Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương: Không cần làm gì hơn một nhà báo tử tế

(PLO) - Biết Quỳnh Hương từ ngày cùng ngồi trên giảng đường với những bài phóng sự thấm đẫm nhân văn. Cô vẫn luôn là vậy với  vẻ ngoài cá tính, tóc ngắn, kính dày và một cái nhìn vừa ngơ ngác, vừa sắc sảo, vừa đàn bà, vừa trẻ con…  
Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương: Không cần làm gì hơn một nhà báo tử tế
Sự tử tế từ những điều nhỏ bé 
Thật khó để hình dung ra một Nguyễn Quỳnh Hương đằm thắm, dịu dàng như bây giờ vì tôi từng nghĩ chị sẽ sống giống với một phiên bản nào đó trong làng báo. Quan niệm của chị về nghề được thể hiện thế nào trong cuốn “Trái tim đàn bà”?
- Không phải bạn đâu, tất cả bạn thân của mình đều từng nghĩ thế. Thực ra quan niệm làm báo của mình đã thay đổi theo thời gian. Càng làm thì càng suy nghĩ về nghề nghiệp đơn giản hơn. Nếu không làm được cái gì lớn lao thì hãy làm những việc nhỏ thôi. Mình quan niệm rằng, mỗi bài báo có nhiệm vụ là làm người đọc yêu quí chính bản thân mình hơn, tin cậy cuộc sống này hơn. Thế là đã có ích lắm rồi!
Quyển sách là tập hợp những tản văn mình viết cho chuyên mục “Ngọn lửa nhỏ” trên báo Phụ Nữ. Đây là chuyên mục thường kỳ xuất hiện vào ngày thứ 2 hàng tuần, về các đề tài cuộc sống hàng ngày, tình yêu thương, quay về những giá trị tự nhiên và nhân bản, tôn trọng và nâng niu khác biệt của mỗi cá nhân... 
Dường như trên hành trình làm báo của mình, mọi người biết tới chị như “một con dao pha” với rất nhiều mảng từ chính trị, phóng sự, văn nghệ tới tản văn…Nhưng có vẻ điều cốt lõi chị luôn theo đuổi đó là khơi dậy những cảm xúc và lây lan tình yêu cuộc sống?
- Mình nghĩ nghề báo không phải là sự xả thân theo nghĩa nào đó lớn lao mà với mình đó là sự quay về những giá trị tử tế và tự nhiên, vốn sẵn có trong cuộc sống của chúng ta. Bởi con người đang ngày càng mất mát đi nhiều thứ khi chúng ta không còn sống chậm nữa. Thế nên, nếu như chúng ta không biết cách tự giải phóng bản thân mình, sống chậm lại để nhìn ngó xung quanh và tìm thấy những niềm vui bé nhỏ, bạn sẽ đánh mất và không nghĩ về nó nữa. 
Bạn không còn biết xúc động về bầu trời sau cơn mưa, sự thơ ngây của trẻ nhỏ cứu rỗi người lớn như thế nào, những ấm áp của gia đình - nơi mình được cất giấu, nơi luôn có ai đó quay về đợi chờ mình. Có lẽ, mình luôn hết lòng tử tế từ những điều bé nhỏ. Mình cho rằng, những chuyện to lớn như yêu tổ quốc, sự thật thà, chân thực không lay động nếu bạn không biết yêu thương từ những điều giản dị trong cuộc sống… 
Với mình nghề báo không có gì ghê gớm hơn làm cô giáo hay nội trợ, mình đến và sống với nghề một cách tự nhiên và nó cho mình nhiều năng lượng… Dù cho, ở cái văn phòng bé nhỏ này, nơi mình thường ngồi một mình, với cái bàn bừa bộn sách báo và thịnh soạn chỉ với tí xíu nhạc. Tí xíu thôi, rất khẽ đủ để cho mình chấp chới bay được lên chừng 20cm cách mặt đất những lúc thật mệt và thật buồn.
Là một nhà báo “sống” trong đời sống văn nghệ, quan điểm của chị ra sao khi không ít tờ báo mê mải chạy theo giải trí và tâm lý đám đông?
- Quan điểm của mình là không thích cách đó, hiện nay không ít tờ báo đang nhầm lẫn giữa văn hoá và giải trí. Hiện trang văn hoá nghệ thuật còn lại rất ít ỏi, chủ yếu mang tính giải trí, gợi tò mò tới công chúng. Mình không cho rằng những thứ giải trí đó khiến người ta sống tử tế hơn, đơn giản đó chỉ là những chuyện hiếu kì và mình miễn dịch nghe nhìn những thứ đó. 
Nhưng đó là đời sống, và điều đó cho chúng ta suy nghĩ rằng cuộc sống thật buồn tẻ, nghèo nàn, không có gì để tiêu khiển. Thế nên mỗi khi có điều gì đó ồn ào xuất hiện khiến người ta vui hơn chăng? Bản chất của sự việc là không ai cần bạn đánh ghen hộ nó cả. Những người đang bận bịu làm việc họ không có thời gian để lao vào đám đông, điều đó chỉ dành cho những kẻ không có việc gì để làm…
Có thể gọi chị là nhà báo, nhà văn được không? Và văn chương thì thường gắn với những vật vã rất đau và rất đẹp trong tâm hồn…
Ồ không, mình ngưỡng mộ những người làm văn chương. Mình tự biết mình vĩnh viễn không có khả năng đó. Mình chỉ đứng từ xa chiêm ngưỡng và dừng lại làm “cu li” bàn phím. Mình không đủ “liều lĩnh” với văn chương và mình cũng không cần làm gì hơn một nhà báo tử tế. Khi làm sáng tạo thì con người mới thể hiện sự ích kỉ nhất, là con người cá nhân độc đáo, duy nhất. Tóm lại khi họ sáng tạo họ sẽ hiện diện với một con người khác, còn mình, mình sống bình dị trong cuộc đời này… 
Với mình, chỉ đơn giản là, dù cho mình có vui vẻ, mình vẫn thấy có một nỗi buồn mơ hồ trong đó. Cái nỗi buồn mơ hồ và u uẩn ấy thực ra là tài sản của mình. Nó bắt mình đi chậm và nhìn ngoái lại. Có lúc mình ao ước cứ ở lại mãi nơi ngoái lại nhìn thấy ấy....
Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương – Mình hạnh phúc với mấy chữ “cu ly bàn phím”

Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương – Mình hạnh phúc với mấy chữ “cu ly bàn phím” 

Bếp - trái tim của đàn bà
Ở phần 2 của Trái tim đàn bà là “Chia tay với chính mình”, phụ nữ hiện đại đều thấy bóng dáng mình ở đó với nhiều nỗi niềm. Nhưng có lẽ tới một lúc nào đó, họ đã tự tìm cho mình “ lối thoát” khi họ không thấy được sự chia sớt, yêu thương? 
- Mọi điều người phụ nữ làm, dù có to tát tới đâu cuối cùng vẫn là sự cân bằng với gia đình. Dù cho nàng có là “siêu nhân”, vừa xây nhà, xây tổ ấm, mang vác tất cả thay cho đàn ông trong gia đình. Ở ngoài xã hội, nàng làm việc không thua kém đàn ông trong mọi lĩnh vực nhưng khi về nhà, sau cánh cửa gia đình nàng không thể bỏ tất cả đó, gác chân xem ti vi, đọc báo hay đi uống bia “chém gió” với bạn bè, hay đi chơi đâu thì đi, mà không cần biết con mình hôm nay ăn học như thế nào… 
Những điều phụ nữ cân đối hai vai đó mà không bao giờ nghĩ rằng mình kì diệu hay tài giỏi. Nhưng thực tế đàn bà quá giỏi và quá vất vả khi mà họ luôn nhận tất cả trên vai nhẹ nhàng như một lẽ tự nhiên, không so bì. Họ đi rất thẳng với đầy đủ trách nhiệm trên vai…
Tuy nhiên, phụ nữ ngày càng tự yêu bản thân và hướng tới những điều làm thế nào để mình được hạnh phúc nhiều hơn, khi họ không tìm được hạnh phúc trong sự hy sinh, họ không còn tự hào trong việc chịu đựng cho đi quá nhiều là chuyện hết sức bình thường nữa. Đàn bà vốn là tạo vật yếu đuối và đẹp đẽ. 
Các bạn gái trẻ 8x ngày nay họ thực hiện quyền được hạnh phúc của mình, sẵn sàng vứt bỏ hôn nhân. Mình thấy điều đó cũng tốt, không nên chịu đựng bất cứ điều gì khi mình không được là chính mình, huỷ hoại mình vì gia đình hay mái nhà. Chúng ta chỉ có một cuộc đời duy nhất, không nên để bản thân thấy lãng phí đời mình…
Vậy gia đình có là điểm tựa của chị không? Cuộc sống gia đình chị hẳn là thú vị?
- Mình không chờ đợi điểm tựa. Nhưng mình nhận ra, trong các gia đình, sau một số năm chung sống ngày càng nhạt nhẽo, xa lạ và thậm chí mất cảm giác giống như mình đang sống cùng một thằng bạn hay một con bạn sỉn màu bên cạnh nhau. Và có một cách thứ hai đó là thấy như mình đựơc ở cùng một người bạn, hàng ngày trò chuyện, lắng nghe và chia sẻ. Ở đó mình cảm giác về một tình bạn thật sự, cảm thấy yên tâm, ấm áp và người ấy là ruột thịt của mình. 
Gia đình mình đang đứng ở cách thứ 2 này… Dù vợ chồng mình rất khác nhau. Anh xã là người sống ổn định, chắc chắn nhưng vợ thì thất thường, cảm xúc “trồi sụt” và đều quá mức nhưng có lẽ chính vì thế mà cả hai kéo nhau đi: mình cân bằng và ổn định hơn, anh xã thì có cuộc sống nhiều màu hơn…
Chị nói về đàn bà là “siêu nhân” nhưng thực ra ở chị vẫn là một phụ nữ truyền thống, đối lập hoàn toàn với vẻ ngoài của chị. Và chị viết về bếp của người đàn bà dường như quá lấp lánh và say mê?
- Khi mọi người bị đau một chuyện gì đó, những nỗi đau tưởng như chết đi, sống lại - có thể bạn sẽ ở yên trong góc phòng ngủ của bạn vài ngày, có thể bạn sẽ nổi loạn, đi bar… Nhưng với mình những chuẩn mực về cảm xúc có vẻ hơi kì dị nhưng mình không để những cảm xúc đó ảnh hưởng tới mọi người, tới công việc và gia đình. Mình chao đảo, vật vã là chuyện của mình. Thế nên, mình rất ghét ai đó sai hạn định công việc. Gia đình thì luôn phải ổn, nghĩa là về nhà sẽ luôn có cơm nóng, canh sốt buổi tối và con cái, nhà cửa sạch sẽ, thơm tho…
Có nhiều người nghĩ vào bếp là bổn phận chăm sóc gia đình nên họ dùng từ “phải vào bếp”. Với mình, vào bếp là nơi niềm vui tuyệt đỉnh và cả sự ích kỉ khi mà đó là nơi cáu giận, vui quá hay buồn quá mình đều vào bếp. Hành vi nấu ăn với mình là sự yên tĩnh tuyệt đối. Nó chấm dứt những xộ xệch và vá víu những lỗ thủng lỗ chỗ của nó. 
Bếp là trái tim của đàn bà để đàn bà không bao giờ thấy bất hạnh và cô đơn. Kể cả khi không có đàn ông thì sáng sáng, tối tối, người đàn bà vẫn luôn tìm thấy mình ở trong bếp… Ngày bé tí mình đã là đứa trẻ con hay lọ mọ trong bếp. Và góc bếp trở thành nơi an toàn nhất, yên tâm và thư thả nhất…Với mình, nếu rảnh rỗi sẽ rất buồn, mình chỉ thấy cuộc sống vui vẻ khi làm việc và bận rộn… 
Thông điệp chị gửi gắm qua Trái tim đàn bà là gì?
- Nếu bạn là phụ nữ, bạn hãy luôn thấy cuộc sống thật đáng yêu với quá nhiều niềm vui. Đừng bao giờ tuyệt vọng, hãy nhìn cuộc sống từ đôi mắt của chúng ta khi bạn đối xử tử tế và nâng niu cuộc sống của chính mình. Cuộc sống luôn đáng yêu, nếu ta biết cách yêu nó. Vì cuối cùng mình vẫn đang tiếp tục được sống, được thương yêu và được đau khổ.
Với đàn ông thì mình mong họ đọc để thấy điều đẹp nhất của người phụ nữ chính là trái tim nồng ấm và khả năng yêu thương vô tận… Cô ấy thật mong manh, yếu ớt, không đáng phải mang tất cả mọi gánh nặng trên vai để giảm đi nồng độ yêu thương bởi trái tim luôn đẹp hơn vỏ tim…
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!

Đọc thêm