Nhiều cán bộ xã lo lắng cho tuổi già không lương hưu

(PLO) - Đến tuổi nghỉ hưu, rất nhiều nữ cán bộ xã, phường “ngã ngửa” khi biết mình không được hưởng lương hưu sau hàng chục năm cống hiến hết mình cho công việc. Có người đã ngất tại cuộc họp, có người khóc ròng rồi bị trầm cảm, khủng hoảng… 
Nữ cán bộ xã, phường luôn phấn đấu, cống hiến hết mình cho công việc, nhưng về hưu họ lại “trắng tay” vì quy định  của luật. Ảnh minh họa
Nữ cán bộ xã, phường luôn phấn đấu, cống hiến hết mình cho công việc, nhưng về hưu họ lại “trắng tay” vì quy định của luật. Ảnh minh họa
Trời đất như sụp dưới chân
Tháng 5/2012, chị Đinh Thị Minh Châu, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Hai Bà Trưng, Hà Nội gửi thư tới một tờ báo kể về kết cục buồn của mình sau bao nhiêu năm cống hiến. Chị Châu có 25 năm công tác liên tục trên địa bàn quận, kinh qua các công việc văn phòng, tư pháp - hộ tịch, quản lý lao động, rồi Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội LHPN quận… 
Thế nhưng khi về hưu, chị Châu được thông báo rằng chị không được hưởng chế độ hưu trí vì 8 năm ở phường không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và chị phải lựa chọn một trong hai cách: nhận trợ cấp một lần hoặc tự đóng bảo hiểm, đến khi đủ thời gian sẽ được hưởng lương hưu. 
“Trời đất như sụp dưới chân tôi, tôi ngất ngay tại cuộc họp. 10 năm ở phường tôi chỉ biết làm thật tốt công việc, làm sao biết 8 năm mình không được đóng bảo hiểm để đến nay phải chịu sự thiệt thòi quá lớn… 25 năm công tác hết lòng, các Huy chương, Bằng khen, Giấy khen, các thành tích, các danh hiệu thi đua, các cương vị đảm nhiệm cả về Đảng, hội đồng nhân dân và Hội Phụ nữ, không một lần bị kỷ luật... Càng trớ trêu hơn, 15 năm công tác tại Hội Phụ nữ, đã bao lần tôi bảo vệ được quyền lợi của hội viên, vậy mà nay không bảo vệ được quyền lợi của mình và cũng không ai bảo vệ cho mình! Làm sao để tôi lấy lại được quyền lợi chính đáng của mình?”, chị Châu cay đắng.
Từ câu chuyện của chị Châu, chị Nguyễn Thị Thủy - Phó trưởng ban Dân vận Quận ủy Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng cảm thán: “Tháng 9 này (vào thời điểm 2012 - PV) tôi đến tuổi nghỉ hưu sau 27 năm công tác, trong đó tôi cũng có thời gian công tác ở phường như chị Châu. Việc chị Châu không được hưởng lương hưu làm tôi vô cùng lo lắng, vì tôi cũng sẽ như vậy.
Hoàn cảnh  của tôi vô cùng khó khăn, hiện 2 mẹ con tôi ở với nhau, cháu chưa có công ăn việc làm, tôi thì ốm đau, bệnh tật, sức khoẻ yếu. Đã bao đêm tôi khóc ròng, không ngủ được. Tới đây tôi sống làm sao khi không có sức khoẻ để làm thêm, lấy tiền đâu mà đóng bảo hiểm, lấy tiền đâu mà thuốc men chữa bệnh, nuôi con, đóng tiền điện, tiền nước, và lấy tiền đâu mà ăn... Tôi chỉ muốn qua một đêm không thức dậy nữa”.
Chị Đào Thị Tứ (SN 1960, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 7, thành phố Vũng Tàu) cũng cho biết, chị đã có 22 năm công tác tại phường qua các vị trí: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường, Bí thư Đảng ủy… nhưng thời gian chị làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường chỉ được hưởng sinh hoạt phí, không hưởng lương. 
“Nếu căn cứ theo cách tính hiện hành thì số năm đóng bảo hiểm của tôi chưa đủ 15 năm nên tôi không được đóng thêm cho đủ theo diện tự nguyện. Một năm nữa, khi đến tuổi nghỉ hưu, tôi sẽ phải nhận trợ cấp một lần. Cứ nghĩ đến điều này tôi rất buồn vì đâu chỉ là chuyện lương bổng, tiền nong, nó còn là sự ghi nhận, sự động viên lúc tôi đã ở dốc cuối cuộc đời”, chị Tứ ngậm ngùi.
Từ chối chức danh vì lo… tuổi già
Trên đây chỉ là số ít trong rất nhiều câu chuyện của chị em cán bộ cấp cơ sở. Không ít chị đã khóc nức nở khi trình bày với lãnh đạo Trung ương Hội những thiệt thòi mà mình đang gánh chịu. 
Thực tế cho thấy, để được vào một vị trí chuyên trách thì cán bộ nữ hoạt động chuyên trách xã, phường nói chung đều phải trải qua giai đoạn dài làm những công việc chỉ có phụ cấp, không được đóng BHXH. Đơn cử như một phụ nữ là hội viên tích cực, được giới thiệu bầu làm Tổ trưởng, Chi hội trưởng, Thường vụ, Phó Chủ tịch rồi mới bầu làm Chủ tịch, không ai tham gia công tác là được bầu làm Chủ tịch ngay. 
Thế nên, có những chị tuy có đến 30 năm công tác nhưng khi đủ tuổi về hưu thì vẫn không đủ 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Họ chỉ có sự lựa chọn duy nhất là đóng tự túc cho đủ năm để được hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên số người tiếp tục đóng tự túc không nhiều. Đa số chị em đành nhận trợ cấp một lần, đồng nghĩa với những năm tháng cuối đời không có nguồn thu nhập, không có bất kỳ chế độ nào bảo đảm cho cuộc sống, sức khỏe…
Vì thế, tại nhiều xã, phường, dù được tín nhiệm cao nhưng vẫn có chị em kiên quyết từ chối làm các chức danh lãnh đạo của Hội Phụ nữ. Họ lý giải vì đã thấy trước “tương lai đau buồn” nên thà bây giờ tranh thủ thời gian làm thêm tạo thêm thu nhập còn hơn là toàn tâm, toàn ý với công việc rồi khi về hưu tay trắng vẫn hoàn trắng tay. 
Cũng vì lý do này mà tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, khi đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật BHXH về vấn đề lương hưu, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đưa ra quan điểm: 
“Với quy định 20 năm đóng BHXH mới được hưởng lương hưu thì rất khó cho cán bộ nữ cấp xã. Vì để được bầu vào các chức danh hưởng chế độ BHXH bắt buộc như Chủ tịch Hội LHPN cấp xã, cán bộ nữ phải trải qua nhiều công việc hưởng phụ cấp, nên số năm theo quy định sẽ không đảm bảo”. Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị Quốc hội xem xét nghiên cứu có quy định cụ thể về chế độ hưu trí đối với cán bộ xã nói chung, nữ cán bộ chuyên trách xã nói riêng. 
“Đừng để chúng tôi phải chịu hai lần “không”
“Tôi mong muốn tới đây Luật sẽ được sửa theo hướng bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ nói chung và đội ngũ nữ cán bộ cấp cơ sở nói riêng. Đừng để chị em chúng tôi rơi vào cảnh phải chịu đến hai lần “không”, rất thiệt thòi. Khi công tác không có lương (chỉ hưởng sinh hoạt phí), khi về hưu cũng không có lương vì không đủ năm đóng BHXH. Đối với chúng tôi, được hưởng lương hưu, dù thấp hay cao thì đó cũng là một niềm vui rất lớn, vì chúng tôi đã không sống vô ích với xã hội, cộng đồng”, chị Đào Thị Tứ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường 7, thành phố Vũng Tàu.

Đọc thêm