Nhà văn hóa - xây tràn lan rồi... đắp chiếu

(PLO) - Có thời điểm Nhà văn hóa (NVH) được cấp phép xây dựng tràn lan để… lấy thành tích. Hệ lụy nhãn tiền là trong khi nhiều nơi người dân mỏi mắt chờ NVH thì tại không ít địa phương thuộc Hà Nội, NVH lại chưa phát huy hết hiệu suất. Thậm chí, có NVH được sử dụng hoàn toàn không đúng công năng. 
Nhà văn hóa thôn Vũ Ngoại, xã Liên Bạt suốt nhiều năm vẫn dở dang, cỏ mọc um tùm
Nhà văn hóa thôn Vũ Ngoại, xã Liên Bạt suốt nhiều năm vẫn dở dang, cỏ mọc um tùm
NVH thôn Vũ Ngoại, xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được khởi công xây dựng từ năm 2007, thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại công trình phúc lợi này vẫn đang “đắp chiếu”. Công trình trên đang xuống cấp nghiêm trọng. Mái nền, tường nhà dù đã hoàn thiện phần thô nhưng do không được duy tu, hoàn thiện nên đều đã hoen gỉ, thấm dột. Riêng phần nền nhà bị phủ ngập ngụa bởi rác thải và phân trâu bò… 
Ông Nguyễn Hữu Trung (63 tuổi) kể: Nhiều năm nay, việc hội họp, sinh hoạt cộng đồng ở thôn Vũ Ngoại phải “gửi nhờ” đình làng khiến mọi sự trở nên vô cùng bất tiện. Trong khi đó NVH chiếm địa thế đẹp nhất trong vùng lại im lìm, mặc cho cỏ rác, rong rêu bu bám. Bà Phạm Thị Luyến (53 tuổi) bức xúc: “Cách đây ít năm, dân chúng tôi phải trải bạt lát sạch nền NVH mới có không gian để tổ chức trung thu cho trẻ trong thôn. Chúng tôi không mong cái NVH này có thể hoàn thiện 100%, chỉ mong Nhà nước đầu tư chát chít qua loa cho nó đỡ thấm dột để bà con có chỗ họp hành, bọn trẻ có chỗ tập văn nghệ khi trời mưa gió”. 
Bên lề câu chuyện, không ít ý kiến cho rằng, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn không mấy phát triển, nguyên nhân đều xuất phát từ việc không có nơi sinh hoạt cộng đồng. Việc tập trung hội họp, sinh hoạt ở sân đình Vũ Ngoại cũng có phần hạn chế bởi theo lệ tục, phụ nữ trong thôn trừ những ngày lễ lạt, nên tránh xuất hiện ở khu vực đình vì sẽ bất kính với thành hoàng (?!). 
Nhà văn hóa thành nơi... chăn bò
Nhà văn hóa thành nơi... chăn bò 
Khác với NVH Vũ Ngoại ì ạch xây dựng suốt 7 năm, không ít địa phương dù đã có địa điểm sinh hoạt cộng đồng nhưng lại sử dụng nó hoàn toàn không đúng với công năng. Chẳng hạn, NVH thuộc khu tập thể Kho bạc - Bảo Việt (đường Lê Trọng Tấn) xây dựng đã 4 năm nay, nhưng mới họp khu phố, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ nhỏ trên địa bàn được 1-2 lần. Để “tranh thủ” thời gian rỗi, một cơ sở may mặc đã được phép thuê lại mặt bằng, làm địa điểm cho công nhân làm việc. 
NVH khu tập thể Xuất nhập khẩu, 58A đường Lê Trọng Tấn thì lại được tiểu thương tận dụng thành nơi bán bún, miến buổi sáng. Thi thoảng mới có gia đình đến mượn địa điểm để tổ chức đám cưới... Còn ở một địa phương khác là thôn Mùi (xã Bích Hòa, Thanh Oai), suốt từ năm 2009, hơn 1.600 nhân khẩu trên địa bàn phải mượn điểm trường mầm non để hội họp. 
Những NVH trên là ví dụ điển hình, minh chứng rõ nét cho sự bất cập trong quản lý hệ thống khu vực sinh hoạt cộng đồng. Hay nói cụ thể hơn, hiện hệ thống NVH cấp quận, huyện do Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch quản lý, còn lại hệ thống NVH phường, xã, tổ dân phố do địa phương tự quản lý. Việc phân cấp thiếu tính đồng bộ như vậy khó tránh khỏi tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, mỗi nơi quản lý và sử dụng NVH một kiểu. 
Trở lại với NVH thôn Vũ Ngoại nằm “đắp chiếu” suốt 7 năm, nguyên nhân khiến công trình trên ì ạch xuất phát từ những sai phạm trong quản lý đất đai tại địa phương. Ước tính, để công trình trên đi vào hoạt động, cần đầu tư thêm 2 tỷ đồng, riêng số vốn này vẫn đang chờ UBND huyện phê duyệt.

Đọc thêm