Nhà dưỡng lão và chữ hiếu thời nay

(PLVN) - Văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng luôn có quan điểm bố mẹ sinh con ra, nuôi dưỡng con. Sau này chúng phải có trách nhiệm báo hiếu, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu. Thế nhưng, xã hội ngày càng hiện đại, thì chữ hiếu có lẽ cũng cần được thay đổi…
Cha mẹ nào cũng mong con sống một đời bình an.
Cha mẹ nào cũng mong con sống một đời bình an.

Cha mẹ nào cũng mong con sống một đời bình an

Sau một loạt các vụ xung đột trong gia đình xảy ra giữa con cái và cha mẹ thời gian gần đây, những câu chuyện xoay quanh chữ hiếu lại được xã hội đưa ra mổ xẻ với nhiều câu hỏi đặt ra như: Thế nào là chữ hiếu trong thời nay; Để báo hiếu cha mẹ con cái phải chịu nhiều gánh nặng trong cuộc sống thì cha mẹ có vui không; Cha mẹ có nên oán trách khi con cái vì hoàn cảnh mà không thể báo hiếu cho cha mẹ như ý muốn…

Trong những cuộc trao đi đổi lại trên các diễn đàn, có bài viết của một bà mẹ được nhiều người chú ý. Bà mẹ kể lại câu chuyện của mình xung quanh quan điểm về chữ hiếu.

“Tôi làm cán bộ nhà nước, năm nay 55 tuổi, là mẹ của hai đứa con. Các con tôi đã trưởng thành, có công việc ổn định và lập gia đình riêng. Ngay từ khi dựng vợ gả chồng cho các con, tôi xác định cho chúng ra ở riêng và độc lập về kinh tế.

Tôi cũng tuyên bố khi sức khỏe mình suy yếu, không thể tự chăm sóc, tôi sẽ vào viện dưỡng lão. Tiền chi trả hàng tháng cho dịch vụ này trích từ tiền lương hưu và tiền tôi tích lũy được. Để có được suy nghĩ này, tôi đã trải qua hành trình dài của thay đổi nhận thức.

Trước đây, tôi rất bất mãn khi thấy ai đó vì nhiều lý do phải đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão sống. Văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng luôn có quan điểm, bố mẹ sinh con ra, nuôi dưỡng con. Sau này chúng phải có trách nhiệm báo hiếu, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu. Thế nhưng, xã hội ngày càng hiện đại. Tôi ra ngoài tiếp xúc nhiều, dần dần tôi nhận ra, suy nghĩ đó hoàn toàn cổ hủ.

Từ khi chứng kiến câu chuyện của chị gái ruột, tôi càng cởi mở hơn về việc này. Chị gái tôi chỉ có một cậu con trai duy nhất, đã lấy vợ. Một lần chị lên cơn tai biến. Mặc dù qua cơn nguy hiểm nhưng tay chân chị yếu hẳn, ngồi xe lăn. Cả ngày chị ở nhà làm bạn với bốn bức tường, không đi ra ngoài giao lưu được. Từ người hoạt bát, chị mắc chứng trầm cảm.

Nỗi cô đơn tuổi già cộng với nỗi buồn bệnh tật khiến chị càng suy sụp, trí nhớ giảm sút. Con chị hiếu thảo nhưng bận rộn liên miên, ít có thời gian trò chuyện cho mẹ khuây khỏa. Việc vệ sinh cá nhân, nấu nướng cho chị ăn ngày 3 bữa cũng thấm mệt. Vợ chồng quay ra cáu kỉnh lẫn nhau. Chị cảm giác mình là người thừa thãi, làm khổ các con.

Phương án thuê giúp việc cũng không ổn vì tìm được người tâm huyết rất khó. Cuối cùng, con trai chị thuyết phục mẹ chuyển đến viện dưỡng lão ở, hàng tuần con sẽ vào thăm.

Ban đầu chị không đồng ý, tôi cũng sốc và phản đối kịch liệt. Mọi người chỉ trích cháu bất hiếu. Thế nhưng, sau một tháng vào viện dưỡng lão, chị tôi thay đổi hẳn. Tôi vào thăm còn ngỡ ngàng.

Trong viện, có nhiều người cùng tuổi, được bầu bạn chị tôi vui vẻ hơn. Hàng ngày có hộ lý chăm sóc, tập vật lý trị liệu, thuốc men uống đầy đủ, tay chân chị đỡ dần. Cuối tuần vợ chồng con trai vào thăm, ai cũng cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng.

Chị có vấn đề gì, nhân viên y tế của viện sẽ báo về cho con cái qua điện thoại. Tôi thấy đó là biện pháp tốt cho cả chị và các cháu. Con cái không phải lo lắng mẹ ở nhà làm sao, có bất trắc gì hay không, bản thân mẹ cũng thoải mái tư tưởng khi có bầu bạn trò chuyện và thấy mình không phải là gánh nặng cho người khác.

Qua câu chuyện của chị gái, tôi nghĩ rằng, mọi người đừng nên đặt nặng trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ lên con cái. Một đứa trẻ không tự ý bước vào cuộc đời bạn, ngược lại, bạn mới người muốn chúng ra đời. Tôi tin bất cứ cha mẹ nào cũng đều mong con cái ngoan ngoãn, trưởng thành và sống một đời bình an.

Tư tưởng con cái phải phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, làm tròn đạo hiếu vô hình chung khiến đứa trẻ vừa ra đời phải mang một gánh nặng trên vai. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn mong con hạnh phúc hay sao? Muốn con hạnh phúc, hãy cởi bỏ những trách nhiệm cho chúng…. 

Tôn trọng và làm theo ý muốn của bố mẹ

Có thể thấy với tâm sự này, quan điểm của người phụ nữ, người mẹ nói trên nhận được khá nhiều phản ứng trái chiều, đồng tình có, phản đối có. Có quan điểm cho rằng, cha mẹ đã cho con cuộc đời, lo ăn, lo học thì việc báo hiếu cho cha mẹ là nghĩa vụ đương nhiên của con, nói cách khác, con cái là “của để dành”, là “phần tài sản ăn dè” của cha mẹ cho tuổi già. 

Nhưng cũng có quan điểm nêu bố mẹ chỉ nên nuôi dưỡng con đến năm 18 tuổi. Sau đó, những đứa trẻ phải tự bươn ra ngoài kiếm sống, trưởng thành. Thay vì tằn tiện chi tiêu, gom góp mua nhà, mua xe… cho con, cha mẹ nên để dành tiền đó dưỡng già hoặc để dành lo cho mình để con không phải sống cuộc đời với gánh nặng trên vai.

Ở với con trong thời buổi công việc bận rộn này, có nghĩa là thui thủi mình một nhà với bức tường hoặc tivi, hay làm ô sin trông cháu nấu cơm cho con thay vì nghỉ ngơi, dưỡng già. Rồi nếu con cái bận rộn, không chăm sóc chu đáo lại tủi hờn, rồi trách cứ chúng…

Trong khuôn khổ bài báo này, xin phép không bình luận ai đúng, ai sai vì cuộc sống muôn hình muôn trạng và mỗi gia đình, mỗi cá nhân có một hoàn cảnh khác nhau. Chỉ xin dẫn ra đây quan điểm của bà Hoàng Thị Thu Ngân – Phó Giám đốc Trung tâm dưỡng lão D.H trong một lần trao đổi với truyền thông. Theo bà Ngân, các gia đình nếu có thể hãy tự chăm sóc bố mẹ, bởi bản chất thói quen của người phương Đông là bố mẹ thích được gần con cái. 

Tuy nhiên, theo bà Ngân, chữ “hiếu” bây giờ cần được thay đổi. Tức là có hiếu không phải là luôn giữ bố mẹ ở bên cạnh mình mà là tôn trọng và làm theo ý muốn của bố mẹ, ít nhất là khi họ còn tỉnh táo. Nếu như bố mẹ muốn ở nhà thì nên để ông bà ở nhà, còn nếu bố mẹ muốn đi viện dưỡng lão thì nên đưa các cụ đến. 

Với những trường hợp mà các gia đình không có đủ điều kiện về thời gian, bởi quá bận rộn với công việc và không có kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, nhất là khi các cụ ốm bệnh thì nên suy nghĩ tới việc đưa các cụ vào trung tâm dưỡng lão. Bởi tại đây sẽ có các điều dưỡng, những người có chuyên môn về chăm sóc người cao tuổi. Mặt khác, tại trung tâm dưỡng lão cũng sẽ có nhiều cụ già, họ có thể làm bạn, nói những câu chuyện xưa và chia sẻ cùng nhau.

“Cha mẹ, ông bà khi về già có thể có những biểu hiện của tuổi tác, khi yếu khi đau, khi nhớ khi quên, trái tính trái nết, dễ sinh ra mất lòng, gây khó chịu cho con cháu. Thông hiểu được những biểu hiện của tuổi tác và sự lệch pha giữa các thế hệ, phận làm con, làm cháu phải bình tĩnh kiên trì, biết lắng nghe, biết chịu đựng để tháo gỡ, để hòa nhập, cần phải đem lại niềm vui tuổi già cho cha mẹ, ông bà” – Trích Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành. 

Đọc thêm