Nhiều trăn trở ngày quốc tế cổ động cho hạnh phúc

(PLO) - Vào tháng 6/2012, Liên Hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 20/3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân… 
GS Ngô Bảo Châu và thế hệ trẻ  “Hạnh phúc với tôi là sống hết mình với từng phút giây”.
GS Ngô Bảo Châu và thế hệ trẻ “Hạnh phúc với tôi là sống hết mình với từng phút giây”.

Thông điệp vũ trụ

Việc Liên Hợp quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau, là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Do đó, ngày 20/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc. 

Thế nhưng, có nhiều lo ngại rằng, chúng ta đang mải chạy theo những vấn đề trước mắt mà bỏ quên những giá trị tinh thần. Một con số được đưa ra gần đây cho thấy, năm 2015, doanh thu ngành văn hóa phẩm của nước ta đạt 2.000 tỉ đồng, tổng lượng bia các loại được tiêu thụ ước tính đạt hơn 3 tỉ lít, tương đương 66.000 tỉ đồng, trung bình mỗi người Việt bỏ ra 2,5 giờ/một ngày để lướt facebook.

Tỉ lệ tiêu thụ bia và dùng facebook được dự đoán sẽ tiếp tục tăng, trong khi mức trung bình số người không đọc hết một quyển sách trong năm của người Việt dự đoán sẽ không được cải thiện. Chúng ta liên tục hô hào phát triển văn hóa đọc và khuyến khích người dân đọc sách để tích lũy tri thức, nhưng thực tế đáng buồn là người Việt vẫn lười đọc sách... Và con số ấy cũng cho thấy, việc chi cho nhậu nhẹt nhiều gấp 33 lần chi cho văn hóa phẩm.

Cả nước hiện có 30 triệu người dùng mạng xã hội Facebook (trong đó có 27 triệu hoạt động trên thiết bị di động), tính riêng mỗi ngày có 20 triệu người (17 triệu trên thiết bị di động). Con số này cao hơn 13% so với mức sử dụng mạng xã hội trung bình mỗi ngày trên toàn cầu. Cùng đó, người Việt hiện dành khoảng 2,5 tiếng mỗi ngày trên facebook, nhiều hơn 1 giờ so với các mạng xã hội khác, gấp đôi thời gian dành để xem tivi và gấp nhiều lần thời gian dành để đọc sách.

Sẽ không đáng lo nếu người dân dùng facebook để kết nối, lĩnh hội thông tin. Nhưng điều đáng buồn là cư dân mạng dùng công cụ này để học hỏi, tìm kiếm thông tin thì ít, mà để cổ súy phong trào “ném đá”, từ trong nhà ra thế giới, tung tin nhảm, thậm chí làm những trò “trẻ trâu” như thách đố cả IS chỉ nhằm mục đích câu like... thì nhiều.

Rất nhiều câu chuyện đau lòng từ thế giới ảo nhưng hậu quả thật đã xảy ra. Đánh nhau vì thách nhau trên facebook, tự tử vì bị bôi nhọ, xúc phạm trên facebook, bị phạt tiền, thậm chí vướng vào lao lý vì tung tin nhảm. Nhiều người cho rằng, nếu cứ nhìn facebook thì tính phản biện của người Việt đã có chiều hướng tăng lên.

Thế nhưng, đó chỉ là thế giới ảo, có nhiều người “khoái cảm” ngồi một chỗ “ném đá” và họ hả hê khi người khác bị vùi dập, mà không phải là việc chỉ ra cho họ thấy làm cách nào để tốt hơn... Làm như thế, họ có hạnh phúc không?

Trong cuốn sách mới mang tên “The Happiness Track” của Emma Seppala, Giám đốc khoa học của Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Chủ nghĩa Vị tha và Lòng trắc ẩn thuộc ĐH Stanford, một bí ẩn mới được hé lộ... Seppala cho rằng hạnh phúc là con đường dẫn tới thành công, đồng thời nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc tự phê bình và giá trị của sự bao dung với bản thân.

Seppala đã đề xuất quan điểm: mỗi người hãy đối xử với bản thân mình giống như đối xử với một người bạn hoặc một đồng nghiệp vừa thất bại. “Thay vì tự mắng mỏ và chỉ trích bản thân khiến thất vọng càng tăng, bạn có thể nói: “Thất bại không sao đâu, nó không có nghĩa là bạn là người xấu hoặc bạn làm việc đó rất tệ”. Hai là, hãy hiểu rằng ai cũng có thể sai lầm, và những gì bạn đang trải qua là bình thường.

Hãy nghĩ đến những câu thần chú như thế này khi gặp phải tình huống đầy thách thức: “Đây là một khoảnh khắc đau khổ. Đau khổ là một phần của cuộc sống. Mình có thể tử tế và bao dung với bản thân ngay lúc này được hay không”. Mỗi ngày hãy lập ra một danh sách gồm 5 điều mà bạn cảm thấy biết ơn. Thậm chí, hãy thêm vào 5 thành tích cá nhân mà bạn tự hào về bản thân. 

Phải sống hết mình với những giây phút của mình

GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ một câu chuyện trong quan niệm về hạnh phúc, về mục đích sống trong cuộc đời: “Lần trước có đoàn học sinh đi thi quốc tế, tôi có gặp các bạn. Trong đó, có 3 bạn đăng ký học Đại học Ngoại thương, tôi hỏi “Tại sao các em lại học Ngoại thương? Rõ ràng các em có thiên hướng, có tư chất học về Toán học cơ bản”. Mẹ một bạn bảo “Học Ngoại thương tốt về tương lai, vật chất sau này”. Nhưng bạn ấy phản đối câu trả lời của mẹ. Bạn ấy muốn học khoa học tự nhiên nhưng được bố mẹ định hướng thi Ngoại thương. Tôi nghĩ chuyện đấy rất là dở, vì cha mẹ định hướng cứ nghĩ là mình thực tế nhưng có khi lại sai lầm”.

Ông bày tỏ: “Về mặt thực tế, tôi nghĩ cái nhìn ngắn hạn là rất sai lầm. Vì cái quan trọng trong cuộc đời của mỗi người không đơn thuần là kiếm được nhiều tiền. Kiếm được nhiều tiền đơn thuần không thể mang lại cho họ cuộc sống hạnh phúc được. Cái chính của mỗi người phải là thực hiện được hết khả năng của bản thân, khả năng của mình đến đâu thì mình làm đến đó. Đó mới là cái toại nguyện nhất của bản thân. Cái bất hạnh nhất là mình cảm tưởng mình có nhiều khả năng mà mình không làm được. 

Hạnh phúc đối với tôi thực ra khác với nhiều người nghĩ. Hạnh phúc nhất đối với tôi là cảm giác còn đang sống. Trong cái sống đó có cả cái ngọt ngào và đắng cay. Mình phải biết là ngay cả cái đắng cay đó cũng nằm trong hạnh phúc. Vì đó là cuộc sống. Phải biết yêu cuộc sống như chính nó vốn có. Đó là một điểm rất quan trọng trong đạo Phật. Mình phải sống hết mình với những giây phút sống của mình.Tôi nghĩ triết lý lớn nhất là phải yêu cuộc sống. Yêu cuộc sống như chính nó chứ không phải là cuộc sống phải có chức năng, nhiệm vụ gì cả. Tôi rất thích câu mang tính triết học của Trịnh Công Sơn “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Phải chăng cứ sống thật với mình rồi mình sẽ có niềm vui? 

Để hạnh phúc, GS Ngô Bảo Châu nhận xét: “Mỗi người phải có lý tưởng nhưng nói sống có lý tưởng thì tôi hơi ngại, một phần là hơi bị sáo. Lý tưởng là mình quên mất sống cuộc sống của mình mà chỉ nghĩ tới cái đích. Mình phải tin vào cái đích của mình. Giờ có nhiều bạn trẻ có nhiều cái đích không phải là cao quý lắm, ví dụ có một cái nhà, một cái xe, một thu nhập ổn định. Đành rằng, xây dựng một cuộc sống an bình, đầy đủ cho gia đình thì không có gì là xấu cả.

Nhưng nếu thực sự mà để dùng từ tôn giáo là “cứu rỗi” con người thì những mục đích đó không thể cứu rỗi con người được. Cái gì là cứu rỗi mình ra khỏi cái đích đó, hiển nhiên không phải chuyện nhà cửa, xe cộ của mình mà chính là vươn lên những cái tốt đẹp nhất. Cái đó khác với cuộc sống hàng ngày”.

Và dù có là ai trong cuộc đời thì không phải là những điều cao siêu, mà theo GS Ngô Bảo Châu, cuộc sống đời thường là quan trọng nhất:  “Tôi quan sát, ban đầu bâng quơ thôi, lâu riết thấy sự kỳ lạ: có những con người không bao giờ biết đến hạnh phúc, mất khả năng thụ hưởng hạnh phúc, đồng thời - tất nhiên - không đem lại hạnh phúc cho bất cứ ai, cho dù nhìn qua có vẻ họ có đủ điều kiện để hạnh phúc cũng như mang hạnh phúc cho người khác".

Chẳng hạn, thường thường người ta nghĩ, nghèo thì khổ, bất hạnh nhưng lắm kẻ có rất nhiều tiền, vẫn không hề có chút xíu hạnh phúc nào hết! Cứ như một cơn khát vô cùng tận, bao nhiêu tiền vàng không thỏa, thậm chí làm cơn khát tăng thêm mãi như trong câu chuyện túi ba gang. Họ không có sự ngơi nghỉ, thiếu vắng nụ cười, cảm thông san sẻ, hay sự hài lòng về một điều gì đó”. - GS Châu chia sẻ.

Thế nhưng, có những con người ngược lại, họ dễ tìm thấy hạnh phúc trong những cái nhỏ nhoi, giống như một hàn thử biểu cực nhạy: một tia nắng ban mai, một làn gió mát, hay một giọng ca bất chợt thoảng qua từ đâu đó bên nhà hàng xóm cũng khiến họ bâng khuâng, nhẹ nhõm, an lành…

Họ biết đủ, biết dừng, biết giới hạn, thấu cảm dễ dàng trước mọi sự - lòng ta và lòng người. Chỉ đường cho một người lạ, họ thấy vui trong lòng. Nhận một email đính kèm đường link bản nhạc hợp gu, họ sung sướng; có dư được chút tiền làm từ thiện, họ hân hoan vô cùng. Những con người ấy hạnh phúc cho dù có ít, thậm chí rất ít trong cuộc đời này, ngưỡng hạnh phúc của họ có thể chạm tới, như bàn tay xiết lấy bàn tay, cho những niềm an ủi, sẻ chia dẫu chỉ vào một phút giây nào đó. Dù là người thân hay người lạ, thì đó cũng là những khoảnh khắc ấm lòng và hạnh phúc, có thể con người sẽ mang theo trong suốt cuộc đời mình...

Đọc thêm