Nguyên nhân cá biển chết bất thường có trong tuần tới?

(PLO) - Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cam kết cử các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực môi trường kiểm tra các mẫu nguồn nước biển và trong vòng 3-5 ngày tới sẽ có kết luận chính thức vụ việc.
Ngư dân xót xa kêu trời khi cá biển chết bất thường trắng bờ.
Ngư dân xót xa kêu trời khi cá biển chết bất thường trắng bờ.

Hôm nay, 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác đã tới kiểm tra tại một số hộ nuôi lồng bè, cơ sở nuôi trồng thủy sản của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; chỉ đạo các ngành liên quan sớm xác định nguyên nhân cá chết và hỗ trợ người dân ổn định tình hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất quy mô lớn có hệ thống khí thải, nước thải và tiếng ồn. Các đơn vị chỉ đạo các cơ sở sản xuất có quy mô lớn xây dựng hệ thống quan trắc tự động và nối mạng trực tiếp với các Sở Tài Nguyên và Môi trường để có sự giám sát, theo dõi kịp thời những vấn đề liên quan đến môi trường.

Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cam kết cử các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực môi trường kiểm tra các mẫu nguồn nước biển và trong vòng 3-5 ngày tới sẽ có kết luận chính thức vụ việc.

Quang cảnh cuộc họp do Bộ NN&PTNT chủ trì
Quang cảnh cuộc họp do Bộ NN&PTNT chủ trì

Trước đó, chiều 23/4, đại diện Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì, đã có buổi làm việc với các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế nhằm nắm bắt tình hình, truy tìm “thủ phạm” gây nên tình trạng cá chết hàng loạt.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ NN&PTNT, khẳng định cá chết do “yếu tố độc” nhưng là độc gì, do đâu thì “phải cần thời gian mới làm rõ nguyên nhân”. Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Dung - vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, cần phải tập trung điều tra vào các nhóm độc tố là độc sinh học (tảo) và độc vô cơ (hóa chất).

Trước thông tin cho rằng đường ống xả thải khổng lồ của Công ty Formosa chạy ngầm dưới đáy biển là trái phép, thì ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên &Môi trường (TN&MT) khẳng định đường ống xả thải của Formosa đã được cấp phép. 

Mỗi ngày đường ống của Formosa xả khoảng 12.000 m3 nước thải ra biển.

Mỗi ngày đường ống của Formosa xả khoảng 12.000 m3 nước thải ra biển.

Hệ thống đường ống xả thải của công ty Formosa công khai, đường ống nằm dưới mực nước biển 17m, đường kính hơn 1 mét, chiều dài đường ống cách bờ biển là 1,5 km. Theo quy định trước khi Formosa xả thải thì toàn bộ nước thải phải được xử lý.

Đại diện một số đơn vị của Bộ TN&MT cho biết, ở thời điểm cấp phép, chất lượng nước thải của Formosa đạt tiêu chuẩn. Ba tháng một lần, mẫu nước thải công ty này được kiểm tra và đều đạt chuẩn.

Cá chết tiếp tục dạt vào vách đá tại Hà Tĩnh
Cá chết tiếp tục dạt vào vách đá tại Hà Tĩnh

Đại biểu các tỉnh có cá chết hàng loạt cho rằng, người dân đang hoang mang lo lắng, không dám ăn cá, tàu thuyền đánh bắt hải sản về không bán được, các tiểu thương đóng cửa.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, hiện tượng cá nuôi, cá tự nhiên nằm ở tầng đáy chết nhanh, xuất hiện trên diện rộng là hiện tượng bất thường. “Đây là vấn đề mới và khó nên ban đầu có sự lúng túng và sau đó vào cuộc nhanh, nhưng cho đến nay chưa tìm ra nguyên nhân chính xác”.

Liên quan đến lo lắng của người dân hiện nay, một chuyên gia cho rằng, nên tạm ngưng việc khai thác khu vực ven bờ đến khi tìm ra nguyên nhân.

Vị chuyên gia này cũng đề xuất: “Để đảm bảo an toàn thực phẩm, nên có kiểm định các sản phẩm khai thác xa bờ từ Huế ra Hà Tĩnh không có độc. Đối với các đoàn tàu khai thác dưới đáy biển, đưa ra khuyến cáo di chuyển đến ngư trường khác. Bộ nên có cơ quan kiểm định các sản phẩm khai thác được trong khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Nếu đảm bảo, nên công bố rộng rãi để người dân yên tâm sử dụng”.

Đọc thêm