Nhiều trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập lo đóng cửa

(PLO) - Mọi năm, tới thời điểm này, các trường dù khó tuyển cũng đã khai giảng năm học mới, nhưng năm nay các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang lao đao, lo đóng cửa trường bởi không có thí sinh…
lMột mùa tuyển sinh lao đao với các trường đại học ngoài công lập, các trường cao đẳng.
lMột mùa tuyển sinh lao đao với các trường đại học ngoài công lập, các trường cao đẳng.
Vắng vẻ vì thi chung?
Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), có 28 trường tuyển bổ sung đợt 4, đợt cuối với các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Trong đó, ĐH Công nghiệp Việt Hưng còn thiếu 600 chỉ tiêu vào ĐH. ĐH Công nghệ Đông Á cũng cần tuyển 800 sinh viên. ĐH Hoa Lư - Ninh Bình cần tuyển 481 chỉ tiêu. ĐH Công nghiệp dệt may cần tuyển 600 chỉ tiêu CĐ. ĐH Công nghiệp Việt Trì cần bổ sung 500 chỉ tiêu ĐH, 150 chỉ tiêu CĐ. 
Còn với các trường CĐ, trường thiếu nhiều chỉ tiêu nhất là Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội, thiếu 7.960 chỉ tiêu. Trong số trường tuyển bổ sung đợt 3 có Trường ĐH Thông tin liên lạc (Trường Sĩ quan thông tin) tuyển 185 chỉ tiêu ĐH hệ dân sự, 243 chỉ tiêu CĐ hệ dân sự. ĐH Sao Đỏ cũng cần bổ sung 1.050 chỉ tiêu cho hai hệ ĐH và CĐ của trường.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong những trường ngoài công lập nhiều năm qua luôn có lượng thí sinh đông kỷ lục, nhưng năm nay chỉ tuyển được khoảng 2.000 thí sinh trong 2 đợt đầu và sau đợt tuyển thứ 3 vẫn thiếu gần 3.000 chỉ tiêu. 
ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) một trường được đánh giá có cơ sở vật chất tốt cũng mới được 10 thí sinh. Tại Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Thọ, đến đợt xét tuyển bổ sung đợt 4, nhà trường nhận được 8 bộ hồ sơ với 2 khoa khác nhau ở hệ CĐ và 5 bộ hồ sơ ở 3 khoa khác nhau hệ trung cấp. Trước đó, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Thọ có những năm học số sinh viên nộp hồ sơ lên tới 2.000 em, nhưng giờ với chỉ tiêu 250 thí sinh, chỉ bằng 1/10 con số cũ mà nhà trường cũng khó có thể đạt được. 
Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng chia sẻ lo lắng: “Rõ ràng kỳ tuyển sinh năm nay, cán cân hoàn toàn rơi vào các trường công lập. Năm ngoái chúng tôi tuyển sinh tốt hơn. Tôi thấy trường ngoài công lập dù rất muốn thu hút thí sinh nhưng cũng quá khó khi thí sinh đạt điểm sàn cũng bị các trường công lập tuyển gần hết. Hơn nữa, việc để các trường công lập được tuyển vượt chỉ tiêu 5-10% cũng là quy định không hợp lý và gây không ít khó khăn cho chúng tôi”. 
Thí sinh đi đâu?
Đánh giá về khâu xét tuyển năm nay, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT nhận định điểm trúng tuyển của các trường thể hiện sự phân tầng khá rõ nét. Ở tất cả các nhóm trường (trường ĐH trọng điểm, trường ĐH tốp giữa, trường CĐ, trường ĐH ngoài công lập) đều có những trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Các trường tốp đầu đều có điểm trúng tuyển ở mức cao. Tuy nhiên, đối với các nhóm sau, việc phân tầng về mức điểm đầu vào lại không được Bộ GD-ĐT nhận định cụ thể. 
Theo thống kê từ Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, trên cả nước có hơn 400 trường ĐH, CĐ, trung bình cứ mỗi tỉnh lại có 7 trường ĐH, CĐ và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH lại tăng mạnh theo từng năm. Cụ thể là trong năm 2013 chỉ tiêu ĐH là gần 300.000, đến năm 2014 là 370.000 và năm nay là 439.000 vừa xét theo kỳ thi THPT quốc gia vừa xét theo phương thức riêng. 
TS. Lê Viết Khuyến – Phó Trưởng ban Hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, việc các trường ĐH ngoài công lập và một số trường ĐH công lập tốp dưới không tuyển đủ chỉ tiêu sau các đợt xét tuyển là điều đã được báo trước. Một trong những lý do dẫn đến hệ quả này là do Bộ GD-ĐT đã không khống chế chỉ tiêu của các trường công lập trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Bởi theo nếu như các năm trước, các trường ĐH thường dành khoảng 70-80% chỉ tiêu trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 thì năm nay hầu hết các trường ĐH tốp đầu và tốp giữa đều lấy 100% chỉ tiêu ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên.
Tuy nhiên, PGS.TS Lê Hữu Lập - Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) lại cho rằng: “Hiện nay đào tạo ra nhiều nhưng thất nghiệp cũng không ít do chất lượng đào tạo thấp, không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Cho nên, trường ĐH, CĐ nào không bảo đảm chất lượng đào tạo sẽ không thu hút được thí sinh. Đây có thể là giai đoạn phân tầng chất lượng ĐH rõ nét, các trường chất lượng kém sẽ bị đào thải.
Thế nhưng, dù các trường cứ lay lắt nhưng vẫn rất khó để đóng cửa?. Bà  Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết đình chỉ hoạt động của một trường không đơn giản, phải có luật. Theo bà Phụng, trường nào không tuyển sinh được 3 năm liên tiếp thì dừng tuyển sinh. Dừng tuyển sinh rồi mà vẫn không khắc phục được nguyên nhân ngừng tuyển sinh thì sẽ đình chỉ hoạt động (đình chỉ có nhiều căn cứ nhưng đây là nói về nguyên nhân tuyển sinh). 
Dự kiến cuối tháng 10, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ hội thảo về tình trạng tuyển sinh vất vả và nguy cơ đóng cửa ngành học, trường học.

Đọc thêm