tuổi. Lúc đến nhà bạn tiếp theo, trong ví anh chỉ còn toàn tiền 200 và 500 nghìn đồng. Trong khi các bạn khác của anh đã “xong thủ tục” thì anh vẫn cứ loay hoay không biết phải làm sao.
“Nhà có hai đứa trẻ thôi nhưng nghĩ bụng mừng tuổi chúng số tiền lớn vậy thì tiếc của, lại bất công cho những đứa khác. Loay hoay một hồi cuối cùng quyết định “bùng”, lúc khác gửi bù. Ngờ đâu, thằng bé lớn nó cũng chỉ tay vào mình rồi mách bố mẹ nó là mình chưa mừng tuổi”.
Cùng cảnh dở khóc dở cười ngày tết, anh Tùng ở khô đô thị Việt Hưng đi chơi tết nhà bạn gái còn trớ trêu hơn. Trước khi đi anh đã chuẩn bị số tiền trong bao lì xì dự trù đủ cho cháu chắt đàng “nhạc phụ”. “Đến nơi thấy lít nhít trẻ con, mình lôi hết ra phát cho mỗi đứa một cái, nghĩ bụng nở mũi với nhà người yêu. Ai ngờ đến lúc khách về hết mới biết là trẻ con nhà hàng xóm, cùng lúc cháu nhà anh trai nàng cũng mới đi chơi về. Những tận 4 đứa mà trong ví chỉ còn mấy tờ tiền 100 USD và tiền 500 nghìn. Vậy là đành nhắm mắt nhắm mũi phát mỗi đứa một tờ rồi chuồn thẳng, được lòng nhà vợ mà nẫu hết cả ruột vì tiếc tiền”, anh Tùng cười nhăn nhó.
Tính cẩn thận đến như anh Vinh (phố Chùa Bộc, Hà Nội) mà vẫn còn dính “phốt”. Để tiện trong việc mừng tuổi, trước tết anh dặn vợ mua nhiều bao lì xì với mẫu mã khác nhau. Mỗi loại anh nhét vào tờ tiền mệnh giá nhỏ đến lớn, 200 nghìn nhét vào cái to và đẹp hơn, giành cho người quan trọng. Những loại khác chỉ từ 50 nghìn và thấp nhất là 10 nghìn phòng tình huống phát sinh ngoài dự kiến.
Đã có sự chuẩn bị nên hôm đến nhà bạn chơi, gặp cả trẻ con nhà hàng xóm của bạn ở đó nhưng anh Vinh vẫn tự tin móc hầu bao phân phát. Không ngờ bọn trẻ con xúm nhau lại bóc ngay bao lì xì ra để so sánh, mỗi đứa một tờ khác nhau. Chúng tị nạnh cãi nhau om xòm, lúc ấy anh Vinh chỉ ước có kẻ nẻ để chui cho đỡ xấu hổ.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Theo chuyên gia tư vấn tâm lí Đinh Ánh, những tình huống dở khóc dở cười trong chuyện lì xì ngày tết “chỉ tại trẻ con” như trên không hiếm. Một phần là do vô tình, nhưng cũng có thể chính người lớn lại là nguyên nhân gián tiếp, tiêm nhiễm vào đầu trẻ biến chúng thành kẻ “mê tiền”.
Bà đã từng chứng kiến nhiều bố mẹ hoặc ông bà nói với con rằng: “tết này Bin lại tha hồ đầy túi tiền nhé” hoặc hỏi con “chú x, cô y hôm nay đến nhà có mừng tuổi con không? Mừng nhiều không?”. Nhiều ông bố bà mẹ thậm chí không ngại nói ngay trước mặt con cảm nghĩ của mình “chú này (cô này) ki bo thế nhỉ. Mừng thế này thà không mừng còn hơn”.
Các em không biết tiêu tiền để hiểu giá trị của đồng tiền, nhưng chính những câu nói như thế của người lớn đã vô tình gieo vào đầu trẻ tính “mê tiền”, coi tiền là thứ vô cùng quý giá mà chúng phải có thật nhiều. Nhiều bà mẹ còn tự hào vì con mình mới chỉ vài tháng, nhưng ai đến cho tiền đã biết giữ thật chặt trong tay.
“Chuyện các bé mới chỉ 2 hoặc 3 tuổi, nhưng đã thích tiền và biết giữ tiền khư khư, tranh nhau bao lì xì với các bạn ngày nay là chuyện không hiếm. Những lỗi ấy, phần lớn là do người lớn chúng ta”, chuyên gia khẳng định.

Đọc thêm