Nhiều trẻ em Việt được hưởng cuộc sống tốt đẹp mà thế hệ trước không thể mường tượng được

(PLVN) - Bà Lesley Miller - Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam – đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc đảm bảo quyền trẻ em trong thời gian qua và cho rằng nhiều trẻ em Việt Nam hiện nay được hưởng cuộc sống tốt đẹp mà các thế hệ trước không thể mường tượng được. 
Bà Lesley Miller - Phó Đại diện UNICEF Việt Nam. Ảnh: UNICEF
Bà Lesley Miller - Phó Đại diện UNICEF Việt Nam. Ảnh: UNICEF

Xin bà cho biết đánh giá về những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong việc đảm bảo quyền trẻ em trong thời gian qua?

- Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990. Trong suốt 3 thập kỷ qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên đất nước. Tôi xin đưa ra đây một vài lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam đang ở vị trí tiên phong.

Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước cho tới nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc giảm một nửa tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Tiêm chủng đã góp phần đáng kể trong việc đạt được thành tựu này. Tính đến năm 2010, khoảng 6,7 triệu trẻ em Việt Nam đã được bảo vệ khỏi các bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và uốn ván. Tiêm chủng cũng giúp cứu sống khoảng 42.000 trẻ em và giúp thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và kiểm soát được bệnh sởi.

Các bà mẹ đang đi làm cũng có được các điều kiện tốt hơn để chăm sóc con nhỏ. Luật Lao động mới có hiệu lực vào năm 2013 đã nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, thay vì 4 tháng như trước đây. Điều này đã tạo điều kiện cho các bà mẹ có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Chính phủ cũng tiếp tục ủng hộ việc tăng cường nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thông qua việc ban hành Nghị định 100/2014/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Nghị định này đã hạn chế việc quảng cáo và tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ nhỏ.

Về giáo dục, cơ hội được học hết tiểu học của trẻ em trai cũng như gái đã thành hiện thức đối với phần lớn trẻ em Việt Nam ngày nay. Với 95% trẻ em nhập học đúng tuổi, Việt Nam gần như đã đạt được phổ cập tiểu học.

Cuối cùng, về hành lang pháp lý, không thể phủ nhận là Hiến pháp Việt Nam năm  2013 là một bước tiến trong việc bảo vệ trẻ em với một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em cũng như vai trò của Nhà nước. Tiếp theo các điều khoản trong Hiến pháp, Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em Việt Nam với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em.

Với những thành tựu kể trên, nhiều trẻ em Việt Nam hiện nay được hưởng cuộc sống tốt đẹp mà các thế hệ trước không thể mường tượng được. Tuy nhiên, có một số trẻ em và vị thành niên bị bỏ lại phía sau và các em tiếp tục phải sống trong các điều kiện thiếu thốn. Có sự chênh lệch ngày càng lớn giữa các nhóm trẻ em như giữa trẻ em dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh, trẻ em nam và trẻ em nữ, trẻ em nông thôn và thành thị, trẻ em khuyết tật và không khuyết tật.

Điều này có nghĩa là cứ năm trẻ lại có một trẻ, tức là khoảng 5,5 triệu trẻ em ở Việt Nam không được thực hiện 2 trong số các quyền cơ bản về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hòa nhập xã hội, nước sạch và vệ sinh. Phát triển kinh tế mạnh mẽ đã kéo theo đô thị hóa nhanh và điều này đã đặt các gia đình di cư vào tình trạng dễ bị tổn thương hơn vì họ bị hạn chế hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội.

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu cũng đã làm ảnh hưởng tới 74% dân số và làm tăng nguy cơ bị tổn thương của họ. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo vì họ không có khả năng chống chịu. Và gần đây như chúng ta đã thấy trên truyền thông, bạo lực với trẻ em lan tràn rộng rãi ở Việt Nam.

Gần 68% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 phải chịu một vài các hình thức bạo lực tại nhà do cha mẹ và người chăm sóc gây ra. Hàng năm, khoảng 2.000 trường hợp xâm hại trẻ em được trình báo, 75% các ca này là xâm hại tình dục. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì còn rất nhiều những trường hợp xâm hại trẻ em không được trình báo.

Trong lĩnh vực tư pháp với trẻ em, chúng tôi thấy có nhiều tiến bộ trong việc tăng cường pháp luật về hành chính, dân sự và hình sự. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên. Những biện pháp bảo vệ pháp lý cho trẻ em được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật và không có một khung pháp lý vững chắc để xử lý các trường hợp phạm tội liên quan đến trẻ em. 

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều điều khoản tiến bộ nhằm tăng cường phục hồi cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Song, Bộ luật này cũng chưa tính đến những nguy cơ mới xuất hiện liên quan đến bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em, đăc biệt trong bối cảnh trẻ em tiếp cận internet ngày càng nhiều.

Vậy bà có khuyến nghị gì để Việt Nam có thể đảm bảo tốt hơn nữa những quyền và lợi ích của trẻ em trong thời gian tới?

- Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Việc quan trọng Việt Nam cần làm là tăng cường cải cách pháp lý để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này bao gồm việc sửa đổi Luật Trẻ em để đảm bảo rằng trẻ em là những người dưới 18 tuổi và các em được hưởng lợi từ hệ thống bảo vệ trẻ em. Trẻ em phải được pháp luật bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực, bao gồm bạo lực thân thể, tinh thần, các hình thức khiêu dâm trẻ em (ví dụ như khiêu dâm và dụ dỗ trẻ em trên mạng).

Nhằm giải quyết các vấn đề về liên quan đến thực hiện quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại, Việt Nam cần phải có một đội ngũ những người làm công tác xã hội mạnh hơn, thông qua việc cơ cấu lại  và phát triển một mạng lưới các nhân viên công tác xã hội có chuyên môn và các nhân viên kiêm nhiệm. Một hệ thống công tác xã hội hiệu quả ở cấp xã, phường sẽ giúp hình thành một mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ, bắt đầu từ phòng ngừa và can thiệp sớm ở cấp cộng đồng, đến đánh giá  rủi ro, quản lý ca, chuyển gửi đến các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp cho trẻ em là nạn nhân của xâm hại và bóc lột.

Cuối cùng thì Việt Nam đang phải đối mặt với “những thách thức trên chặng cuối cùng” để không bỏ lại bất cứ trẻ em nào ở phía sau. Để giải quyết thách thức này cần phải có ý chí chính trị và sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào việc giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ em, ngăn ngừa và đảm bảo điều trị suy dinh dưỡng, tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh, nâng cao chất lượng giáo dục và giáo dục hòa nhập, cải thiện môi trường bảo vệ cho trẻ em.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần tính đến những tác động của những vấn đề mới đối với trẻ em như biến đổi khí hậu, ô nhiễm và tác hại của mạng internet. Tất cả nhứng vấn đề này đều đươc đề cập đến trong các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và có thể được giải quyết triệt để thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Trân trọng cảm ơn bà!

Đọc thêm