“Nhật ký” tán gái công nhân: Viên thuốc đắng mang tên “sự thật“

(PLO) -Sau phóng sự "Đồng ý lên giường sau hai lần gặp mặt" tôi nhận được nhiều phản hồi của độc giả và đồng nghiệp. Đa số ý kiến lên án "nhân vật tôi" và cho rằng các nữ công nhân sống thoáng vì khao khát yêu thương không có tội. Lỗi ở đây thuộc về "đàn ông", những "gã họ Sở" và chính sách chăm sóc đời sống công nhân nữ. Đó cũng chính là một phần sự thật đắng lòng mà tôi ghi nhận được trong những ngày "thâm nhập" thực tế đời sống công nhân KCN Thăng Long.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Miền đất hứa cho những gã trai họ Sở"

Đọc kỳ 1 trong loạt bài của tôi, nhiều độc giả và đồng nghiệp nghĩ rằng "cái đêm hôm ây" tôi đã "đi đến Z" với Oanh rồi sau đó còn về viết bài lấy nhuận bút nên dành cho tôi không ít lời "cáo buộc" nặng nề.
Sự thật thì khi Oanh bẽn lẽn im lặng trước đề nghị của tôi, tôi đã chở Oanh tới một quán cà phê sáng sủa và thú nhận mình là phóng viên đi "thực tế" để viết bài phản ảnh đời sống công nhân.
Dĩ nhiên là Oanh rất sốc, rất giận tôi nhưng trước sự chân thành của tôi, Oanh dần nguôi ngoai và đồng ý trở thành "nhân vật" của tôi. Tôi nói với Oanh, tôi muốn cùng em nói lên sự thật, dù rất đắng lòng nhưng sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những chị em còn đang nhẹ dạ, như thiêu thân lao vào các cuộc tình chớp nhoáng, để nhận lại là ê chề, đắng cay, thậm chí mất cả cơ hội làm mẹ.
Oanh tâm sự, khi còn ở dưới quê, em cũng nhút nhát trong chuyện tình cảm, nghĩ rằng chỉ "trao thân" cho người là chồng mình. Thế nhưng sống ở nơi này, giữa hàng trăm bạn gái "hễ yêu là vào nhà nghỉ", em dần thay đổi quan niệm, trở nên dễ dãi từ khi nào chính em cũng không hay.
Bữa cơm nghèo nàn của nữ công nhân
Bữa cơm nghèo nàn của nữ công nhân
Thanh Hòa, công nhân Công ty Panasonic bạn của Oanh thì ngậm ngùi lý giải: “Lương thấp, mọi thứ đều rất khó khăn, đi chợ chúng em chỉ dám mua rau, đậu, lạc, sang lắm thì mua những con cá nhỏ về kho mặn, ăn dè. Để có thêm thu nhập, chúng em phải tăng ca triền miên, làm thêm tối ngày nên ít được tiếp xúc với bên ngoài xã hội. Thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hầu như là không có, mỗi năm thêm một tuổi, càng ngày càng thấy cơ hội lấy được chồng ngắn lại. Thế là có ai ngỏ lời thì yêu thôi, không yêu thành "bà cô" thui thủi tối ngày trong khi bạn bè còn có một bờ vai để nương tựa".
Nguyễn Tú Uyên, công ty Canon cũng than thở: “Một ngày em làm việc 12 giờ, đi làm về đến phòng, sau khi ăn uống xong chỉ biết đi ngủ, không có quan hệ nhiều với bạn bè và người xung quanh vì có nhiều vấn đề phức tạp. Sách báo thì chẳng bao giờ đọc, xem ti vi, nghe đài rất ít vì muốn xem tivi phải đi xem nhờ nhà chủ. Cuộc sống buồn tẻ thể nên chúng em khao khát yêu đương là bình thường, có điều nhiều chị em không tỉnh táo nên “vội vàng” mang tình cảm khát khao của mình ra để cho “bằng chị bằng em”, sau những cuộc tình chóng vánh, tan vỡ, không ít chị em bẽ bàng nhận về mình hậu quả".
Oanh chia sẻ bạn của em không ít người đã phải nạo, hút thai sau khi bị bạn trai “quất ngựa truy phong”, hoặc sinh con ngoài ý muốn rồi đem vào chùa gần đó nhờ nuôi hộ. Nhiều cô trở thành “gái gọi”, bồ nhí của những người đàn ông đã có gia đình.
Cái nghèo dẫn đến làm liều túng quẫn, khi trót mang thai, vì không có tiền, nhiều nữ công nhân đã chọn cách tự phá thai bằng thuốc. Bác sĩ Đinh Thị Dung, chuyên khoa sản bệnh viện Nam Thăng Long, cơ sở 2 (Bắc Thăng Long) cho biết: “vì ngại và xấu hổ, rất nhiều trường hợp các công nhân lên mạng học cách phá thai bằng thuốc, do không được sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, dẫn đến tai biến sau khi uống thuốc, như mất máu nhiều nếu không kịp thời cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.
Vinh- người dẫn tôi lên KCN này cũng ngán ngẩm thốt lên " Ông xem, khu vực này có đến 6 vạn công nhân là nữ, cơ hội tìm bạn trai nào có dễ dàng. Nên khi cơ hội đến, họ yêu chóng vánh, trao thân vội vàng. Nơi đây quả là “miền đất hứa” để những anh chàng họ Sở tha hồ “khai thác”.

Trung tá Nguyễn Văn Ngân, trưởng đồn công an Bắc Thăng Long cũng nhận xét: nữ công nhân thiếu thốn tình cảm dẫn đến nạn yêu đương chóng vánh, không những bị “lừa” tình mà còn bị lừa đảo tài sản. "Mới đây có nữ công nhân quen bạn trai trên mạng, chưa được một tuần đã rủ nhau đi chơi, trong khi ngồi tâm sự với nhau thì bạn trai mượn xe đi đón bạn, sau đó “mất hút” cùng chiếc xe máy mới mua", trung tá Ngân cho biết.

Tìm một giải pháp khả thi
Theo khảo sát của phòng Văn hóa cơ sở, Ban tuyên giáo, Tổng LĐLĐVN thì do việc tiếp cận với những thay đổi của đời sống văn hóa xã hội của các nữ công nhân bị hạn chế, thu hẹp dẫn đến nhu cầu giải trí tinh thần bị giảm sút. Công nhân phần lớn sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm nên tình trạng nam nữ chưa kết hôn cùng sống chung thiếu lành mạnh, đang là vấn đề đáng báo động. Trong đó nổi lên sự sa sút trong đời sống của các nữ công nhân, họ có ít cơ hội giao lưu, tìm hiểu kiến thức sống.
Mang theo lời nhắn gửi của Oanh "khi nào thì công nhân chúng em có ký túc xá đàng hoàng để ở, lương được cải thiện, đời sống tinh thần được nâng cao, nhiều cơ hội giao lưu với bên ngoài, khi nào thì ước mơ có một tấm chồng tử tế không còn là xa xỉ với nữ công nhân", tôi đã gõ cửa các cơ quan có trách nhiệm và nhận được câu trả lời chung: Đã nắm được tình hình, đang tìm giải pháp khắc phục.
Ông Vũ Quang Thọ cho rằng lương công nhân không đủ sống là một điều xót xa...
Ông Vũ Quang Thọ cho rằng lương công nhân không đủ sống là một điều xót xa...
Về vấn đề lương, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nhân và công đoàn cho biết: Dù được cải thiện khá nhiều, nhưng tiền lương chỉ giúp công nhân giải quyết được gần 60% mức sống tối thiểu. Tiền lương như vậy chỉ để cho người ta tồn tại, để làm việc và sáng tạo thì khó đáp ứng được. Trong khi đó, Hội đồng tiền lương quốc gia của Nhà nước đã đặt ra lộ trình từ nay đến năm 2018, tiền lương công nhân sẽ tiếp cận mức sống tối thiểu.
Mức lương công nhân vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, trong khi vấn đề nhà ở cho công nhân ở các KCN cũng rất khó khăn. công nhân tại các KCN tự lo chỗ ở là chính. Trong cơ cấu tiền lương của công nhân họ phải chi một khoản không nhỏ cho nhà ở. Để tiết kiệm, nhiều nữ công nhân phải thuê những gian nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp để sống. Hiện Tổng LĐLĐVN đang đẩy nhanh tiến độ trình dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu trong năm 2014 nhằm đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của công nhân lao động.

Bên cạnh đó, hầu hết các KCN chưa có đủ nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần phục vụ công nhân. Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng phòng, Phòng văn hóa cơ sở, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thừa nhận: “Cuộc sống tinh thần của công nhân KCN Thăng Long quá nghèo nàn, nhà ở phải đi thuê, không tivi, không đài, không sách báo, nhà văn hóa dành cho khu công nhân không có. Lương thấp, cường độ làm việc rất cao, không đủ tiền cũng như thời gian cho họ đến những nơi vui chơi giải trí khác, dẫn tới việc các công nhân dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội”.

Theo bà Hà, hiện Tổng LĐLĐVN đã và đang khảo sát các hoạt động, đồng thời kiến nghị đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Bà Lưu Thị Hồng cho rằng cần trang bị kiến thức sinh sản cho nữ công nhân trước khi quá muộn.
Bà Lưu Thị Hồng cho rằng cần trang bị kiến thức sinh sản cho nữ công nhân trước khi quá muộn.
Trong lúc chờ sự "vào cuộc" của các cơ quan chức năng, theo bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng vụ Sức Khỏe Bà Mẹ Trẻ Em, Bộ y tế thì cần tìm hiểu kỹ thực trạng đời sống nữ công nhân trong các KCN. Trong đó cần lưu ý rằng ở lứa tuổi các em, khi xa quê lên thành phố làm việc, suy nghĩ và lối sống sẽ có sự thay đổi. Việc xa gia đình, không ai quản lý dễ dẫn các em tới tâm lý thoải mái tự do, nảy sinh lối sống “buông thả”, yêu đương “dễ dãi".
"Quan niệm tự do và “dễ dãi” trong yêu đương sẽ dẫn đến việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Công nhân nữ lại không có nhiều kiến thức sinh sản nên dễ mắc phải các bệnh lây qua đường tình dục và có thai ngoài ý muốn. Thiếu hiểu biết về kiến thức tránh thai nên sau khi quan hệ các cô mua thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc khi phát hiện mang thai lại có tâm lý sợ mọi người biết nên giấu diếm đi phá thai. Việc tới các phòng khám tư nhân để phá thai hoặc dùng thuốc mà không được tư vấn hay tuân thủ điều trị, biện pháp phòng tránh thai sẽ gây nguy hiểm, thậm chí gây vô sinh sau này. Đây là vòng luẩn quẩn và khi tìm giải pháp khắc phục cần phải "phá" vòng luẩn quẩn đó trước tiên", bà Hồng nhận định.
Một yếu tố quan trọng, theo bà Hồng thì công tác tuyên truyền sức khỏe sinh sản cần được tăng cường. Ngoài việc tuyên truyền tại các khu nhà trọ công nhân và tuyên truyền cho nữ công nhân còn cần tuyên truyền tới đối tượng nam công nhân.
"Không chỉ các cấp công đoàn mà chính các doanh nghiệp sử dụng lao động và ngành y tế địa phương phải ý thức được trách nhiệm của mình và cần sớm nỗ lực vào cuộc. Bản thân nữ công nhân cũng không thể thờ ơ trước cuộc sống của mình. Chính các bạn nữ công nhân phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho mình trước khi quá muộn", bà Hồng chia sẻ.
Thay lời kết
Tôi hứa với Oanh và các bạn của em, sẽ đóng tặng khu nhà trọ của em một giá sách với một ít sách báo. Một chị bạn ở trung tâm tư vấn tình cảm cũng gom được sách và những chuyện tình huống hàng ngày về tình yêu, hôn nhân, gia đình và hứa sẽ chuyển lên KCN tặng cho khu nhà trọ của Oanh. Tôi tin rằng sau những "cái giá phải trả" mà họ nhìn thấy từ bạn bè mình, từ những "bọc ni lon đựng hài nhi" vứt ven đường gây chấn động, những cuốn sách nhỏ bé sẽ "làm người bạn gối đầu giường", góp phần thay đổi nhận thức của nữ công nhân về cuộc sống và tình yêu. Còn một sự chuyển biến tích cực thực sự, sẽ chỉ có khi các cấp công đoàn và chính chủ sử dụng lao động trong KCN "vào cuộc", mong rằng họ không "vô cảm, thờ ơ"...

Đọc thêm