Nhân duyên định mệnh của người đàn ông mê mẩn trà đạo

(PLO) - Khởi điểm câu chuyện dẫn tôi đến gặp Hoàng Anh Sướng là trà Việt và đạo thưởng trà. Thế nhưng câu chuyện đã bị anh dẫn dắt rất ngọt, chuyển sang cuộc trò chuyện về đạo Phật lúc nào không hay. Đến khi nhận ra mình đang… lạc đường, anh mới cười mà bảo rằng: “Trà đạo cũng chính là tu thân dưỡng tính, đạo Phật cũng là giúp con người sống đẹp hơn”... 
Anh luôn tìm mọi cơ hội để nói chuyện về nghệ thuật trà Việt.
Anh luôn tìm mọi cơ hội để nói chuyện về nghệ thuật trà Việt.

Hoàng Anh Sướng là một người đặc biệt. Đặc biệt bởi các cụ vẫn nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Hoàng Anh Sướng có hơn một nghề để theo đuổi và nghề nào cũng thấy anh làm “chín”. Nghề báo là nghề đầu tiên anh lựa chọn. Nghề này đã mang lại cho anh những cơ hội trải nghiệm ít người có được. 

Những chuyến theo các nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ trong các cánh rừng sâu cả tháng trời. Những phóng sự huyễn hoặc về tâm linh mà đến thời điểm này nhắc đến cái tên Hoàng Anh Sướng là bạn đọc nghĩ ngay đến hàng trăm tác phẩm đã đăng trên tạp chí “Thế giới mới” cách đây cả 2 thập kỷ, là sự bắt đầu cho những bài viết về ngoại cảm trên báo chí sau này. 

Cũng chính từ nhân duyên gắn bó này mà anh đã có một tháng rong ruổi cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh nói chuyện về đạo Phật dọc Bờ Tây nước Mỹ. Những cuộc nói chuyện này được anh chuyển tải trọn vẹn đến bạn đọc qua cuốn “Hạnh phúc đích thực”, được bạn đọc hoan hỉ đón nhận và được coi là một trong những quyển sách best seller. 

Nghiệp trà đến với anh tự nhiên như định mệnh của cuộc đời. Chỉ bắt đầu từ những lời tâm sự, những sẻ chia của cha anh, cố nghệ nhân trà Trường Xuân mà anh… trót hứa “con sẽ tiếp tục nghiệp trà của bố”. Anh kể lại, nhiều lần cùng ăn cơm với cha, thấy ông trằn trọc, suy tư, thậm chí còn buồn đau khi phải dừng nghiệp trà đã gắn bó với gia đình 5-6 đời, từ sự đồng cảm với người cha của mình, từ tình yêu với ông, anh đã hứa sẽ nối tiếp nghiệp trà của bố. 

Anh còn quả quyết “đời con không làm được thì con sẽ hướng để đời sau sẽ làm”. Nghe Sướng kể đến đây, tôi lại nhớ đến cuộc chuyện trò với nghệ nhân trà Trường Xuân cách đây gần chục năm. 

Trong cuộc chuyện trò ấy, những chuyện về các đồng trà, về những chuyến đi thám hiểm, tìm hiểu các cây chè cổ thụ là những dòng hồi ức liên miên… Ông kể lại ngậm ngùi như thể nuối tiếc những ngày đã qua, như thể sắp sửa đánh mất điều gì đó quý giá, linh thiêng lắm. Nhưng khi kể về việc người con trai út vì thấy bố đau đáu với việc xây dựng nền văn hóa trà Việt đã động viên ông tiếp tục với nghiệp trà và hứa sẽ cùng ông xây dựng trà đạo cho người Việt thì ông tươi tỉnh hẳn lên. Vẻ mặt rất mãn nguyện và tự hào. 
Ngay sau khi nhận lời kế nghiệp bố, Hoàng Anh Sướng bắt tay vào mở một quán trà ở phố Hàng Da. Nhưng hình như ông trời vẫn đang thử thách tâm huyết, tình cảm của người con trai với bố bằng những khó khăn ngáng trở anh làm nghề. Trong 2 năm anh liên tục phải 3 lần thay đổi địa điểm trà quán. Đó thực sự là một thách thức với tâm huyết của cố nghệ nhân Trường Xuân và là một… “cú đá “vào Hoàng Anh Sướng.
Nhưng mặc kệ những thất bại, những điều bất lợi đã xảy ra trong quá trình gây dựng lại nghiệp trà, anh vẫn kiên trì cùng bố giữ nghiệp. Đến bây giờ Hiên trà Trường Xuân của anh, tâm huyết của cha anh đã là địa điểm yêu thích của những người thích thưởng trà và nơi để mọi người vừa thưởng thức trà, vừa chiêm nghiệm đạo Phật, vừa tu thân dưỡng tính cho mình. Không chỉ khách Việt, những người khách Tây cũng liên tục đặt lịch để được nghe anh chuyện trò về nghệ thuật trà Việt, về đạo thưởng trà. Những cuộc nói chuyện tính bằng giờ và anh được trả bằng tiền đô. 
Những cuộc nói chuyện của anh bao giờ cũng bắt đầu từ trà. Rồi bằng cách dẫn chuyện cuốn hút, anh đã đưa mọi người đến với đạo Phật, đến với những quan niệm, những câu chuyện để làm cuộc sống của mỗi người trở nên nhẹ nhõm hơn, đáng yêu hơn, biết yêu mình, yêu người hơn. Anh bảo, người Việt Nam và người Nhật đều coi thưởng trà là một cách tu tâm dưỡng tính, hành thiện, tĩnh tâm để lắng nghe, cảm nhận cuộc sống xung quanh, để cảm nhận mình, để biết cách sống chậm hơn giữa bộn bề cuộc sống này cho nên nói chuyện trà chính là nói chuyện đạo. 

Anh cho rằng, không nên nghĩ trà đạo là cái gì đó quá cao siêu, đó thực chất là đạo tu thân dưỡng tính và khao khát sự giao hòa. Đến khi chính thức gắn bó với nghiệp trà anh mới hiểu tại sao trà là đạo và tại sao ngày xưa các cụ thường uống trà vào lúc sáng tinh mơ. Bởi thời điểm ấy không khí trong lành. Bởi sự giao hòa giữa đất trời và con người. Và đó là lúc chỉ có một mình, độc ẩm với tách trà. 

Đó là lúc con người tĩnh tâm nhất để đối diện với bản thân mình, để lắng nghe cơ thể mình, để lục lại những dâu bể đời người, để nhớ đến những đối xử sai trái với người bạn đời, với bạn nghề và những người xung quanh. Sau mỗi tuần trà độc ẩm, con người như nhẹ hơn, mọi thị phi đời sống dường như đã lùi đâu đó…

Sau độc ẩm, mọi người lại có đối ấm và quần ẩm để cùng nhau thưởng ngoạn vị trà, cùng bàn về những sự việc xảy ra xung quanh và đúc rút những kinh nghiệm sống. Lúc này, mọi người lại cùng nhau soi rọi cuộc sống, vun đắp chặt hơn tình anh em, bạn bè, đồng nghiệp. Mỗi câu chuyện xoay quanh ấm trà đều nhẹ nhàng, dung dị như khung cảnh êm đềm trong Hiên trà Trường Xuân. 

Ướp trà sen tại hiên trà Trường Xuân.
Ướp trà sen tại hiên trà Trường Xuân. 
Hoàng Anh Sướng là một người kỳ lạ. Kỳ lạ đến mức, anh bảo, đến bây giờ nghĩ lại mình thuở nhỏ, anh vẫn phải bật cười một mình. Có ai mới tuổi 11-12 mà chỉ thích chuyện trò với các ông cụ trong làng. Có đứa trẻ nào mới đang còn tuổi ăn, tuổi ngủ đã thích tìm hiểu về cốt lõi văn hóa, về những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của cha ông. 

Anh kể, thuở nhỏ, vào những dịp hầu trà các bậc thúc bá trong gia đình, anh vẫn thường nghe các cụ bảo: “Trà là một nghệ thuật lớn”. Khởi từ đất trồng, địa hình, khí núi, nắng mưa, sương gió tưới tắm, ươm bật thành lộc non, lá nõn cho đến khi thu hái, sao chế, để có được một ấm trà ngon ngồi pha mà nhâm nhi thưởng thức, đó là cả một hành trình dằng dặc mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến được cái chân nghệ thuật. 

Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh này, trà được xem là nghệ thuật tinh vi nhất. Có lẽ vì ngấm trà từ thuở thiếu thời mà anh đã có một cuộc sống với trà thực sự hài hòa, viên mãn. 

Cuộc gặp gỡ với thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là một nhân duyên định mệnh với Hoàng Anh Sướng.
Cuộc gặp gỡ với thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là một nhân duyên định mệnh với Hoàng Anh Sướng.
Ngày cha anh còn sống, khi những người bạn của cha đến chơi nhà, anh vẫn thường ra hầu các cụ bằng những tuần trà, bằng những câu chuyện anh góp nhặt được trong cuộc sống, bàn bạc chuyện nhân tình thế thái. Anh bảo, anh và cha Trường Xuân vừa là cha con, vừa là tri kỷ. Hai cha con anh chia sẻ trọn vẹn với nhau mọi điều trong cuộc sống, đến độ, nhiều bạn bè của ông chứng kiến tình cảm của hai cha con anh đã phải thốt lên “cha con ông khiến chúng tôi ganh tị đấy”. Và anh có rất nhiều người bạn vong niên. Những người bạn thân thiết, chia sẻ với nhau mọi điều về cuộc sống này. 

Đó không biết có phải là duyên, là nghiệp của Hoàng Anh Sướng không nhưng chúng tôi cảm nhận được anh đang thưởng thức cuộc sống mỗi ngày. Mỗi người anh gặp anh đều học hỏi được điều gì đó. Mỗi việc anh làm đều hướng đến điều tốt đẹp của cuộc sống này. 

Anh bảo, mọi thứ diễn ra trong cuộc đời anh giống như một con đường đã dành sẵn để anh bước đi. Và khi anh đã nhận ra sứ mệnh của mình thì anh cứ thênh thang bước. Để mỗi ngày anh lại nở nụ cười chào đón bạn bè, chào đón độc giả, để kể cho họ nghe những câu chuyện cuộc sống nhẹ nhàng mà thâm thúy, để mỗi người cảm thấy yêu hơn cuộc sống này… 

Đọc thêm