Nhà Phật khẳng định “Phụ nữ không phải là món đồ sở hữu của đàn ông”

(PLO) -Vốn được coi là tôn giáo ít bị tính cách phụ hệ chi phối, giáo lý Phật giáo đã và đang đóng góp những gì cho sự bình đẳng giới tính, cho nữ quyền? Hay nói cách khác, vị trí phụ nữ trong Phật giáo là gì?
Hình minh họa
Hình minh họa

Không sai khi nói rằng phụ nữ ngày càng có nhiều trách nhiệm trong xã hội hơn. Cùng lúc, họ phải giữ vai trò và trách nhiệm của một người mẹ, người con gái, người chị, người vợ, người nội trợ và ngày nay trong xã hội hiện đại họ còn phải đi làm. 

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tư tưởng “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô – một trai là có mười gái cũng như không”, thậm chí đến chùa lễ Phật cũng có ý chọn chùa tăng (nam giới trụ trì) thay cho chùa ni (nữ giới trụ trì) vì “đến chùa toàn đàn bà nặng vía”… 

Ngày nay, trong Phật giáo, phụ nữ không chỉ tham gia với tư cách là những tín đồ hay thí chủ mà còn là các tu sĩ và thầy dạy. Bởi Phật giáo không xem người phụ nữ chỉ đơn giản là công cụ sinh đẻ và mục tiêu duy nhất của người phụ nữ không phải chỉ là hôn nhân. 

Đức Phật đưa phụ nữ lên một vị trí danh giá

Trong bài viết “Quan điểm của Phật giáo về nữ giới”, tác giả Như Hạnh đã đề cập tới vai trò của  phụ nữ trong Ấn giáo thời cổ. Theo đó, Phật giáo khởi thuỷ trong bối cảnh văn hoá Ấn giáo và trên mặt tư tưởng, Phật giáo chia sẻ với Ấn giáo một số khái niệm nền tảng. 

Tuy nhiên, điểm dị biệt là Đức Phật không chấp nhận những cơ chế nghi lễ căn bản của Ấn giáo đặt trên nền tảng của hệ thống giai cấp. Điều này cũng đóng góp cho quan điểm của Đức Phật về nhân phẩm và vị trí của người phụ nữ. 

Ấn giáo quan niệm, con trai được xem là thiết yếu trong việc thi hành tang lễ để giúp vong linh người cha đạt được cõi trời, nên từ đó nảy sinh ra các nghi lễ để ngăn chặn việc sinh con gái, bởi vì con gái bị xem như gánh nặng cho gia đình cho đến khi đi lấy chồng. Vai trò của người phụ nữ chỉ là làm vợ và sinh đẻ (làm mẹ). Người vợ phải hoàn toàn phục tùng chồng và cha mẹ chồng….

Nói rõ hơn về điều này, trong bài viết “Quan điểm Phật giáo về vai trò phụ nữ”, bà Kumudini Ranathunga cho rằng từ khi đạo Phật xuất hiện, Đức Phật đã đưa phụ nữ lên một vị trí danh giá, coi tất cả mọi chúng sinh đều có quyền bình đẳng. 

Phụ nữ có quyền tự do tham gia các hoạt động tôn giáo. Họ được sống thoải mái dưới sự hướng dẫn của Đức Phật, và tham gia hoạt động trong Tăng đoàn Phật giáo. Xã hội Phật giáo nhấn mạnh các vai trò của Tỳ kheo (Bhikkhu); Tỳ kheo ni (Bhikkhuni); Ưu bà tắc (Cận sự nam-Upāsaka); Ưu bà di (Cận sự nữ- Upāsikā). 

Đức Phật không đồng tình với những khái niệm trọng nam khinh nữ của Đạo Bà La Môn truyền thống. Ngài nhắc đến 5 nỗi khổ mà phụ nữ phải chịu đó là: Khi còn nhỏ, người phụ nữ phải sống trong nhà của cha mẹ và người thân của họ. Lớn lên, họ phải sống với nhà chồng; Phải trải qua những kỳ kinh hàng tháng; Phải mang thai; Phải sinh con; Phải thức đợi người đàn ông của mình. 

Quan điểm của chủ nghĩa bình quân của triết học Phật giáo không công nhận rằng đàn ông có giới tính ưu việt hơn phụ nữ. Thậm chí ở góc độ giới tính việc thấy kinh, mang bầu và sinh con khiến vai trò của người phụ nữ được nâng cao để mỗi người đàn ông đều phải ngưỡng mộ. 

Đức Phật đánh giá cao người phụ nữ. Trong cuốn kinh Đại phúc đức (Mahamangala Sutta), Đức Phật ngợi ca cả vai trò của người cha và người mẹ. Ngài giảng giải cho đức vua Pasenadi Kosala rằng phụ nữ cần phải được chăm sóc. Họ cũng là những người thông thái, họ cư xử tốt với người thân và sinh ra những đứa con dũng cảm, sau này có thể cai trị cả vương quốc…

Phụ nữ cũng có quyền ly dị

Thế nhưng, vì sao mà cho nên đến tận ngày hôm nay đa số người ta vẫn vui mừng khi sinh con trai hơn là con gái, hay là cảm thấy chưa trọn vẹn nếu chưa có con trai? Nhất là ở các quốc gia phần đông dân số theo Phật giáo, trong đó có Việt Nam, tinh thần trọng con trai hơn con gái vẫn đè nặng? 

Theo tác giả Như Hạnh điều này có thể được giải thích như sau: một là vì nhu yếu chung của các xã hội nông nghiệp, cần con trai để có nhiều bắp thịt cày bừa; hai là ảnh hưởng của Nho giáo, một thế giới quan trọng nam khinh nữ. Người đàn bà vì lý do gì không biết không sinh được con trai bị xem là một món hàng khiếm khuyết, cũng là cái cớ để ông chồng mừng rỡ đi lấy vợ khác “kiếm đứa con trai”. 

“Thái độ “phải có con trai” này tuyệt nhiên không quan hệ gì với thế giới quan Phật giáo cả. Một ví dụ cụ thể trong kinh Phật là khi vua Pasenadi buồn vì vợ ông là hoàng hậu Mallika – người sau này dẫn dắt chồng vào Phật giáo – sinh con gái, Đức Phật đã trách nhà vua rằng buồn phiền vì vợ sinh con gái là một thái độ hết sức sai lầm, bởi vì một người con gái có trí tuệ và đức hạnh không những không kém mà còn ưu việt hơn con trai” - tác giả Như Hạnh nhấn mạnh. 

Cũng theo tác giả Như Hạnh, có một số tôn giáo xem hôn nhân như một nhiệm vụ tôn giáo, một thánh lễ. Hôn nhân có nghĩa là người đàn ông và người đàn bà được Thượng đế kết hợp, cho nên chết sống gì cũng cứ phải ở với nhau và ly dị là một tội lỗi. Nhưng Phật giáo xem hôn nhân như một khế ước giữa người đàn ông và người đàn bà. Vì thế mà hôn lễ không phải là một nghi lễ tôn giáo trong truyền thống Phật giáo. 

Gần đây có một số Phật tử làm hôn lễ (lễ Hằng Thuận) trong chùa. Điều này cũng không có gì là sai, nhưng chúng ta phải hiểu rõ lý lẽ đằng sau. Do đó, Phật giáo tuy không khuyến khích (Phật giáo nhấn mạnh từ bi, tôn trọng sự hài hoà xã hội, hiểu rằng ly dị không phải là một biến cố vui mừng) nhưng cho phép ly dị. Hơn nữa, Phật giáo còn cho quyền đàn bà ly dị đàn ông.

Giáo đoàn cho ni giới 

Giáo đoàn này được thành lập 5 năm sau khi Đức Phật thành đạo. Nguồn gốc của giáo đoàn ni giới này là từ bà Maha-prajapati Gotami, dì và cũng là kế mẫu của Đức Phật. 

Sau khi Đức Phật thành đạo, bà Gotami trở thành một trong những đệ tử đầu tiên của ngài. Bà đi theo Đức Phật khắp mọi nơi, cần mẫn tu học, nổi tiếng là người có trí tuệ và đức hạnh rất cao. Có rất đông phụ nữ luôn luôn theo bên cạnh Gotami để học đạo.

Theo kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ thì bà Gotami đến gặp Đức Phật để xin được chấp nhận cho phụ nữ xuất gia. Bà xin ba lần, ba lần đều bị từ chối Việc Đức Phật thoạt đầu ngần ngại không chấp nhận lời yêu cầu của Gotami có lý do là 2500 năm trước đây, thuở sơ khởi Đức Phật và các đệ tử của ngài sống như những nhà tu khổ hạnh không nhà. Lang thang trong rừng, đêm đến ngủ dưới gốc cây. Rừng rú lại đầy dã thú và đạo tặc, không thuận lợi lắm cho giới phụ nữ. 

Thế rồi Gotami và nhóm phụ nữ theo bà cạo đầu, đắp y vàng để tỏ ý thành khẩn và quyết tâm đến xin Đức Phật. Lần này họ gặp cả Ananda, thí giả của Đức Phật. Ananda nói hộ cho Gotami ba lần, lại cũng đều bị từ chối. Ananda thay đổi “chiến thuật” và hỏi Đức Phật rằng nếu phụ nữ xuất gia tu tập những lời của chính Đức Phật dạy, họ có khả năng thành tựu tâm linh hay không. 

Đức Phật trả lời có và cho phép Gotami và nhóm phụ nữ theo bà được xuất gia trở thành tu sĩ. Đối thoại giữa Ananda và Đức Phật khẳng định một điểm quan trọng là Đức Phật luôn luôn công nhận rằng phụ nữ cũng có khả năng tâm linh chẳng khác gì nam giới.

Trong kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ có bộ Therigatha, ghi lại một số bài thơ, kệ tụng về kinh nghiệm tâm linh của những người phụ nữ Phật giáo ưu tú đầu tiên. Những bài kệ tụng này vẫn được tụng đọc, nghiên cứu như những gương sáng cho các thế hệ Phật tử đời sau. 

Ngày nay ở những quốc gia Phật giáo, người phụ nữ có quyền công khai đi lại và tham gia vào mọi sinh hoạt tôn giáo và xã hội. Hay nói cách khác, trong tất cả các quốc gia Phật giáo, không có sự cách biệt (segregation) giới tính. Trái với nhiều tôn giáo lớn hiện nay phụ nữ vẫn không được phép gia nhập tăng lữ giới. Trong một số xã hội, phụ nữ thậm chí còn bị cấm không cho vào các nơi thờ phụng. 

Đọc thêm