Nhà sư với "nỗi oan thị Kính"

(PLO) - Vị sư nam trẻ tuổi, nhận nuôi hai trẻ sinh đôi từ lúc vẫn nằm trong bụng mẹ, khiến người dân dị nghị điều tiếng. Nhiều người thậm chí còn ác miệng thêu dệt, liệu có phải nhà sư mượn chuyện nhận nuôi để hợp thức hóa “con rơi”? 
Nhận nuôi từ trong bào thai…
Đến chùa Phúc Nghiêm xã Xuân Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh), hỏi chuyện các vãi trong chùa, được biết nhà sư Thích Quảng San (trụ trì chùa Phúc Nghiêm không chỉ nhận nuôi hai đứa trẻ song sinh mà còn nhận nuôi cả người già neo đơn và một số đứa trẻ khác. 
Nói về việc nhận nuôi hai đứa trẻ song sinh, thầy San chia sẻ rất chân thành: “Tôi cũng nhận nuôi một số đứa trẻ nhưng đây là trường hợp đặc biệt nhất mà tôi gặp. Hai đứa bé này đều có cha, có mẹ nhưng lại bị bỏ rơi, tôi nhận nuôi chúng từ lúc còn là bào thai”. 
Thầy San bên hai bé sinh đôi.
Thầy San bên hai bé sinh đôi. 
Vị trụ trì nhớ lại, khoảng năm 2011, nhận được điện thoại của một phật tử là một vị bác sĩ khoa sản Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh về trường hợp có một bà mẹ mang song thai nhưng muốn bỏ. Hỏi cặn kẽ mới biết, bà mẹ này có chồng quê tận Hòa Bình nhưng chồng không chấp nhận nên định đi phá thai. 
Ban đầu, người mẹ vào phòng khám tư để phá thai nhưng người ta đòi số tiền 12 triệu đồng. Không thể có khoản tiền lớn như vậy, người mẹ dại dột định tự tử, may mắn gặp được vị bác sĩ tốt bụng hứa sẽ giúp đỡ.
Thầy Thích Quảng San tâm sự: “Ban đầu, thầy định từ chối vì chùa Phúc Nghiêm đang trong quá trình xây dựng, hơn nữa việc thầy tăng nuôi một bà bầu trong chùa không khỏi khiến dư luận dị nghị. Nhưng sau đó thầy nghĩ, cứu một mạng người còn hơn xây bảy ngôi chùa, đây lại là cứu cả ba mẹ con. Thế nên thầy đồng ý đón cô ấy về chùa nuôi dưỡng. Lúc đó, cô ấy mang thai tháng thứ tư…”
Đúng như nhà sư đã lường trước, những lời đồn thất thiệt cứ thế xuất hiện mỗi ngày một nhiều. Khoảng thời gian mấy tháng trời nuôi bà bầu, thầy bị các phật tử phản đối vì không muốn thầy gặp phải “lời ong tiếng ve”. 
“Đợt thầy nuôi người mẹ mang thai ấy, dư luận cả huyện chấn động, lời ra tiếng vào đủ cả. Có người ác miệng còn nói “Không khéo là con thầy chứ chẳng phải con ai”, nhưng thầy bỏ ngoài tai những lời dị nghị, tâm chỉ nghĩ mình làm điều thiện, Phật Tổ sẽ hiểu cho”, thầy San chia sẻ.
Những ngày tháng trong chùa, nhờ sự động viên của vị trụ trì, người mẹ trẻ dần ổn định tinh thần. Nhưng vì có thai lần đầu lại là thai đôi nên người phụ nữ này gặp nhiều khó khăn. Thầy San kể lại: “Chỉ mấy tháng thôi mà cô ấy bị động thai, đi viện đến 4, 5 lần, nhiều khi tưởng không  giữ được. Lúc lâm bồn, vì đẻ khó nên cô ấy phải mổ. Cũng may, nhờ đức Phật từ bi nên cuối cùng vẫn được mẹ tròn con vuông”. 
Trong những lần người phụ nữ ấy đi viện, đều một tay thầy lo toan. “Cũng may, còn có những phật tử chăm sóc cô ấy chứ thầy là nam cũng chẳng biết xoay xở thế nào”, thầy San bồi hồi nhớ lại. 
Hành trình khó khăn làm việc thiện
Sau một tuần sinh con, người phụ nữ ấy trốn viện, để lại một bức thư nhờ vị trụ trì “nuôi dưỡng hai đứa trẻ, cho chúng nương nhờ cửa Phật”. Lạ lùng là cô gái còn ghi cả địa chỉ lẫn số điện thoại trong thư, chứ không hề có ý giấu tung tích. Thầy San đón hai đứa trẻ về chùa bao bọc nuôi dưỡng. Những khó khăn, rắc rối cũng ngày một nhiều. 
Ngay từ khi làm giấy khai sinh cho hai đứa bé, vị trụ trì đã gặp phải khó khăn. Chuyện thầy nuôi hai đứa trẻ từ ngày còn là bào thai, cả huyện ai cũng biết. Vì thế, khi tới UBND xã xin làm giấy khai sinh, chính quyền trả lời: “Hai đứa trẻ có mẹ, có cha, không phải bị bỏ rơi nên thầy không được làm giấy khai sinh cho hai đứa”. Dù đã trình bày hoàn cảnh éo le nhưng xã vẫn không chấp nhận, còn yêu cầu thầy San “phải điều tra về mẹ của hai đứa trẻ rõ ràng rồi mới làm được”. 
Thầy lại trở về gọi điện mời thiếu phụ xuống chùa, đưa cho 1 triệu đồng bảo về quê làm giấy khai sinh cho hai cháu. Sau khi làm xong giấy khai sinh, người mẹ cùng ông bà nội và bà ngoại xuống chùa “thăm cháu” nhưng tuyệt nhiên chẳng một ai xin đón hai đứa trẻ về nhà nuôi dưỡng. “Họ chỉ mong thầy giúp nuôi dưỡng giúp các cháu. Thầy cũng chẳng hiểu tại sao? Có thể do hoàn cảnh khó khăn không thể nuôi dưỡng các con nên họ mới đành lòng làm vậy”, thầy San tâm sự.
Nhìn thấy hai đứa trẻ bụ bẫm, kháu khỉnh, trắng trẻo, miệng lúc nào cũng nhoẻn miệng cười khi có người bế bồng, cưng nựng, không ai có thể nghĩ  người mẹ và gia đình lại nhẫn tâm bỏ chúng. Những ngày đầu, vì không có sữa mẹ nên thầy San phải mua sữa hộp về cho hai đứa trẻ uống. “Cũng may, các cháu ăn uống rất tốt, trông bụ bẫm, kháu khỉnh lại rất ngoan”, một phật tử trông nom các cháu chia sẻ.
Hai đứa trẻ được thầy San đặt tên cho là Phúc và Đức bởi từ khi sinh ra đã gặp phải hoàn cảnh đặc biệt. Cái tên cũng là mong muốn của thầy San và các phật tử trong chùa cầu cho hai cháu sau này được cái Phúc, cái Đức mà Phật độ. 
Thầy San cho hay, thời gian này, vì nhiều việc nên gần như ngày nào thầy cũng đi từ sáng sớm. Nhưng cứ về tới chùa, thầy lại chạy qua phòng hai đứa trẻ xem chúng ăn ngủ có tốt không? Dạo này, bé Đức tiêu hóa không tốt, thầy vừa bế bé vừa xót xa: “Em bị gầy đi rồi, thầy thương lắm”.
Khi được hỏi thầy gặp nhiều khó khăn không trong việc nuôi hai bé, thầy San nói: “Vất vả thì thầy không ngại nhưng nuôi trẻ nhỏ tốn kém lắm, cũng may nhờ lòng hảo tâm của mọi người nên đỡ được ít nhiều”. 
Có người khi hay tin nhà chùa đang nuôi dưỡng hai bé trai sơ sinh liền đến xin nhận nuôi, có người khóc lóc không có con, có người “chẳng hiểu nghĩ sao mà cầm mấy chục triệu đến xin thầy cho con hai đứa nhỏ” nhưng thầy San không chấp thuận. 
Thầy trầm ngâm: “Một phần vì mẹ cháu đã có ý gửi gắm nhà chùa, hơn nữa thầy nuôi chúng từ trong bào thai, tình cảm cũng gắn bó. Mấy bà giúp chùa chăm sóc hai cháu cũng chẳng muốn rời hai thằng bé… nên thầy cũng khó nghĩ lắm, việc nào cũng là việc phúc cả”.
Thời điểm này, hai bé Phúc,  Đức đều rất khỏe mạnh. Những lời đồn thất thiệt ngày trước chẳng còn, giờ đây ai cũng hiểu được tấm lòng thiện tâm của vị sư trụ trì trẻ tuổi./.

Đọc thêm