Nhà sản xuất bản ghi Việt "bơi tự do" mà không được bảo vệ?

(PLO) - Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp ghi âm được đánh giá là một ngành rất có tiềm năng. Thế nhưng, vì thiếu một bàn tay tổ chức thị trường có trách nhiệm, các nhà sản xuất vẫn mạnh ai nấy làm theo kiểu tự phát, lãng phí nguồn lực quốc gia.
Khu “chợ” kinh doanh bản ghi tại đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Khu “chợ” kinh doanh bản ghi tại đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Mạnh ai nấy làm
Như số báo trước chúng tôi đã đề cập, từ ngày Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực thi hành, thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước bị phá bỏ, các tổ chức, cá nhân sản xuất bản ghi âm “mọc lên như nấm sau mưa”. Những ca sỹ tên tuổi đều có công ty riêng để sản xuất chương trình ca nhạc, họ làm từ A đến Z, sản phẩm luôn luôn đổi mới do tính cạnh tranh khốc liệt của thị hiếu thị trường. Bản ghi bây giờ rất đa dạng, các nhà sản xuất bản ghi thì hằng hà sa số. 
Thế nhưng, vai trò quản lý nhà nước đối với bản ghi và tác phẩm phái sinh của bản ghi (video clip ca nhạc, đĩa karaoke...) theo Luật Sở hữu trí tuệ thì gần như bỏ ngỏ. Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) khai sinh ra đấy nhưng dần dà không tập hợp được lực lượng, các nhà sản xuất mạnh ai nấy làm, khiến cho thị trường ngày một thêm bát nháo.
Thế nhưng, RIAV thay vì phải quyết liệt đổi mới, lấy lại vị thế cho mình, thu hút thêm thành viên và qua đó góp phần tổ chức lại thị trường thì lại muốn thu “lấn sân” qua cả quyền tác giả, nơi mà Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC)  đang làm khá tốt. Năm 2010, RIAV vận động các nhạc sỹ ký hợp đồng ủy thác với mình. 
Ngày 12/7/2010 VCPMC phải ban hành Công văn số 420/CV-QTGHAN gửi đến Cục Bản quyền, RIAV và 1.674 nhạc sỹ đã ký hợp đồng ủy thác với VCPMC để khuyến cáo việc RIAV đòi tham gia vào quyền tác giả là không đúng thẩm quyền và tạo sự chồng chéo, trùng lắp với VCPMC. 
Ông Nguyễn Xuân Hàn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), nhà sản xuất bản ghi âm karaoke lớn nhất Việc Nam cho biết: “Maseco gia nhập RIAV từ khi thành lập. Năm 2008, cá nhân tôi được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát, nhưng tất cả những hoạt động của RIAV không ai thông báo cho tôi biết nên tôi chẳng kiểm soát được ai và cái gì. “Hữu danh vô thực”, chúng tôi rút ra khỏi RIAV và tự mình giải quyết quyền tác giả và quyền liên quan bản ghi âm của mình”.
Trong khi đó, hiện nay các nhà sản xuất bản ghi âm của nước ngoài đã nhắm đến thị trường Việt Nam. Những tên tuối lớn như Universal, Sony... đã có những buổi tiếp cận với những nhà sản xuất bản ghi Việt Nam. 
Ông Nhan Thừa Luân cho biết: “Hiện nhiều trang nhạc số Việt Nam đã liên kết lại để cùng sản xuất bản ghi và bảo vệ bản quyền bản ghi của mình trước những công nghệ vượt bậc của những trang mạng xã hội. Chúng tôi mua bản quyền của Universal, Sony với giá rất cao nhưng bù lại họ làm rất chuyên nghiệp, ký hợp đồng xong là máy chủ của họ tự động chuyển bản ghi bài hát qua máy chủ của mình  và chất lượng bản ghi thì tuyệt hảo”. 
Đến lúc phải tổ chức lại
Vấn đề mà ông Luân băn khoăn là những bản ghi âm nhạc Việt Nam trên các trang mạng xã hội đầy rẫy nhưng không thấy một cơ quan nhà nước, tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất bản ghi Việt Nam. Ông Luân bức xúc: “Chúng tôi có sơ suất gì thì các "bác" hoạnh họe, kiểm tra, phạt. Sao Ban Chấp hành RIAV không đi kiện, đòi tiền quyền liên quan “anh” khổng lồ Youtube đang xài “chùa” bản ghi âm nhạc Việt Nam đầy trên trang của mình?”.
Theo điều lệ của RIAV, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi các thành viên, thay mặt các thành viên giải quyết tranh chấp khi tác phẩm bản ghi bị xâm phạm được coi là nhiệm vụ số 1. Thế nhưng, thực tế lại diễn ra không được như kỳ vọng. 
Ông Nguyễn Duy Khánh - Giám đốc hãng sản xuất bản ghi âm Nhạc Xanh nói: “Lúc còn là thành viên của RIAV, chúng tôi chỉ thu được 10-15 triệu/tháng tiền quyền liên quan bản ghi âm. Ra khỏi RIAV, chúng tôi tự mình đi thu thì được 30-40 triệu/tháng. Lý do là chúng tôi không được biết RIAV thu hộ cho mình được bao nhiêu và chi tiền của mình vào việc gì...”. 
Nhiều thành viên rút ra khỏi RIAV đều đặt câu hỏi: RIAV hiện nay có đại diện bảo vệ quyền lợi cho các nhà sản xuất đĩa ghi âm như tôn chỉ mục đích đã đặt ra ban đầu hay chỉ bảo vệ quyền lợi cho một nhóm người nào đó?.
Những nhiệm vụ lớn khác của RIAV như: Tư vấn về tiến bộ của lĩnh vực công nghiệp ghi âm cho hội viên, hợp tác với các tổ chức tương ứng của quốc tế và các quốc gia trong việc phát triển công nghệ ghi âm và bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực này cũng không được những người lãnh đạo RIAV hơn 10 năm qua quan tâm thực hiện. 
Trước thực trạng trên, đã đến lúc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có biện pháp mạnh nhằm tổ chức lại thị trường, nếu không muốn ngành công nghiệp có tiềm năng này tiếp tục “bơi” theo kiểu tự phát, lãng phí nguồn lực quốc gia.

Đọc thêm